"Tử vong do ăn tiết canh vì... không biết cách ăn"!
Các cơ quan chức năng không ngừng tuyên truyền, khuyên người dân không nên ăn tiết canh trong thời điểm đang có nhiều dịch bệnh xảy ra.
Từ 6h sáng, tại một quán cháo lòng tiết canh gần bến xe Giáp Bát, Hà Nội đã có tới gần 10 vị khách đang ngồi ngâm nga “chén chú, chén anh”. Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn những thực khách này là người lao động tay chân, xe ôm.
Vị chủ quán đon đả mời chúng tôi: "Làm bát tiết canh nhé em, vừa mát ruột lại vừa bổ!". Bà chủ dễ tính còn cho biết: "Mặc dù có dịch tai xanh nhưng quán nhà bác chưa bao giờ vắng khách. Nguồn hàng bác lấy được kiểm dịch chặt chẽ, toàn là lợn khoẻ cả thôi!"
Tiết canh được chủ đánh sẵn bày ngay trên mặt bàn chẳng cần che hay cho vào tủ kính. Khi khách gọi tiết canh là bà chủ tay không rúm ít lạc rang giã nhỏ rắc lên và phủ 2,3 miếng gan lợn. Mỗi bát tiết canh có giá 5.000 đồng.
Anh Trung - khách hàng quen của quán cho rằng: "Những trường hợp tử vong do ăn tiết canh là vì... không biết cách ăn. Cứ uống rượu vào là không thể chết được đâu!"
Dọc tuyến phố Định Công (khoảng 1km) có tới 4 quán tiết canh, cháo lòng. Quán nào cũng tấp nập người. Bà L. - chủ quán tiết canh ngay chân cầu Định Công cho biết: "Từ đầu mùa hè đến giờ, Đài báo cứ ra rả nói về dịch tai xanh, viêm cầu lợn, không nên ăn tiết canh... nhưng quán của bà mỗi ngày vẫn bán được 20 bát, thậm chí có hôm còn nhiều hơn. 20 bát tiết canh tương đương với khoảng 10 lít rượu được tiêu thụ!"
Liên tiếp người nhập viện, tử vong do ăn tiết canh
Thời gian gần đây, liên tiếp có bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh, thậm chí, đã có trường hợp tử vong do liên cầu lợn.
Mới đây nhất, một nam thanh niên tại Nho Quan (Ninh Bình) đã tử vong do viêm cầu lợn. Trước đó, bệnh nhân này đã ăn tiết canh.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TƯ, từ đầu mùa nóng, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh. Các bệnh mà bệnh nhân thường gặp là: Mắc cúm A/H5N1 do ăn tiết canh ngan, vịt; nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh lợn, gây nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Ngoài ra, ăn tiết canh lợn còn có thể bị nhiễm giun xoắn.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học và thực tế đã diễn ra năm 2007, bệnh liên cầu lợn lây sang người thường có liên quan đến dịch tai xanh trên lợn.
Trước tình hình này, Bộ Y tế không ngừng khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, không nên ăn tiết canh.
Món khoái khẩu khó bỏ
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, người dân quan niệm về tiết canh mát, bổ nhưng thực chất đó là món ăn cực kỳ mất vệ sinh. Tiết canh là máu tươi của gia xúc, gia cầm. Dung dịch này giàu protein, protit nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển.
Một bát tiết canh là một ổ bệnh với trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật. Chưa kể, động vật giết thịt bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ tăng gấp bội. Mặt khác, khi cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Mai Hương, phòng khám nội khoa Bệnh viện Đa khoa Saint Paul Hà Nội, thời tiết nóng nực là môi trường thuận lợi nhất cho vi khuẩn tiêu hoá tấn công. Thực tế ở các quán cháo lòng tiết canh, điều kiện bảo quản không có, bát đĩa cũng là ổ vi trùng.
Trong cùng một quán ăn, không phải ai ăn tiết canh cũng gây ngộ độc tuỳ vào cơ địa của từng người nhưng bác sĩ vẫn khuyến cáo không nên ăn gỏi, ăn sống, ăn tái.
Theo Ph.Thuý
Bee