Tung tin thất thiệt vụ nữ sinh Huflit: Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân
Theo ý kiến của các luật sư, những cá nhân, tổ chức tham gia tung tin đồn thất thiệt vụ nữ sinh Huflit tại trường Quân sự Quân khu 7 sẽ phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc.
Vừa qua, mạng xã hội xôn xao bởi tin đồn thất thiệt về việc một nữ sinh Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (Huflit) đang học giáo dục Quốc phòng an ninh tại trường Quân sự Quân khu 7, bị xâm hại, nhảy lầu tự tử. Qua xác minh, các cơ quan chức năng đã chứng minh đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt, các clip xuất hiện trên mạng xã hội có sự cắt ghép, lồng tiếng. Bản thân những “người trong cuộc” cũng thừa nhận sự việc trên là hoàn toàn không có thật.
Nguyên nhân xuất phát từ việc một nữ sinh bị nghi ngờ lấy trộm tiền dẫn đến ức chế, nên đã có việc la hét. Tuy nhiên, vụ việc này cũng đã gây ra những ảnh hưởng xấu, làm hoang mang dư luận xã hội.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 nhận định, nhiều khả năng đây là chiến dịch truyền thông bẩn, do các thế lực thù địch lợi dụng, cắt ghép, cố ý xuyên tạc thông tin, kích động và bôi nhọ lực lượng quân đội. Hiện cơ quan chức năng đã thu thập hồ sơ, chứng cứ liên quan vụ việc trên, chuyển cho đơn vị kỹ thuật an ninh mạng để điều tra. Đồng thời, đề nghị Công an TP.HCM khởi tố vụ án, nhằm làm rõ sai phạm của các tài khoản mạng xã hội đã xuyên tạc, thông tin sai sự thật.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối (đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Hiện nay, tại Điều 8 Luật An ninh mạng quy định về các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Luật an ninh mạng cũng quy định: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Cụ thể, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP).
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối
Bên cạnh đó, nếu hậu quả của hành vi đủ truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn có thể bị phạt tù lên đến 7 năm tù về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
“Hiến pháp và pháp luật cho phép tổ chức, cá nhân được quyền tự do thể hiện chính kiến nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không được lợi dụng quyền này để làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác, đặc biệt chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc chia sẻ, đăng tải, phát ngôn thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi công dân. Tuy nhiên, khi hoạt động trên không gian mạng mỗi công dân phải có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ các thông tin để hạn chế thấp nhất những vi phạm pháp luật.” – Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết.
Bên cạnh Luật An ninh mạng, Bộ Luật Hình sự 2015 cũng có những quy định rất rõ về việc nghiêm cấm tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Cụ thể, theo luật sư Triệu Thị Yến – Văn phòng luật sư Sen Vàng, hành vi tung tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong sự việc này, chủ thể bị ảnh hưởng là bản thân nữ sinh, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin Học TP.HCM và Trường Quân sự Quân khu 7.
“Tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định rõ về tội Vu khống. Theo đó, người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.” – Luật sư Triệu Thị Yến nhấn mạnh.
Theo vị nữ luật sư, trường hợp lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại tổ chức gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng có thể bị xử lý hình sự. Căn cứ Điều 331 Bộ luật Hình sự: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm./.