Từ vụ bé 4 tuổi ở Quảng Nam tử vong sau 1 tuần đau bụng: Tại sao viêm cơ tim nguy hiểm đến vậy?

BS NGUYỄN THỊ HẢI ĐAN,
Chia sẻ

Trẻ em không phải là đối tượng mắc viêm cơ tim nhiều nhất, nhưng nếu mắc thì tỷ lệ tử vong là cao nhất.

Vừa qua, cháu Đ., 4 tuổi ở Quảng Nam đã tử vong sau 1 tuần đau bụng, có dấu hiệu giống nhiễm siêu vi và rối loạn tiêu hoá, trước sự đau xót của gia đình, nhất là cha mẹ của bé.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thúy - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và bệnh lý sơ sinh (Bệnh viện (BV) Phụ sản - Nhi Quảng Nam) cho biết cháu Đ. nhập viện  lúc 20 giờ ngày 30-10 với triệu chứng đau bụng, nôn mửa. Khi tiếp nhận ban đầu, BV cho siêu âm và chẩn đoán bị viêm ruột. Do em bé ăn kém nên BV có hỗ trợ truyền dịch.

Từ vụ bé 4 tuổi ở Quảng Nam tử vong sau 1 tuần đau bụng: Tại sao viêm cơ tim nguy hiểm đến vậy? - Ảnh 1.

Gia đình đau xót trước cái chết của bé Đ. Ảnh: NLĐ

Đến khoảng 2 giờ ngày 31-10, bác sĩ có thăm khám và cho siêu âm, chưa phát hiện và can thiệp gì. Đến 8 giờ 50 phút cùng ngày, cháu bé diễn biến bệnh, sau đó lơ mơ, được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực, phát hiện tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Khoảng 1 tiếng sau, đến 10 giờ 10 phút ngày 31-10 thì cháu bé tử vong. Nguyên nhân cháu bé tử vong là do "viêm cơ tim thể tối cấp".

Ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ độ tuổi mẫu giáo, nhiễm siêu vi, rối loạn tiêu hoá là những bệnh cảnh rất thường gặp. Khác với nhiễm vi khuẩn, nhiễm vi rút thường tự giới hạn trong vòng 7 ngày. Đổi lại, đa số nhiễm vi khuẩn sẽ có kháng sinh điều trị đặc hiệu, nhưng khi nhiễm vi rút, thuốc điều trị đặc hiệu rất hạn chế, thậm chí dù có thuốc kháng vi rút chưa hẳn mang lại hiệu quả như cách kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn. Việc điều trị nhiễm vi rút đến nay chủ yếu là điều trị triệu chứng, phòng bệnh bằng cách tiêm ngừa những loại vắc xin đã được phê duyệt.

Tại sao nhiễm vi rút có thể gây biến chứng?

Vi rút sau khi đi vào máu, có thể đến các cơ quan khác để tấn công, hoặc tấn công tế bào gây giải phóng ra các chất gây viêm, gây độc, nhất là tim và não, 2 cơ quan trọng yếu của cơ thể.

Viêm cơ tim có thật sự gây tử vong nhanh chóng?

Viêm cơ tim có thể gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhiều nhất là giai đoạn 20-40 tuổi. Trẻ em không phải là đối tượng mắc viêm cơ tim nhiều nhất, nhưng nếu mắc thì tỷ lệ tử vong là cao nhất. Tỷ lệ tử vong trung bình của viêm cơ tim ở trẻ em là 70%, nghĩa là cứ 100 trẻ bị viêm cơ tim có khoảng 70 trẻ không qua khỏi. 

Thậm chí, nhiều bệnh cảnh viêm cơ tim đã qua nguy hiểm giai đoạn đầu, nhưng chức năng tim bị suy giảm mà trẻ không được ghép tim thì nguy cơ tử vong sau 2 năm là 50 %, sau 5 năm là 80%. Vì vậy, ở trẻ, viêm cơ tim là bệnh cảnh nguy hiểm, vì diễn tiến nhanh, tỷ lệ tử vong cao, triệu chứng không đặc hiệu.

Viêm cơ tim là tình trạng mô cơ tim bị tổn thương do quá trình viêm. Dẫn đến tim mất chức năng co bóp máu đi nuôi các cơ quan, hoặc gây rối loạn nhịp.

Từ vụ bé 4 tuổi tử vong: Tại sao viêm cơ tim hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong rất cao? - Ảnh 2.

Nguyên nhân gây viêm cơ tim rất nhiều như vi rút, vi khuẩn, thuốc, chất gây độc tim, bệnh hệ thống. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là vi rút. Cần nghi ngờ viêm cơ tim ở trẻ có triệu chứng của nhiễm siêu vi khoảng 1 tuần sau đó kèm theo các triệu chứng tim mạch như đau ngực, ngực phồng to, khó thở, tím tái, mệt nhiều, mạch nhanh,…Một số loại vi rút gây viêm cơ tim đã được biết như:

- Vi rút gây bệnh cúm hoặc các viêm nhiễm hô hấp trên như Adenovirus.

- Parvovirus B19: trẻ thường có ban đỏ ở 2 bên má, bàn tay, bàn chân. Bệnh thường diễn tiến đến viêm phổi và hết trong khoảng 1 tuần nếu không có biến chứng nặng.

- Enterovirus: nhóm gây bệnh tay chân miệng, cúm thông thường.

Viêm cơ tim không có triệu chứng đặc hiệu, chẩn đoán cần dựa thêm vào cận lâm sàng như điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm men tim. Việc điều trị viêm cơ tim hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng, việc điều trị đặc hiệu từng tác nhân rất hạn chế.  

Viêm cơ tim có thể phòng ngừa được không?

Câu trả lời là có thể. Các biện pháp có thể có hiệu quả phòng ngừa như:

- Rửa tay thường xuyên. Rửa tay là biện pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất để hạn chế lây lan bệnh truyền nhiễm.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh, viêm cơ tim do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó có vi khuẩn vi rút, hiện chúng ta đã có vắc xin phòng ngừa 1 số vi rút thông thường.

- Hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh cúm cho đến khi họ đã khỏi bệnh hoàn toàn ít nhất 1-2 tuần Tránh tiếp xúc với côn trùng, côn trùng cũng là 1 nguồn lây bệnh quan trọng.

- Dinh dưỡng hợp lý, ăn uống điều độ để nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.

- Ngủ đủ giấc, giấc ngủ giúp phục hồi lại toàn bộ cơ thể của chúng ta sau 1 ngày hoạt động căng thẳng và mệt mỏi.

- Không chủ quan khi cảm thấy không khoẻ, nếu có triệu chứng nhiễm siêu vi thông thường nhưng diễn tiến ngày 1 nặng hơn, các triệu chứng không thuyên giảm sau 3-5 ngày, nhất là kèm theo các triệu chứng tim mạch như đau ngực, hồi hộp đánh trống ngực, mạch nhanh, mạch không đều, tím tái,… cần đến ngay cơ sở khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Không chỉ bệnh viêm cơ tim, bất cứ bệnh nào nếu được phát hiện càng sớm, tiên lượng sẽ càng tốt.  

Chia sẻ