Từng sống ở 1 khu trọ "bất hảo" nhưng vẫn ngoan, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ cách dạy dỗ để con không lây thói hư từ bạn xấu
Chị Liên hiện tại nuôi con như cách mẹ đã nuôi mình: làm mẫu, tin tưởng, tâm sự, ghi nhận, kỷ luật. Áp dụng đủ công cụ đúng lúc đúng chỗ thì không lo lắng gì cả.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên (hiện công tác trong lĩnh vực giáo dục ở Hà Nội) là mẹ của hai cậu con trai. Cho các con theo Semi homeschool (vừa học chương trình Việt Nam, vừa học chương trình Mỹ và lấy song bằng năm cấp 3) nên các cấp khác nhau, chị Liên chọn cho con các loại hình trường học khác nhau.
Nhiều người hỏi: "Cho con học nhiều trường, học sinh đủ nơi đến, nhỡ có những ảnh hưởng tiêu cực như học sinh đánh nhau, đua đòi thì làm sao mà yên tâm được". Tuy nhiên, bà mẹ này cho rằng, bản thân chị ngày xưa ở khu trọ nọ khá "phức tạp", ngày ngày tiếp xúc với nhiều thành phần "bất hảo", không ít khi phải đánh lại vì bị bắt nạt, thậm chí thường xuyên bị chặn đường cướp xe đạp mà chị cũng không hư.
Nguyên nhân bởi vì hệ giá trị gia đình và niềm tin của bố mẹ về bản thân chị rất mạnh mẽ. "Mình sống với cái xấu nhưng mẹ mình là một người mẹ tuyệt vời luôn nâng đỡ hỗ trợ và tin vào con nên mình đã không hư được, thậm chí còn mạnh mẽ vươn lên đến bất ngờ. Thế nên giờ mình nuôi con như cách mẹ đã nuôi mình: làm mẫu, tin tưởng, tâm sự, ghi nhận, kỷ luật. Áp dụng đủ công cụ đúng lúc đúng chỗ thì không lo lắng gì cả".
Bà mẹ này cũng chỉ ra những yếu tố quan trọng để khỏi lo lắng con có bạn xấu, con khỏi "hư".
1. Trường nào cũng có mặt này mặt khác, chỉ là đâu là ngôi trường phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình nhất thôi. Cái tốt và cái xấu có ở mọi nơi, trường nào cũng có học sinh hư, học sinh ngoan, có cạnh tranh. Vốn dĩ sau này đi làm thì con chúng ta sẽ phải gặp nhiều kiểu người, nhiều hoàn cảnh, đâu phải là môi trường trong sạch. Vì vậy nếu chúng ta biết đâu là cái lôi kéo được con chúng ta vào cái xấu và đâu là cái giữ con chúng ta đứng ngoài cái xấu thì chúng ta sẽ tự tin dù con có phải học ở đâu.
2. Đứa trẻ nào trong thâm tâm cũng thích làm điều tốt, cũng muốn được khen, được tự hào về điểm tốt của chính mình. Rất ít trường hợp học sinh vô tình va vào các bạn xấu. Vậy điều gì dẫn tới đứa trẻ dễ hòa nhập vào cái xấu?
- Đi vào cái xấu là do cảm xúc tiêu cực nhiều, ít người khen, ít người ghi nhận ưu điểm và hay chê và nhìn vào cái chưa được của con. Đến trường đã bị chê, đã quên bài rồi, về nhà lại thêm bố mẹ mắng, đay nghiến thì không đứa trẻ nào chịu được.
- Đi vào cái xấu là do thấy cô đơn, ít khi được cha mẹ nói chuyện, đồng hành nên có những sự việc mới chớm, cha mẹ không biết để hỗ trợ con vượt qua.
- Đi vào cái xấu vì hệ giá trị xấu tốt không rõ ràng, do đó làm điều xấu mà không biết, không để ý, hoặc biết là xấu mà không biết đến hệ quả khi làm điều xấu nên cũng vì thế mà làm.
3. Vậy để con ở cạnh điều xấu mà không học cái xấu thì:
- Cha mẹ phải thường xuyên làm điều tốt để cho con nhìn thấy đâu là điều tốt từ chính cha mẹ mình, không phải chỉ nghe cha mẹ nói. Nghe nói về điều tốt chỉ như nước đổ lá khoai.
- Cha mẹ cần khen thưởng, ghi nhận sự nỗ lực nhiều hơn ghi nhận kết quả, đồng thời thẳng thắn nói về điểm xấu ở con 1 cách khách quan để cải thiện. Tuyệt đối không chỉ trích, đay nghiến, cũng không cần nói giảm hay nói tránh về điểm xấu, nhược điểm của con. Bản thân cha mẹ cần dũng cảm nhìn điểm tốt, điểm xấu của bản thân. Người cha mẹ mà càng tự khách quan đánh giá bản thân bao nhiêu thì đứa con càng nhanh chóng hiểu bản thân bấy nhiêu.
- Cha mẹ nói chuyện với con nhiều hơn để thông qua các sự kiện xã hội, các câu chuyện cảnh giác được nói cho con nghe về hậu quả của ma túy, tệ nạn thì dần con tránh được cái xấu và để giải tỏa ngay cảm xúc tiêu cực tích tụ trong con.
- Cha mẹ có kỷ luật tích cực cho những hành vi chưa phù hợp hoặc gây hại cho mình, cho người khác.
Nếu áp dụng đủ những điều trên thì cha mẹ không cần lo lắng chuyện con học ở nơi có bạn xấu nữa.