Từ vụ học sinh Hà Nội tử vong khi đi trải nghiệm bắt ngao: Lời khuyên phòng tránh đuối nước của HLV bơi

MINH NGỌC,
Chia sẻ

"Thủy triều lên xuống sẽ tạo ra dòng xoáy, nhất là chỗ có cát. Nếu gặp phải tình huống này thì người biết bơi sẽ đi theo góc vuông với dòng nước đó để thoát ra", thầy Khánh cho biết.

Sự việc học sinh lớp 6 cùng một phụ huynh ở Hà Nội bị dòng nước cuốn chảy khi đi dã ngoại, trải nghiệm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) khiến bất cứ ai cũng phải xót xa. Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện xác nhận vụ việc và cho biết, khoảng 12h30 ngày 20/5, trong phạm vi của Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã xảy ra vụ đuối nước khiến 2 người tử vong. Đây là lần đầu tiên xảy ra tai nạn dẫn đến chết người tại khu vực này.

Tình huống có trong giáo án

Chia sẻ với chúng tôi, Thạc sĩ Thể thao Trần Cao Khánh - Trưởng bộ môn Giáo dục Thể chất Trường Trung học phổ thông Kim Sơn A. (thầy Khánh cũng là Huấn luyện viên phụ trách dự án Dạy bơi phòng tránh đuối nước của Phòng lao động thương binh xã hội huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) cho biết, trường hợp đuối nước do bị cuốn trôi không phải hy hữu. 

Sau mỗi lần thủy triều lên kèm theo cát, phải một thời gian sau mới lắng đọng, nếu người dân đến gần có thể bị sụt lún

Sau mỗi lần thủy triều lên kèm theo cát, phải một thời gian sau mới lắng đọng, nếu người dân đến gần có thể bị sụt lún

Theo thầy Khánh, trong giáo án chuyên môn cũng đề cập, tại các cửa biển, ngã ba sông hay các khu vực bãi cát thường có mạch nước ngầm.

"Bằng con mắt thường cũng có thể xác định được khả năng ở vị trí có mạch nước ngầm, thủy triều lên xuống sẽ tạo ra dòng xoáy, nhất là chỗ có cát. Nếu gặp phải tình huống này thì người biết bơi sẽ đi theo góc vuông với dòng nước đó để thoát ra", thầy Khánh cũng cho biết, thường thì cơ quan chức năng địa phương sẽ có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, nếu thấy biển báo tuyệt đối người dân phải tuân thủ.

Trao đổi thêm về kinh nghiệm đi dã ngoại, thầy Khánh cho hay, học sinh nhất là những em chưa biết bơi, ít có cơ hội tiếp xúc với sông nước thường chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm và cũng chưa có kỹ năng để ứng phó với tình huống đuối nước. Vì vậy, nhất định người lớn phải đi kèm, trong khi đó chính những người đi kèm cũng phải biết bơi, phải có kỹ năng về phòng chống đuối nước.

Từ vụ học sinh và phụ huynh đuối nước khi đi dã ngoại: HLV bơi lội chỉ ra cách đề phòng - Ảnh 2.

Các khu vực cửa biển, ngã ba sông thường có mạch nước ngầm

Một số lưu ý phòng chống đuối nước

Trưởng bộ môn Giáo dục Thể chất Trường Trung học phổ thông Kim Sơn A cũng khuyến cáo, trong mùa nước lớn, trẻ nhỏ tuyệt đối không chơi tại những nơi như ao, hồ, sông, ngòi hoặc các khu vực có biển báo nguy hiểm.

Đối với những người chưa biết bơi dù đã lớn tuổi, luôn chú ý đến cảnh báo, quan sát các điểm an toàn. Tuyệt đối không đi qua những chỗ nước ngập nếu không xác định được ranh giới của đường giao thông.

Phải khởi động trước khi xuống nước, thực hành các bài tập làm quen nước trước khi xuống bể hoặc sông, biển.

Tuyệt đối không uống rượu bia hoặc các chất kích thích khi xuống bể bơi…

Người lớn, trẻ em phải trang bị đồ bảo hộ mỗi khi tiếp xúc với sông nước

Người lớn, trẻ em phải trang bị đồ bảo hộ mỗi khi tiếp xúc với sông nước

Học bơi để biết cách phòng chống đuối nước

Ngoài ra, gia đình, nhà trường và xã hội cần có các giải pháp an toàn, đào tạo các kỹ năng để đảm bảo tính mạng cho trẻ em. Phụ huynh cần nhắc nhở con em mình không nên tắm sông ở khu vực nguy hiểm, khi tắm phải có người lớn canh chừng để không xảy ra tình trạng đuối nước thương tâm. Đặc biệt thời điểm nước dâng cao, mùa mưa nước lũ thì dừng toàn bộ việc bơi lội, các hoạt động vui chơi dưới nước.

