Từ vụ nghệ sĩ Thương Tín: Cố gồng để đầu tư cho tương lai nhưng hiện tại lại sống chật vật có phải là mục tiêu của cuộc sống?
Hầu hết mọi người đều nói mục tiêu chính trong cuộc sống là hạnh phúc nhưng thực chất thứ họ làm lại cho thấy mục tiêu chính là... vật chất.
Câu chuyện nghệ sĩ Thương Tín dùng 800 triệu tiền quyên góp chữa bệnh để mua đất, xây nhà, đóng bảo hiểm cho con gái đã dấy lên rất nhiều những băn khoăn đặc biệt là những ai bước vào con đường “đầu tư cho tương lai".
Hầu hết chúng ta đều nói mục tiêu chính trong cuộc sống là hạnh phúc, thế nhưng cách mà chúng ta làm lại chính là tạo ra của cải, vật chất. Câu nói: “Cố gồng cho tương lai để hiện tại sống chật vật" chính là chỉ quan điểm sống này. Chưa bàn đến chuyện đúng sai, góc nhìn của những "nhà đầu tư" chân chính lẫn những người có chuyên môn sẽ giúp bạn có cái nhìn rộng mở hơn về quan niệm "đầu tư" như thế nào mới "phải"!
BẢO HIỂM LÀ ĐỂ BẢO HIỂM - KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐẦU TƯ
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng lựa chọn chọn mua bảo hiểm nhân thọ hay gửi tiết kiệm ngân hàng phụ thuộc vào mục đích của mỗi người: Muốn phòng bệnh tật, rủi ro hay hưởng mức lãi suất ổn định. Việc đầu tư vào bảo hiểm không có đúng và sai chỉ có hợp thời điểm hoặc không!
Đầu tiên, bạn cần hiểu bản chất của việc mua bảo hiểm là tự tạo ra một quỹ để phòng ngừa rủi ro và quỹ này đương nhiên là nhờ công ty bảo hiểm "giữ hộ". Trong khi bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội do nhà nước quản lý thì bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của những công ty bảo hiểm, nói một cách nôm na là một bên công, một bên tư!
"Bảo hiểm thường có tính thanh khoản rất thấp (thanh khoản tức là khả năng quy đổi tài sản thành tiền mặt) và không nhanh như ngân hàng nhưng nó có tính lâu dài. Khi khách hàng đầu tư bảo hiểm là mua lại quyền lợi cho con thì nên lựa chọn bảo hiểm vì nó là một khoản đầu tư dài hạn", một người làm trong ngành bảo hiểm nói.
Câu chuyện gây tranh cãi chính là nhiều người lựa chọn hình thức đầu tư bảo hiểm theo mục đích ngắn hạn còn bản chất của bảo hiểm là đầu tư dài hạn.
Theo đó, người làm trong ngành bảo hiểm nói với chúng tôi: "Bạn phải biết mục đích đầu tư của mình, thời gian mình cần đầu tư là bao lâu. Ví dụ, bạn đang cầm trong tay 400 triệu và muốn có 600 triệu trong tay trong vòng 3 tháng, đừng chọn bảo hiểm, hãy chọn chứng khoán, vàng hoặc một thứ gì đó có tính chất dài hạn.
Hiện tại, một số công ty bảo hiểm có tính thanh khoản cao nhưng ít nhất cũng phải mất một năm, một năm đã là thời gian ngắn hạn cho mục đầu tư vào bảo hiểm".
Bạn còn cần phải hiểu thêm về bản chất sinh lời của một công ty bảo hiểm, các công ty bảo hiểm được xem là một định chế tài chính - nghĩa là có nguồn vốn từ công chúng. Dễ hiểu hơn, khi tham gia bảo hiểm, các khách hàng buộc phải đóng phí định kỳ theo đúng hợp đồng đã ký. Số tiền này sẽ tạo thành một số vốn dài hạn; từ nguồn vốn này, các công ty bảo hiểm mang đi đầu tư từ bất động sản, chứng khoán, quỹ,... để thu về lợi nhuận và dùng chính lợi nhuận đó để chi trả cho người đóng bảo hiểm. Từ điều này có thể thấy, bảo hiểm vốn dĩ không phải là một hình thức dành cho dân đầu tư lướt sóng.
"Mình làm ngân hàng, đã mua bảo hiểm cho cả gia đình, mục đích của bảo hiểm là mua sự an tâm. Khi rủi ro xảy ra, bạn chỉ đang đầu tư một thời gian đầu, bảo hiểm những năm đầu chắc chắn không rút được, nếu muốn mua bảo hiểm, bạn nên xem bản mô tả xem giá trị hoàn lại. Nếu mục đích của bạn là gửi tiền để có tiền tiết kiệm cần dùng cho việc gì đó trong thời gian ngắn thì không nên mua bảo hiểm. Nhiều nhân viên vì KPIs, doanh số, lương thưởng mà tư vấn bảo hiểm không có tâm nghề nghiệp làm cho người dân "sợ" bảo hiểm. Bạn nên đọc kỹ bảng mô tả trong hợp đồng để quyết định", bạn Trần Ngọc Phương Minh (nhân viên ngân hàng O., TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm mua bảo hiểm.
GỬI NGÂN HÀNG CÓ LỜI HƠN BẢO HIỂM?
