Từ vụ 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm: Đi chợ cần nắm 6 cách phân biệt giá đỗ sạch và đã tẩm hóa chất

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Hóa chất 6 - Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất là chất cấm, khi tiếp xúc sử dụng có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Phân biệt để mua được hàng sạch chuẩn là rất quan trọng.

3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm bị phát hiện: Không phải chuyện hiếm gặp!

Ngày 19/4/2025, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá một đường dây sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất cấm, thu giữ gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại, có tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất "nước kẹo" (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP)) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.

Trước đó, vào cuối năm 2024 tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng cũng phát hiện hơn 20 tấn giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, có thể gây tử vong nếu tiếp xúc lâu dài.

Từ vụ 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm: Đi chợ cần nắm 6 cách phân biệt giá đỗ sạch và đã tẩm hóa chất- Ảnh 1.

Theo cơ quan chức năng, hóa chất 6 - Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất là chất cấm, khi tiếp xúc sử dụng có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến xơ phổi, thậm chí tử vong.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong các bữa ăn của người Việt, giá đỗ thường được chế biến theo nhiều cách, kể cả ăn sống. Khi đó, 6-Benzylaminopurine có thể đi trực tiếp vào cơ thể. Theo PGS Thịnh, chất này không gây ngộ độc cấp tính nhưng có thể gây tác hại lâu dài đến sức khỏe thông qua những biến đổi và tích tụ trong cơ thể, như "quả bom nổ chậm".

Chúng tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống... dẫn đến rối loạn tế bào, tổn thương gan, làm suy yếu cơ thể, dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Đặc biệt, chúng nguy hiểm hơn đối với phụ nữ mang thai, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, sinh non...

Từ vụ 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm: Đi chợ cần nắm 6 cách phân biệt giá đỗ sạch và đã tẩm hóa chất- Ảnh 2.

Đáng nói, việc sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất giá đỗ nhằm mục đích tăng trưởng nhanh, thân to, mập và đẹp mắt hiện nay không hiếm gặp. Bằng chứng là có nhiều vụ lớn đã bị khui ra. Điều này khiến người dân vô cùng lo lắng bởi ăn giá đỗ kiểu này tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Khi đi chợ, nhiều người không biết mua hàng nào mới sạch chuẩn, tránh rước bệnh cho chính mình và gia đình.

Làm sao để phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất?

Để đảm bảo an toàn khi lựa chọn giá đỗ, người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm phân biệt giữa giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất:

Hình dáng và kích thước:

- Giá đỗ sạch: Thân nhỏ, dài khoảng 3-7 cm, không đều nhau, có nhiều rễ dài và phân nhánh.

- Giá đỗ ngâm hóa chất: Thân to, mập, đều đặn, màu trắng sứ bóng bẩy, ít rễ hoặc không có rễ.

Từ vụ 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm: Đi chợ cần nắm 6 cách phân biệt giá đỗ sạch và đã tẩm hóa chất- Ảnh 3.

Màu sắc:

- Giá đỗ sạch: Màu trắng sữa hoặc vàng nhạt tự nhiên.

- Giá đỗ ngâm hóa chất: Màu trắng sứ, bóng bẩy, bắt mắt.

Vị giá đỗ:

- Giá đỗ sạch: Có vị ngọt thanh, giòn, đặc và nhiều nước.

- Giá đỗ ngâm hóa chất: Vị nhạt, xốp, khô, khi xào ra nhiều nước.

Thời gian bảo quản:

- Giá đỗ sạch: Nhanh héo, khô hoặc thâm khi để ngoài không khí.

- Giá đỗ ngâm hóa chất: Tươi lâu hơn, có thể bảo quản ở nhiệt độ cao mà không bị ảnh hưởng.

Rễ và lá mầm giá đỗ

- Giá đỗ sạch: Có nhiều rễ dài, lá mầm màu xanh hoặc vàng.

- Giá đỗ ngâm hóa chất: Ít rễ hoặc không có rễ, lá mầm không phát triển hoặc 2 hạt đỗ chập vào nhau.

Từ vụ 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm: Đi chợ cần nắm 6 cách phân biệt giá đỗ sạch và đã tẩm hóa chất- Ảnh 4.

Cảm giác khi bẻ gãy

- Giá đỗ sạch: Khó gãy, thân cứng cáp.

- Giá đỗ ngâm hóa chất: Dễ gãy, thân giòn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, để bảo vệ sức khỏe gia đình, người tiêu dùng nên:

- Mua giá đỗ tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.

- Tự trồng giá đỗ tại nhà nếu có thể để kiểm soát chất lượng.

- Tránh mua giá đỗ có màu sắc quá trắng sáng, thân mập mạp bất thường.

- Khi chế biến, nếu giá đỗ ra nhiều nước hoặc có mùi lạ thì tốt nhất nên ngừng sử dụng.

Giá đỗ là thực phẩm bổ dưỡng, nhưng khi bị ngâm hóa chất cấm, nó trở thành mối nguy hại cho sức khỏe. Hãy là người tiêu dùng thông thái để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình bạn!

Chia sẻ