Từ vụ lộ 79 đoạn clip "nóng" trong nhà nghỉ: Tống tiền bằng clip sex, xử lý ra sao?
Các chuyên gia pháp lý, luật sư cho rằng những vụ việc dùng clip sex để tống tiền nạn nhân đang ngày càng biến tướng, phải có những bản án nghiêm khắc mới có thể răn đe tội phạm.
Thủ đoạn quay clip "nóng" trong khách sạn, nhà nghỉ để tống tiền đang diễn ra nhiều, phức tạp ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước. Vấn đề dư luận quan tâm là khung hình phạt nào cho hành vi phạm tội này?
Thủ đoạn tinh vi, phức tạp
Liên quan vụ lộ 79 đoạn clip "nóng" trong nhà nghỉ mà Báo Người Lao Động đã thông tin, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 23-1, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "Cưỡng đoạt tài sản".
Chủ mưu trong vụ án là Trần Văn Ninh (SN 1998) và Nguyễn Thế Duy (SN 2002, cùng trú huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Theo công an, Ninh và Duy cấu kết, gắn trộm camera trong các nhà nghỉ để ghi hình "cảnh nóng", sau đó đe dọa, tống tiền nạn nhân. Đến khi bị bắt, công an xác định 2 người này thực hiện 79 clip "nóng", cưỡng đoạt ít nhất 3 cặp đôi với số tiền 42 triệu đồng.
Đối tượng Trần Văn Ninh (áo đen) chỉ nơi lắp đặt camera ghi hình các cặp đôi trong nhà nghỉ Ảnh: ÁNH LINH
Ngày 22-1, Công an quận Cái Răng, TP Cần Thơ khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Văn Huyền (30 tuổi; ngụ xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Công an xác định Huyền ghi lại hình ảnh quan hệ với một nữ sinh vào ngày 6-1, sau đó đe dọa, buộc nạn nhân đến khách sạn "tâm sự" tiếp và đưa 10 triệu đồng.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cũng đã khởi tố bị can đối với Chu Danh Giang (SN 1983, trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) và Nguyễn Trọng Toại (SN 1997, trú tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức) về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Công an xác định Giang đã rủ Toại lắp thiết bị quay lén tại phòng các nhà nghỉ, khách sạn để ghi lại hình ảnh các đôi nam nữ ân ái nhau. Sau đó nhóm này dùng những hình ảnh, clip nhạy cảm chụp và quay được để cưỡng đoạt tài sản của các nữ nạn nhân. Nhóm này cũng khai đã cưỡng đoạt được số tiền trên 180 triệu đồng của nhiều người.
Đã có rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra. Một cán bộ công an (thuộc Công an TP Hà Nội), người đã điều tra nhiều vụ án cưỡng đoạt tài sản, nhận định đây là thủ đoạn cưỡng đoạt tài sản tinh vi, phức tạp và có thể gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Không chỉ cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân mà những hình ảnh, clip lấy được rất có thể bị lộ, lọt trên các trang web đen, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, sức khỏe, hạnh phúc gia đình của các nạn nhân.
Nhiều tội danh
Theo quan điểm của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong vụ việc ở tỉnh Vĩnh Phúc, hành vi của hai bị can Ninh và Duy phạm vào tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định theo điều 170 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Trong vụ việc này, các đối tượng có sự bàn bạc, phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng. Theo đó, Ninh thuê nhà nghỉ để đặt quay lén clip, sau đó cùng Duy mua sim rác rồi chia nhau gọi, nhắn tin để đe dọa các bị hại. Đồng thời, 3 cặp đôi bị nhóm đối tượng chiếm đoạt tiền từ hành vi trên gây ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội. Do đó, theo luật, cơ quan chức năng có thể áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là "Có tổ chức" và "Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội". Như vậy, 2 đối tượng có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất đến 10 năm tù giam. Ngoài ra, nếu các đối tượng đã có hành vi phát tán clip nóng lên mạng xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông", theo điều 288 của bộ luật trên.
Cùng quan điểm, luật sư Thái Phương Quế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần áp dụng mức hình phạt nghiêm minh, mang tính răn đe cao với những hành vi phạm tội tương tự các vụ việc nói trên. Thủ đoạn phạm tội tuy không mới nhưng khó phát hiện bởi tâm lý e sợ bị phát tán clip nhạy cảm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của bị hại. Thông thường, nạn nhân sẽ đáp ứng yêu cầu của đối tượng mà không dám tố giác đến cơ quan công an. "Khi bị đe dọa, bị hại cần báo ngay đến cơ quan công an để đấu tranh, trấn áp ngay tội phạm, không để kẻ gian lợi dụng, tiếp tục chiếm đoạt tiền của nhiều người khác" - luật sư Quế khuyên.
Thỏa hiệp sẽ khuyến khích cái xấu
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM) cho rằng việc dùng clip nhạy cảm để ép người khác đưa tiền và đã nhận tiền phù hợp với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản". Nếu đối tượng tung clip lên mạng xã hội nhằm mục đích hạ thấp danh dự, uy tín, có thể bị xử tội "Làm nhục người khác". Ngoài ra, nếu hành vi tung clip sex lên mạng khiến nạn nhân không chịu được áp lực và xấu hổ dẫn đến tự tử thì sẽ bị xử lý nghiêm minh với hành vi và tội danh phù hợp.
Còn theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM, lỗ hổng trong việc quản lý trang thiết bị ở các khách sạn là điều đáng báo động hiện nay. Các chủ khách sạn, nhà nghỉ cần kiểm tra máy móc, thiết bị trong phòng để bảo vệ khách và cũng để bảo vệ uy tín cơ sở kinh doanh của mình.
Bà Nhuệ cũng cho rằng vấn đề nhận thức của bị hại là rất quan trọng. Khi xảy vụ việc tương tự, nạn nhân cần chủ động khai báo, hợp tác với công an để không chỉ được bảo vệ danh dự, nhân phẩm mà còn kịp thời ngăn chặn kẻ xấu. Việc thỏa hiệp sẽ khuyến khích cái xấu trỗi dậy.