Ngân hàng không phải là quỹ phòng ngừa rủi ro mà được xem như một "định chế tài chính", nói một cách dễ hiểu hơn, ngân hàng là đơn vị trung gian "thực hiện trao đổi" giữa người cho vay và người đi vay.
"Khi bạn đem đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì bạn được xem là bên cho ngân hàng vay và theo đó ngân hàng có nguồn vốn lớn, họ dùng tiền đó hỗ trợ, cho vay đủ kiểu và đứng giữa để hưởng chênh lệch lãi suất", một nhà đầu tư nói.
Năm 2021 được xem là một năm khá sôi nổi của thị trường đầu tư, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư với nhiều kênh đầu tư khác nhau. Theo cuộc khảo sát ngắn của chúng tôi với đại đa số những người đang theo con đường đầu tư (kể cả đầu cơ), việc gửi tiết kiệm ngân hàng được xem là có ít rủi ro và có tính minh bạch cao nhất trong tất cả các hình thức đầu tư. Hầu hết, các nhà đầu tư khi gửi tiền vào ngân hàng đều là có hướng đi dài hạn, ổn định.
"Nếu như một người đầu tư chứng khoán, cổ phiếu xuống trầm trọng khiến họ bế tắc thậm chí trắng túi thì khoản tiền gửi tiết kiệm chính là nguồn tiền giúp họ vượt qua khó khăn", một nhà đầu tư khẳng định.
CÒN CHƠI CHỨNG KHOÁN - MÔN HOT NHẤT NĂM 2021 THÌ SAO?
Năm 2021 là năm cực kỳ sôi nổi của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến hết tháng 10/2021, Việt Nam có khoảng gần 4 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 4% GDP. Đâu đâu cũng đều nghe chứng khoán.
Và với chứng khoán, bạn cần phân biệt giữa nhà đầu tư chân chính và nhà đầu tư "lướt sóng". Theo đó, trong chứng khoán, mỗi nhà đầu tư dù mục đích nào thì đều muốn chọn cổ phiếu tốt cho riêng mình. Có người bám vào tin tức doanh nghiệp, có người chọn các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có người chọn những mã cổ phiếu có biểu đồ phân tích kỹ thuật đẹp để ra quyết định.
Và chứng khoán cũng là một trong những hình thức đầu tư rủi ro. Kết quả đầu tư được quyết định từ tâm lý và tính cách của mỗi cá nhân.
Theo chị Đoàn Phương Trúc (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết mình là nhân viên văn phòng, nhờ được giới thiệu, chị Trúc bắt đầu "nhúng tay" chứng khoán. Nhờ may mắn, bắt được sóng, mua cổ phiếu của công ty nọ nên chị Trúc kiếm được một khoản lời kha khá. Chị Trúc cho biết bản thân chơi chứng khoán nhưng lại nhận thấy sự rủi ro trong thị trường này.
"Thị trường chứng ngày càng nhiều người chơi vì sau dịch ai cũng mong muốn kiếm được tiền khi ở nhà nên người ta tìm hiểu tất cả các phương thức như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán,... Sau khoảng 1 năm chị nghĩ là chị đã có chiến lược để đầu tư nghiêm túc, chị dành thời gian tìm hiểu những cổ phiếu có giá trị và mang tính bền bỉ hơn so với ngày trước", chị Trúc chia sẻ.
Theo quan điểm của chị Trúc, có nhiều kênh đầu tư khác nhau tuỳ theo quan điểm đầu tư của mỗi người mà chọn thị trường thích hợp cho mình.
CÒN MUA VÀNG THÌ SAO?
Khác với bảo hiểm, chứng khoán hay gửi ngân hàng, thị trường vàng được xem là kênh đầu tư truyền thống và dài hạn.
"Mua vàng để lâu không bao giờ lỗ, nhưng nó là một hình thức dài hạn, ví dụ khi có 800 triệu, bạn mua vàng hết và để đó trong vòng 1 vài năm bán ra khi giá cao thì sẽ có lời, còn trường hợp bạn muốn thu hồi hoặc có lời ngay trong vòng vài tháng thì vàng không phải là một lựa chọn tối ưu", một người đầu tư vàng nói.
TẠM KẾT:
Tuỳ theo mục đích mà mỗi người có một quyết định đầu tư phù hợp. Tuy nhiên thông qua một vài tình huống sau đây, bạn nên cân nhắc việc có nên mua bảo hiểm nhân thọ và xem đó là một hình thức đầu tư hay không!
Đầu tiên, khi bạn phải nuôi một ai đó hoặc ai đó phụ thuộc vào kinh tế của bạn, chẳng hạn như bạn phải lo cho con hay phải chăm lo cho bố mẹ già. Tiếp theo đó, bạn đang là chủ của một doanh nghiệp nhỏ, hợp đồng bảo hiểm cũng được coi là một trong những hồ sơ được ngân hàng chấp nhận cho thế chấp vay vốn. Cuối cùng là trường hợp, khi bạn đang làm việc trong một môi trường có nhiều rủi ro về mặt sức khoẻ, tinh thần.
Nếu bạn muốn có một khoản lời dài hạn, thay vì chọn đầu tư bảo hiểm bạn nên gửi ngân hàng hoặc trữ vàng. Còn nếu là dân đầu tư theo phong cách "lướt sóng", thích lời nhiều trong thời gian ngắn, bạn có thể chọn chơi chứng khoán, thế nhưng đó là cách đầu tư nhiều rủi ro nhất.