Từng được ví "ngang tầm" với Jeff Bezos, Elon Musk và Bill Gates, tượng đài 1 thời của Trung Quốc đang đổ vỡ: "Chẳng ai muốn là Jack Ma tiếp theo!"
Jack Ma từng được truyền thông Trung Quốc tung hô ông là một biểu tượng, người đã tạo ra "thời đại của Jack Ma". Song, khi đế chế Alibaba đã trở nên quá hùng mạnh, ông lại đứng trước những rủi ro lớn.
Tờ Wall Street Journal từng dành lời khen "có cánh" cho vị tỷ phú từng giàu nhất Trung Quốc, Jack Ma còn không phải là "Jeff Bezos, Elon Musk hay Bill Gates của Trung Quốc", mà xếp ngang tầm với họ. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và mang trong mình nhiều tham vọng, ông đã xây dựng nên một trong những đế chế kinh doanh "huyền thoại", có mặt ở gần như mọi ngóc ngách trong cuộc sống của người dân đại lục.
Sóng gió bắt đầu từ "vạ miệng"
Vị tỷ phú này thậm chí còn được ví như một ngôi sao toàn cầu, truyền thông Trung Quốc cũng tung hô ông là một biểu tượng, người đã tạo ra "thời đại của Jack Ma". Song, khi đế chế Alibaba đã trở nên quá hùng mạnh, Jack Ma lại đứng trước những rủi ro lớn khi quá "mạnh miệng". Tháng 10/2020, ông đã chỉ trích hệ thống pháp lý gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp ở Trung Quốc. Theo WSJ, Jack Ma không bắt kịp các quan điểm đang thay đổi của Bắc Kinh và ông lại hành xử như doanh nhân kiểu Mỹ.
Ngay sau phát biểu đầy mạnh bạo đó, vị tỷ phú nhanh chóng ở ẩn. Nhưng chỉ vài ngày sau, thương vụ IPO được mong chờ nhất lịch sử, với định giá hơn 34 tỷ USD của Ant Group bị giới chức Bắc Kinh đình chỉ. Lẽ ra, đây sẽ là thương vụ niêm yết lớn nhất thế giới, khi giới đầu tư toàn cầu đổ số tiền rất lớn để mua cổ phiếu này, với lượt đăng ký cao hơn quy định đến 80 lần.
Bị hủy kế hoạch IPO, Ant nhanh chóng phải đưa ra kế hoạch cải tổ và được NHTW quản lý nghiêm ngặt. Công ty fintech này buộc phải tái cấu trúc, đưa ra hoạt động và làm việc với những đối tác mới. Ant có quy mô cực kỳ hoành tráng, họ chỉ mất 4 năm để thành lập một quỹ MMF lớn nhất thế giới, vượt qua cả Fidelity và JPMorgan, cùng nhiều ngân hàng lớn trên thế giới.
Tuần trước, Ant lại phải chịu thất bại trong nỗ lực cải cách do chính phủ chỉ đạo. Một nhà quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước rút khỏi thỏa thuận đầu tư vào chi nhánh cho vay của công ty này nhưng không giải thích nguyên nhân.
Tháng 4 năm ngoái, Bắc Kinh đã đưa ra án phạt kỷ lục cho Alibaba với 2,8 tỷ USD vì vi phạm quy định chống độc quyền. Thậm chí, tập đoàn này còn bị cáo buộc "thao túng thị trường" và bị yêu cầu phải chấn chỉnh và thu hẹp quy mô hoạt động. Bắc Kinh muốn siêu ứng dụng hơn 1 tỷ người dùng Alipay phải chia tách. Ant buộc phải tách 2 mang kinh doanh là Huabei - tương tự như thẻ tín dụng truyền thống, và Jiebei - cho vay các khoản vay nhỏ không đảm bảo.
Cùng thời điểm trên, Jack Ma cũng từ chức Chủ tịch Đại học Hupan. Đây là trường kinh doanh mà ông sáng lập năm 2015, được ông gửi gắm nhiều kỳ vọng về sự đổi mới trong hoạt động giáo dục và kinh doanh. Trước sự ra đi của ông, Hupan gặp khó khăn khi thu hút học sinh mới vì danh tiếng của trường lại gắn liền với vị tỷ phú.
Bị "sờ gáy" vì bê bối tham nhũng
Sóng gió với Jack Ma vẫn chưa dừng lại ở đó. Hồi tháng 10, Trung Quốc khởi động một cuộc thanh tra trên diện rộng nhằm vào các cơ quan giám sát hệ thống tài chính, các ngân hàng quốc doanh, các công ty bảo hiểm và các công ty quản lý nợ xấu lớn nhất. Đây là cuộc thanh tra lớn nhất trong 6 năm trở lại đây, cho thấy rõ nét quyết tâm chống tham nhũng trong hệ thống tài chính quy mô 54.000 tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trọng tâm của cuộc điều tra là liệu các ngân hàng quốc doanh, quỹ đầu tư và cả cơ quan quản lý hệ thống tài chính đã trở nên quá thân thiết với các doanh nghiệp tư nhân, như Evergrande, Didi Global và Ant Group hay không.
Mới đây nhất, Financial Times đưa tin, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đã ám chỉ Ant Group có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng. Một bộ phim tài liệu trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc do nhà nước điều hành cáo buộc rằng các công ty tư nhân đã "trả tiền cao một cách bất hợp lý" cho em trai của cựu lãnh đạo Hàng Châu - nơi đặt trụ sở chính của Ant Group. Việc làm này là để đổi lại các chính sách ưu đãi của chính phủ và hỗ trợ mua bất động sản.
Theo hồ sơ công khai và hai nguồn tin thân cận, một đơn vị của Ant Group đã mua 2 mảnh đất với giá chiết khấu ở Hàng Châu vào năm 2019. Họ thực hiện thương vụ này sau khi mua cổ phần tại 2 doanh nghiệp thanh toán di động thuộc sở hữu của em trai vị bí thư có tên trong bộ phim tài liệu. Nội dung của đoạn phim càng gây áp lực lớn lên Ant trong bối cảnh công ty phải chật vật để cải tổ hoạt động.
Có thể thấy, cũng như ở Mỹ, sự phát triển vượt trội đã giúp ông lớn công nghệ và CEO của họ ngày càng quyền lực và không ngại khoa trương sức mạnh. Các công ty lớn nhất thường ép buộc những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn phải tích hợp vào nền tảng của họ hoặc bán mình. Một số người còn nhận định cuộc trấn áp quy định đối với Alibaba cùng nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc là một động thái chậm trễ.
Trong bối cảnh quy định ngày càng gắt gao, một nhà sáng lập ở Trung Quốc cho biết các công ty công nghệ sẽ thận trọng hơn khi cho ra mắt các sản phẩm mạo hiểm, tuân thủ chính sách hơn và có thể họ sẽ tránh việc bành trướng quá mức vì không muốn thu hút sự chú ý. Người này cho biết: "Chẳng ai muốn làm Jack Ma tiếp theo".
Thông điệp bất thành văn dành cho Jack Ma và các doanh nghiệp cùng ngành đó là thập kỷ vốn tạo điều kiện phát triển cho những "đối thủ" sừng sỏ của Facebook hay Google đã đi đến hồi kết. Đã qua rồi cái thời mà những gã khổng lồ như Alibaba, Ant hay Tencent có khả năng chèn ép những doanh nghiệp cùng ngành với tiềm lực tài chính và kho dữ liệu khổng lồ.
Tổng hợp