Từ vụ hợp đồng bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan: Người mua cần cẩn trọng
“Bảo hiểm bán giấy lấy tiền” nên khác với các doanh nghiệp khác bán hàng đổi tiền, vì bán hàng đổi tiền chỉ có trường hợp hàng tốt - xấu còn đây sơ sểnh là mất. Do đó, đối với doanh nghiệp bảo hiểm quan trọng nhất là sự tử tế, đứng đắn, chuyên nghiệp.
Dư luận đang xôn xao quanh việc diễn viên Ngọc Lan đã phát trực tiếp (livestream) trên trang cá nhân cho rằng mình bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT).
Theo đó, nữ diễn viên đã mua 2 gói BH của Công ty TNHH BHNT Aviva VN cho bản thân và con trai với tổng cộng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm nhưng đến nay phát hiện nhiều thông tin không đúng với những gì được tư vấn.
Cụ thể, vào ba năm trước, cô đã mua bảo hiểm cho mình và con trai, tổng mức phí 700 triệu đồng/năm. Do tin tưởng người tư vấn, nên cô đã ký hợp đồng, và nghĩ rằng sau 10 năm sẽ nhận cộng gốc và lãi là 10 tỷ đồng (bao gồm 7 tỷ đồng tiền gốc và 3 tỷ đồng tiền lãi cộng thêm). Tuy nhiên, gần đây cô mới biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm. Bên cạnh đó, do hợp đồng còn bao gồm nhiều khoản bảo hiểm khác đi kèm, nên số tiền mà cô có thể nhận về sẽ ít hơn rất nhiều so với dự kiến.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VOV, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, đây không phải trường hợp đầu tiên khiếu nại, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp khách hàng mua BHNT đã khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm.
Theo ông Đức, BHNT có độ phức tạp cao, hợp đồng gần 100 trang nhưng nhiều khi dân tài chính, giáo sư, tiến sĩ đọc chưa chắc hiểu được hết. Trong khi họ thường không đọc, không hiểu hết các điều khoản trong hợp đồng mà chỉ nghe tư vấn là ký. Do đó, chỉ cần một từ "lắt léo" trong hợp đồng đến khi xảy ra tranh chấp ở tòa thì khách hàng cũng thua.
"Người mua yếu thế, do không nắm thông tin, chuyên môn nên dù sao lỗi cũng ít hơn. Còn các công ty, NH là những đơn vị chuyên môn, khi khách hàng ký vào HĐ mà họ soạn sẵn, đặc biệt ký những HĐ có giá trị lớn thì cũng cần kiểm tra lại lần nữa xem khách hàng đã được tư vấn đúng chưa. Thông thường khách hàng chỉ nhận được tư vấn một phần sự thật, những điều tốt đẹp thì chỉ ra, còn xấu thì nói ít hoặc không đề cập", luật sư Trương Thanh Đức nói đồng thời kiến nghị “Doanh nghiệp bảo hiểm phải làm thế nào để khách hàng mua bảo hiểm kể cả không được bảo hiểm nhưng vẫn tâm phục khẩu phục, không cảm thấy bị lừa, bị bẫy, còn nếu người ta cảm thấy không hài lòng vì nó không rõ ràng, không đủ thông tin, bắt bẻ, gài chỗ này chỗ kia, thậm chí là từ ngữ, câu chữ khó hiểu là chưa được”.
Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, “bảo hiểm bán giấy lấy tiền” nên khác với các doanh nghiệp khác bán hàng đổi tiền, vì bán hàng đổi tiền chỉ có trường hợp hàng tốt - xấu còn đây sơ sểnh là mất, bỏ ra 1 tỷ mang về 500 triệu. Do đó, đối với doanh nghiệp bảo hiểm quan trọng nhất là sự tử tế, đứng đắn chuyên nghiệp của người thực thi chứ không thể bất chấp hết, doanh nghiệp bất chấp, đại lý bất chấp, khách hàng đôi khi cũng à ơi, thậm chí là gian lận, trục lợi.
“Doanh nghiệp bảo hiểm cần phải làm việc bài bản, chuyên nghiệp. Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã đòi hỏi rất chặt chẽ, giám sát hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải tự nâng mình lên, chuyên nghiệp, tử tế, có đạo đức, văn hóa kinh doanh thì mới bền được”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Đức cho rằng, bảo hiểm là lĩnh vực mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ những lúc khó khăn, đau ốm hay người tham gia qua đời thì gia đình nhận được một khoản bồi thường. Thế nên trong hợp đồng cũng cần nhân văn khi khách hàng gặp phải hoàn cảnh khó khăn, không tiếp tục theo quá trình dài với phí tham gia cao được thì cũng nên giải quyết trả lại tiền gốc cho khách. Như vậy thì khách hàng mới có thể đặt niềm tin tham gia bảo hiểm được.
Chia sẻ với báo chí xung quanh sự việc này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nêu thực tế, khi mua bảo hiểm, đa số người mua thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc. Trong khi đó những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Ở trường hợp này, lỗi trước tiên là ở diễn viên Ngọc Lan - người đứng tên mua bảo hiểm. Bởi việc quyết định mua bao nhiêu, thời gian bao nhiều năm, được hưởng quyền lợi, trách nhiệm gì trước khi ký hợp đồng phải tìm hiểu kỹ trước. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm của nhân viên tư vấn trong trường hợp này. Họ đã mắc lỗi nghiêm trọng, có thể xếp vào lỗi lừa đảo. Với vai trò một tư vấn viên, là người phải tư vấn đầy đủ, đúng với loại bảo hiểm, các chi phí, số tiền liên quan nhưng họ không đủ tâm, đủ tầm khi tư vấn cho khách hàng. Còn về phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng có lỗi nghiêm trọng khi không chăm sóc, kiểm tra lại hợp của khách hàng.
“Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn quyền kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Cơ quan quản lý có vai trò quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ hơn trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào đạo đội ngũ tư vấn viên đảm bảo đủ tâm, đủ tầm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 10/4, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Công ty MVI yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm cũng như việc công bố thông tin cho khách hàng khi thay đổi chủ đầu tư và đổi tên doanh nghiệp. Cùng đó, rà soát công tác dịch vụ và chăm sóc khách hàng đối với các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.
Ngay sau đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Đồng thời, nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật./.