Từ vụ người đàn ông ngộ độc rượu nặng rồi tử vong, chuyên gia cảnh báo đàn ông cần chú ý dịp Tết đến
Ngộ độc rượu là tình trạng xảy ra nhiều nhất mỗi khi dịp Tết đến. Nếu không thể tránh khỏi việc uống rượu, đàn ông nên chú ý một số điều để bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Tết đến cũng là lúc mà những cuộc liên hoan, giỗ chạp, tụ tập diễn ra liên tục. Trong quan điểm của nhiều người, cuộc vui trên bàn ăn không thể thiếu những chén rượu quen thuộc. Có lẽ vì thói quen này mà cứ vào dịp Tết, những ca ngộ độc rượu cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội mới đây chia sẻ về một trường hợp mình vừa tiếp nhận. Theo đó, bệnh nhân tên là N.V.M (29 tuổi, Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu nặng.
Khi tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ biết rằng chiều ngày 2/1, M đi nhậu với bạn đến tối mới về, đến nhà chỉ lăn ra ngủ mà không ăn uống gì. Sáng hôm sau, gia đình phát hiện M bất tỉnh, tay chân lạnh ngắt, đơ cứng nên vội vàng gọi xe cấp cứu. Tại bệnh viện, tình trạng của M hết sức nguy kịch nên buộc phải thở máy. Vào thời điểm đó, bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa nặng, tiêu cơ vân, suy thận, tụt huyết áp… nhưng vì tình trạng quá nặng nên không qua khỏi.
Ngoài ra, đã có rất nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu vì chỉ uống rượu mà không ăn gì, liên tục như vậy trong nhiều ngày, khiến cơ thể bị tụt đường huyết, gây tổn thương não, tử vong nhanh chóng.
Cẩn thận với rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), đối với những người thường xuyên phải tiếp xúc với rượu, cần phải biết cách chọn rượu và giải say khi uống quá nhiều.
Trước tiên, người uống nên chọn những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh các loại rượu tự chế tại các cơ sở tư nhân. Trong y học, cồn sẽ được hấp thụ trên toàn bộ tuyến tiêu hóa, bắt đầu từ niêm mạc miệng, sau đó đi thẳng vào máu và phân tán ra toàn bộ cơ thể. Vì thế, nếu chọn rượu không an toàn, có lẫn nhiều tạp chất, tất cả các bộ phận trên cơ thể đều bị ảnh hưởng nặng.
Bên cạnh đó, rượu nấu thủ công, không sử dụng trang thiết bị hiện đại, việc loại bỏ độc tố là điều không thể. Loại rượu này khi uống vào rất dễ say, khiến người dùng tê liệt thần kinh, không đủ tỉnh táo để kiểm soát hành vi. Đặc biệt, rượu pha chế mới là loại rượu nguy hiểm, có tác hại nặng nề hơn rượu thủ công.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Loại cồn này có tên là ethanol, chứa rất nhiều các chất phụ gây hại sức khỏe con người như methanol, butanol, andehit… Trong những thành phần này thì methanol chiếm là chủ yếu. Khi uống rượu, những chất này sẽ nhanh chóng đi vào đường tiêu hóa, vào máu, gây phản ứng ngay lập tức lên hệ thần kinh và mắt, phá hủy các tế bào não".
Theo chuyên gia, một người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường hoàn toàn có thể bị ngộ độc rượu sau khi uống rượu chứa methanol, nếu uống chừng 150mgr methanol thì nạn nhân có nguy cơ tử vong cực cao.
Trong nhiều trường hợp ghi nhận có liên quan tới rượu kém chất lượng phải kể đến bệnh Alzheimer, ung thư đường tiêu hóa, gan, thận. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của chính mình, không được tùy tiện chọn rượu kém chất lượng.
Giải độc bia rượu như thế nào mới bảo vệ được sức khỏe?
Trong rất nhiều trường hợp bất khả kháng, đàn ông buộc phải uống nhiều rượu. Bản thân họ cũng ý thức được những tác hại của rượu, nhưng vì hoàn cảnh mà không thể tránh được. Chính vì thế, họ ăn lùng những kinh nghiệm dân gian hoặc các loại thuốc có tác dụng giải độc rượu.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: "Một số người nói rằng, muốn không bị say rượu nên cho thêm paracetamol vào. Điều này cực kỳ nguy hiểm, bởi khi uống rượu, gan đã bị tổn thương, mà paracetamol lại có hại cho gan. Hay như nhiều người tin mật gấu bổ trợ gan tốt, nên vô tư uống rượu. Những phương pháp này hoàn toàn không có cơ sở khoa học, nếu tin vào sẽ dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra".
Để giảm thiểu những rủi ro xấu đối với sức khỏe, người uống cần chú ý một số điều sau:
- Không tắm ngay sau khi uống rượu, vì tắm sẽ làm tiêu hao một lượng lớn đường glucose, dễ dẫn tới hạ đường huyết đột ngột, giảm thân nhiệt, gây đột quỵ.
- Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả để bảo vệ gan và hạn chế những tác hại của cồn.
- Không hút thuốc lá trong lúc uống rượu, vì nó làm tăng nguy cơ ung thư thực quản và vòm họng.
- Không được uống trà sau khi uống rượu, vì chất tanin trong trà sẽ kích thích quá trình thẩm thấu nhanh của cồn vào dạ dày.
- Tuyệt đối không uống rượu khi đói bụng, cần ăn chút lót dạ trước khi uống là cách tốt nhất để đẩy lùi cơn say và giảm tác hại của cồn.
- Không uống nhiều loại rượu khác nhau cùng một lúc.
- Không uống quá nhiều trong một lần, dễ khiến cơ thể sốc, dẫn tới choáng váng và nhanh say hơn.
- Nên uống nhiều nước khi uống rượu, nó giúp đẩy nhanh quá trình đào thải cồn ra khỏi cơ thể.
(Tổng hợp)