Song song với đó, việc trang bị kỹ năng cứu khi bị đuối nước cũng không kém phần quan trọng đối với tất cả mọi người:

Phải nắm rõ cách cứu đuối khi phát hiện trường hợp gặp nạn.

Bước 1: Hô hoán những người xung quanh.

Bước 2: Tìm những vật xung quanh khu vực như can, xô, chậu, dây hoặc sào để tiếp cận gián tiếp cứu người đuối nước.

Bước 3: Nếu biết bơi thì phải tiếp cận người đuối nước làm đúng kỹ thuật đưa người bị đuối nước lên trên cạn để làm các kiểm tra tình trạng.

Trong trường hợp biết bơi thì các em cần biết kỹ năng cứu đuối như lặn xuống và tiếp cận bạn từ sau lưng, để tránh bạn hoảng ôm bám, gây nguy hiểm cho chính mình.

Sau đó kéo bạn vào người mình, bơi ngửa bằng 2 chân và kéo vào bờ. Chú ý nâng cằm bạn lên cao để nạn nhân thở, đưa vào bờ để sơ cấp cứu…

Thầy Khánh lưu ý điều rất quan trọng, đối với trẻ em nói chung và tất cả mọi người, học bơi là cách phòng chống đuối nước hiệu quả nhất tự bảo vệ chính mình.

Nguồn nước kèm theo cát đặc biệt nguy hiểm

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngân - từng làm nghề khai thác cát lâu năm ở khu vực cửa biển Nam Định - Thanh Hóa, nếu chỉ dòng nước cuốn trôi thì nạn nhân có thể sống sót sau khi vật lộn với làn sóng, nhưng kèm theo cát thì tỉ lệ tử vong là rất cao.

"Mỗi lần thủy triều lên, hoặc mọi người đi tắm biển thi thoảng sẽ gặp làn sóng dâng cao kèm theo cát (nhiều hoặc ít tùy vào con nước -PV). Nước dâng cao kèm theo cát xoáy vào bất ngờ, nạn nhân một là bị ngạt do cát, hoặc do cát chưa kịp đọng xuống đáy", ông Ngân phân tích.

Ngoài ra, người có kinh nghiệm về khai thác cát cho hay, kể cả khi nước rút, cát sẽ đọng lại nhưng chưa đủ thời gian lắng đọng, nếu người nào đi lên khu vực này cũng sẽ bị sụt lún bất cứ lúc nào, thậm chí bị ngập rất sâu.

Từ vụ học sinh và phụ huynh đuối nước khi đi dã ngoại: HLV bơi lội chỉ ra cách đề phòng - Ảnh 5.

Trẻ em chơi ở khu vực sông, hồ, cần phải có người lớn đi kèm

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện cho biết, vào khoảng 12h30 ngày 20/5, trong phạm vi của Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã xảy ra vụ đuối nước khiến 2 người tử vong. Đây là lần đầu tiên xảy ra tai nạn dẫn đến chết người tại khu vực này.

Theo ông Mạnh, đoàn khách khoảng 50 người gồm phụ huynh và học sinh 1 lớp học của trường tư thục ở Tây Mỗ (Hà Nội) về tham quan, trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Theo báo cáo, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, thông tin ban đầu, phụ huynh và nhóm lớp 6 của trường tư thục ở quận Nam Từ Liêm tổ chức chương trình dã ngoại ở Vườn quốc gia Giao Thủy (Nam Định). Sau khi ăn xong bữa trưa, học sinh chơi ở bãi cát ven biển thì gặp sự cố tụt cát. Hàng chục học sinh bị dòng chảy cuốn ra ngoài.

Khi đó, có thuyền ở gần đã vứt phao xuống cứu, phối hợp với phụ huynh đưa các học sinh vào bờ. Tuy nhiên, vẫn có 1 học sinh và 1 phụ huynh bị nước cuốn, tử vong.

Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm hiện đang nắm tình hình và sẽ có báo cáo cụ thể.

Chia sẻ