Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa

Lấy phải chồng kĩ tính

,
Chia sẻ

Sự khác nhau về tác phong sinh hoạt là một trong 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng. Vì vậy, nếu không thay đổi được chồng thì hãy thay đổi... chính mình.

Vợ chồng tôi đã có một con nhỏ và sống riêng. Tôi tự biết mình không phải loại phụ nữ đoảng, nếu không muốn nói là còn được rất nhiều người khen đảm đang. Chúng tôi khá hạnh phúc, nếu không có chuyện thường xuyên cãi nhau vì nhà cửa.
 
Có lai lưng ra dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ tinh tươm thì vẫn bị chồng "soi" ra một chỗ chưa được sạch cho lắm.
Quan niệm sạch bẩn của hai người khác nhau. Chồng luôn vướng mắt với những thứ không đúng vị trí, nên muốn cái gì cũng phải tinh tươm ngay, dù là làm ào ào cho xong. Vợ thì muốn làm gì phải thật sạch sẽ cẩn thận nên mất thời gian hơn, và đôi khi bận rộn nhiều thứ lặt vặt thì chưa làm ngay được, ví dụ như cốc sữa của con uống xong, vợ luôn rửa bằng xà phòng, còn chồng chỉ súc súc mấy cái rồi úp lên. Vì thế chồng rất khó chịu với cái cốc uống xong không rửa ngay. Còn vợ thì rửa là phải động khăn, động nước, xà phòng, nói chung đã làm là rất cẩn thận, nên thà để đấy tý nữa rửa cùng bát đũa còn hơn chỉ súc súc mấy cái. Thế là chồng nhìn thấy lại bị nói. Quần áo giặt vợ phân loại kỹ, đồ phai riêng, đồ to (quần bò, áo cứng) riêng, áo len riêng... nên nhiều khi chưa đủ mẻ cho mỗi thứ thì chưa giặt. Chồng thì cứ thấy là nhét hổ lốn vào máy giặt, giặt xong rồi cái nọ phai ra cái kia bẩn hết cả.

Nhà có con nhỏ mà lúc nào chồng cũng muốn sạch sẽ tinh tươm, đồ chơi của con chỉ chực cất đi không cho nó chơi. Nó bừa bộn thì mắng. Chồng luôn nhìn thấy những chỗ bẩn ở những nơi ngóc ngách nhất để góp ý. Có những hôm lăn lóc lau chùi dọn dẹp nhà cửa cả ngày trời từ cái cổ vòi nước đến cái rãnh của thanh nẹp gỗ tường nhà, đến ngóc ngách nhà vệ sinh, bồn tắm, bếp núc, đồ đạc trong nhà mọi khe kẽ đều đã bóng lộn, không còn một hạt bụi. Xong xuôi, xả hơi thư giãn trong cái nhà sạch sẽ tinh tươm, nhưng bụng bảo dạ: Ấy thế mà có khi chồng vẫn moi ra cái gì đấy cho mà xem. Nghĩ đùa thế thôi, vậy mà chiều về, chồng ra bếp lấy nước uống: Ô, em ơi, cái lọc ở bồn rửa bát có mùi. Đúng là chỗ đó, chắc cả nhà chỉ còn chỗ đó, chả hiểu sao nó lại trốn được khỏi tầm mắt của mình, mà chả hiểu sao run rủi chồng lại tóm được ngay. Mà đúng là ra gí mũi xuống thì thấy mùi. Nhưng cảm giác của mình lúc ấy thì... không biết nói thế nào đây, ức nghẹn thở. Như kiểu định mệnh của mình phải gắn với người chồng như vậy. Dù có cố gắng thế nào cũng vẫn bị nhắc nhở.

Thật sự tôi không muốn kể xấu chồng ở đây, nhưng mệt mỏi quá. Không tuần nào không cãi nhau vài lần vì những chuyện vớ vẩn này. Với tôi, những điểm khác biệt trong thói quen sinh hoạt của chồng thì mình chấp nhận, nhưng tại sao chồng không biết chấp nhận thói quen của vợ. Tôi đã cố gắng rất nhiều, thay đổi rất nhiều theo cách của chồng. Nhưng càng ngày càng cảm thấy dường như đòi hỏi của chồng là vô tận. Giờ đây làm việc gì cũng canh cánh lo lại bị chồng nhắc nhở. Tôi phải làm thế nào để cải tạo ông chồng quá kĩ tính đây?

Trả lời:

Sự khác nhau về tác phong sinh hoạt là một trong 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng. Tính cách chồng bạn đã định hình từ trước khi anh ta kết hôn với bạn. Do tìm hiểu không kỹ nên bây giờ chỉ còn cách chấp nhận thôi bạn ạ. Chẳng lẽ chỉ vì chồng sạch sẽ ngăn nắp quá mà ly hôn?
 
Yêu cầu của chồng dường như là vô tận.

Tuy nhiên, nếu không thể thay đổi được anh ta thì bạn hãy thay đổi chính mình. Bạn hãy tập dần cho thích hợp với tác phong thích gọn gàng sạch đẹp của anh ấy. Chẳng hạn cố gắng không để những thứ bát đĩa, cốc chén bẩn đến khi nào có thì giờ mới rửa cho thật sạch. Bạn có thể rửa ngay nhưng làm nhanh tay hơn. Không đến nỗi chỉ xúc xúc mấy cái mà đưa giẻ vào lau nhanh, thế là vừa gọn gàng theo ý chồng, vừa sạch theo ý bạn.

Bạn cũng không nên một mình hì hục cả ngày dọn dẹp nhà cửa và biến anh ấy thành “đoàn kiểm tra” chuyên đi bới lông tìm vết. Nếu muốn tổng vệ sinh phải lựa khi nào có cả hai vợ chồng cũng làm thì anh ta không có cớ gì hoạnh hoẹ bạn.

Nói tóm lại bạn hãy tự thay đổi chính mình, tự điều chỉnh để hợp với  anh ấy mà đừng bắt anh ấy phải thay đổi cho giống mình. Khi anh ta hài lòng với bạn thì tự khắc anh ta cũng thay đổi để hợp dần với bạn.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà

Chia sẻ