Túi xách được làm tử bao bì "cám Con Cò" vẫn được yêu thích ở Nhật Bản sau 5 năm ra mắt, ngày càng đắt khách đến khó tin
Ở Việt Nam, những chiếc bì cám Con Cò đã qua sử dụng này chỉ có thể vứt đi hoặc bán đồng nát nhưng sang Nhật Bản, chúng lại được tái chế thành những chiếc túi thời trang ấn tượng.
Năm 2014, hình ảnh những chiếc túi xách được làm từ bao bì đựng thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã từng gây sốt cộng đồng mạng Việt Nam lẫn Nhật Bản. Tại thời điểm đó, loại túi xách này được xem như là một xu hướng thời trang được giới trẻ xứ Mặt trời mọc thích thú.
Túi xách "cám Con Cò" chỉ là cách gọi theo thói quen của người Việt mà thôi. Còn trên thực tế, những chiếc túi xách này được tái chế từ những thương hiệu thức ăn chăn nuôi khác nhau với đủ chủng loại cho các vật nuôi như vịt, gà, lợn, cá, bò,… Nhưng có lẽ không nhiều người ngờ được rằng, cho đến thời điểm hiện tại, túi xách "cám Con Cò" vẫn được người dân Nhật Bản ưa chuộng và biến tấu với nhiều kiểu dáng khác nhau.
Thực ra, nguyên nhân của kết quả này khá dễ hiểu. Túi xách "cám Con Cò" không chỉ được làm từ vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường mà còn nhẹ, dễ sử dụng, tính ứng dụng cao và có họa tiết độc đáo.
Ở Nhật Bản, những chiếc túi xách "cám Con Cò" được bán trực tiếp trong các cửa hàng lưu niệm, trung tâm thương mại và bán online trên nhiều website. Vì vậy mà không khó để bắt gặp hình ảnh người dân xứ hoa anh đào sử dụng loại túi này trên phố, phổ biến nhất là túi đeo chéo, túi tote và túi đựng laptop, iPad.
Tùy vào kiểu dáng, kích cỡ và công dụng mà mỗi chiếc túi được bán với giá khác nhau, dao động từ 1.600 - 3.800 yên Nhật (tương đương 350.000 - 830.000 đồng). Nếu bọc thêm túi nilon chống xước và chống nước, người dùng sẽ phải trả thêm 400 yên cho mỗi túi (khoảng 90.000 đồng). Trong đó đắt nhất chính là túi iPad và túi laptop.
Túi xác "cám Con Cò" được bày bán ngày càng phổ biến ở Nhật Bản.
Tại Việt Nam, tuy chưa phổ biến nhưng đồ dùng từ bao bì thức ăn gia cầm cũng đã được bày bán thời gian gần đây. Đặc biệt, người khởi xướng cũng là một người phụ nữ đến từ Nhật Bản, chị Konako Sai. Không chỉ dừng lại ở túi xách, chị Sai còn còn đa dạng hóa các sản phẩm như tạp dề, móc khóa, ví tiền, gối ôm,... khiến nhiều người thích thú.
Hiện tại chị Sai đang có 10 cửa hàng bày bán những sản phẩm từ bao bì thức ăn gia cầm ở Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An và Sài Gòn.
Không dừng lại ở túi xách thông thường, ở Việt Nam, bao bì thức ăn gia súc còn được dùng làm tạp dề, gối ôm,...