Từng thi THPT chỉ được 10,5 điểm (2 môn), nhà văn Hoàng Anh Tú có lời nhắn nhủ cực thấm đến lứa sĩ tử 2k7
Thay vì kỳ vọng con mình đỗ, hãy nói với con về những plan B, plan C để plan A này, nếu con có không đạt, đó chỉ là con chưa đạt plan A, con vẫn còn những lựa chọn khác, như cuộc đời này có rất nhiều lựa chọn. Vậy thôi!
Ngày 18/6, học sinh lớp 9 TP Hà Nội chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022. Buổi sáng, các em thi môn Ngữ Văn, chiều thi Ngoại ngữ và trong sáng mai sẽ thi Toán. 2022 là một năm có thể coi là vô cùng khốc liệt với sĩ tử thi lớp 10 bởi tỷ lệ chọi cao kỷ lục. Một số trường có tỷ lệ chọi cao nhất như THPT Yên Hòa có tỷ lệ chọi 1/3,03, cao nhất từ trước đến nay; THPT Chu Văn An với tỷ lệ 1/2,87; THPT Sơn Tây với tỷ lệ 1/2,73. THPT Nhân Chính đứng thứ tư với tỷ lệ 1/2,53.
Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều em học sinh sẽ không thể giành được suất vào trường công lập. Ngày công bố điểm thi sẽ có người cười, người khóc; người hạnh phúc sung sướng, người hụt hẫng khóc òa. Thế nhưng việc không đỗ công lập không có nghĩa là cánh cửa học tập của các em đã khép lại.
Nhân cột mốc quan trọng của sĩ tử 2k7, nhà văn Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ cực thấm. Được sự đồng ý của anh, chúng tôi xin đăng tải lại bài viết dưới đây.
CỨ KHÓC NẾU CON THUA NHƯNG HÃY CƯỜI SAU ĐÓ VÌ CÒN BỐ MẸ BÊN CON!
Sáng nay, gần 107.000 gia đình bước vào một cuộc chiến. Sẽ có 203 trận địa với 4.550 phòng thi hừng hực lửa. Những đứa trẻ sinh năm 2007 hôm nay bắt đầu cuộc chiến lớn nhất cuộc đời chúng kể từ khi được sinh ra.
Những kỳ thi vào 10 ngày càng khốc liệt hơn cả thi Đại Học khi chỉ có 64,7% trong số 107,000 đứa trẻ sẽ được coi là chiến thắng, số còn lại có thể bị coi là thất bại, thậm chí, với nhiều đứa trẻ có cha mẹ kỳ vọng vào con thái quá sẽ phải hứng chịu những lời mắng mỏ. Bởi đâu đó vẫn còn những phụ huynh kỳ vọng vào con mình và mất kiểm soát cảm xúc khi con mình trượt.
Năm nay, cả Hà Nội có khoảng 129.000 đứa trẻ tham gia kỳ thi xét tốt nghiệp nhưng chỉ có 107.000 đứa trẻ đăng ký thi vào 10 trường công - nơi trận chiến mà có thể là 3 chọn 1 như THPT Yên Hòa. Về con số lý thuyết thì 64,7% số trẻ trong 107,000 đứa trẻ kia đạt đủ điểm để đỗ vào 10. Nói là con số lý thuyết là bởi có những trường công, số chỉ tiêu là 450 em nhưng chỉ có 373 em đăng ký.
Sẽ có nhiều đứa trẻ trong số 64,7% kia không chọn những trường công mà cha mẹ các em kêu là “lởm”, là “quê”, là “không chất”. Thậm chí có những em thừa điểm để vào trường này trường nọ nhưng lại thiếu điểm ở trường mà các em đặt nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 của các em. Nó biến cuộc đua này thành những vụ cá cược đau đầu của không chỉ các em mà còn là của cả các bậc cha mẹ.
Việc chọn trường nào là nguyện vọng 1, trường nào là nguyện vọng 2 có thể sẽ khiến các em thiếu điểm ở nguyện vọng 1, vừa sát điểm của nguyện vọng 2 nhưng vì ghi trường đó là nguyện vọng 2 mà phải cộng thêm điểm mới có thể đỗ được. Rõ ràng, đó là cuộc lựa chọn sinh tử. Sẽ có những em điểm cao chót vót ở quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân nhưng sẽ vẫn trượt. Bởi đó là nơi trận chiến “đẫm nước mắt” nhất khi có tới 13.500 chiến binh phải chiến đấu vào 10 trường THPT. Tức là chỉ có 6.445 đứa trẻ đỗ, chưa bằng một nửa số đăng ký dự thi, số còn lại trong 13.500 đứa trẻ đó sẽ hối hận vì cha mẹ sinh ra mình là công dân quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân mà không phải ở các quận khác.
Năm nào cũng vậy, chỉ nhìn những con số thôi đã thấy sự khốc liệt rồi. Nhưng nếu nhìn vào sâu hơn nữa, vào từng đứa trẻ thi vào 10 của mỗi năm, tôi tin chắc nhiều cha mẹ có con sắp thi vào 10 những năm kế tiếp sẽ rợn người toát mồ hôi lạnh hơn. Kỳ thi vào 10 các trường công thực sự là thứ cuộc chiến tàn khốc nhất.
Cứ cho là 64,7% trong số 107.000 đứa trẻ kia đỗ vào trường công sau đó đi, thì 35,3% số còn lại sẽ trở thành niềm đau của cha mẹ. Thấy con khóc vì thiếu điểm, liệu cha mẹ nào không đau lòng? Phải an ủi con ra sao? Phải nói với con thế nào? Về những thất bại đầu đời này của các con.
Thật dễ dàng với người lớn chúng ta khi nói rằng: "Thất bại là mẹ thành công". Rằng: "Không sao hết con ơi, đó chỉ là một thành công bị trì hoãn". Rằng: "Con đã cố gắng hết sức rồi, không sao hết đâu con". Hay như hôm trước tôi đăng bức ảnh người mẹ cầm tấm biển: "Bất kể con thi kết quả thế nào. Bố mẹ vẫn yêu con".
Chỉ là với lũ trẻ thì những lời an ủi đó liệu có giúp những đứa trẻ vượt qua nỗi buồn thất bại này mà không để lại một vết thương tổn không? Bởi trong mắt lũ trẻ không chỉ có bố mẹ mà còn bạn bè, còn thầy cô giáo. Xấu hổ với bạn bè đôi khi còn nặng nề hơn xấu hổ với cha mẹ. Chưa kể, đâu đó vẫn còn những thầy cô quan trọng thành tích của mình hơn nỗi buồn của học trò.
Đừng hỏi tôi giải pháp nào cho những kỳ thi vào 10 trường công khốc liệt thế này. Tôi chỉ là một ông bố có con đã từng từ bỏ kỳ thi vào 10 trường công để chúng tiếp tục học trường tư. Đúng, vì nhà tôi có điều kiện. Nhưng nhiều hơn thế, đó là các con tôi vẫn hạnh phúc với ngôi trường mà chúng lựa chọn.
Ngày xưa, khi tôi đi thi vào lớp 10 trường THPT Trần Phú, tôi chỉ đạt 10,5 điểm (2 môn) và phải học hệ B - hệ đóng tiền của trường. Nhưng hồi đó vẫn để lại một tổn thương đến tận giờ mỗi khi nhớ lại. Khi mà xấu hổ với bạn bè, xấu hổ với thầy cô và luôn bị bố mẹ thở dài nhìn mình, cố gắng chắt bóp chi tiêu để đóng học phí cao hơn các bạn cho con mình. Và rất tiếc, thất bại của năm 1993 ấy, thật lòng, nó chả giúp tôi trưởng thành gì. Chỉ nỗi xấu hổ thì vẫn theo tôi mãi. 25 năm sau trở lại trường, tôi vẫn ngại ngần dù các thầy cô trường THPT Trần Phú bây giờ đã đón tiếp tôi vô cùng nồng hậu.
Thưa các cha mẹ có con thi vào 10 trường công năm nay! Xin hãy dành tặng con một cái ôm sớm ngay hôm nay. Thay vì kỳ vọng con mình đỗ, hãy nói với con về những plan B, plan C để plan A này, nếu con có không đạt, đó chỉ là con chưa đạt plan A, con vẫn còn những lựa chọn khác, như cuộc đời này có rất nhiều lựa chọn. Vậy thôi!