Từ trào lưu “bắt pen”: Dừng lại khi chưa muộn!

Thu Trang,
Chia sẻ

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, thời gian gần đây, nhiều học sinh lan truyền và tham gia vào trào lưu “bắt pen” trên mạng xã hội.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, đây là trào lưu vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí gây tử vong, do đó cần phải ngăn chặn càng sớm càng tốt.

Tăng nguy cơ đột quỵ, ngưng tim, liệt…

Trào lưu “bắt pen” được biết đến rộng rãi khi một tài khoản TikTok có tên K.T đăng tải video mô tả chi tiết cách thức tham gia. Trong video, hai học sinh ngồi đối diện nhau, một người dùng tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ của người kia cho đến khi người này có dấu hiệu rơi vào trạng thái lơ mơ rồi lịm dần đi.

Từ trào lưu “bắt pen”: Dừng lại khi chưa muộn! - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ clip hướng dẫn cách thức tham gia.

Điều đáng nói, video này nhanh chóng được lan truyền và thu hút hơn 3,5 triệu lượt xem, hơn 100.000 lượt thích cùng hàng nghìn bình luận, chia sẻ. Nhiều bạn trẻ sau đó cũng thực hiện lại hành động “bắt pen” này để quay video đăng tải lên TikTok. Cảm giác lâng lâng được mô tả trong các video khiến nhiều học sinh thích thú và tò mò thực hiện.

Bày tỏ lo ngại khi xem hình ảnh các bạn trẻ tham gia trò chơi này một cách hào hứng và khoe lên mạng, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, thứ nhất, khi ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ làm cho lượng máu cung cấp cho não đột ngột giảm khoảng 60-70% khiến cho người đó dễ rơi vào tình trạng đột quỵ não hoặc làm cơn nhồi máu não do cục máu đông có thể bùng phát.

Thứ hai, khi ấn vào động mạch giống như xoa vào xoang cảnh khiến cho nhịp tim bị giảm, thậm chí gây ngừng tim. Đây là động tác cấp cứu mà các bác sĩ thường dùng khi bệnh nhân bị nhịp tim nhanh kịch phát.

“Do vậy, cả hai yếu tố nêu trên đều gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là mất mạng. Trào lưu “bắt pen” là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến 3 vấn đề xảy ra đối với sức khỏe khi chơi “bắt pen”, bác sĩ Lê Thanh Bình, Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo, đầu tiên, khi ấn vào vùng cổ khiến mạch cảnh bị ép sẽ gây thiếu máu lên não, mất ý thức tạm thời. Thứ hai, hành động “bắt pen” dễ gây nhồi máu não, có thể gây liệt nửa người hoặc hôn mê do mảng xơ vữa động mạch bị bong ra hoặc thành động mạch cảnh bị lóc tách khi có lực chèn ép. Ba là, gây ra hiện tượng cường phế vị, làm nhịp tim chậm và huyết áp tụt, nặng có thể ngừng tim.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngay cả khi đùa nghịch, nếu chẳng may đánh trúng vào động mạch cảnh vùng cổ cũng rất nguy hiểm, có thể gây ngưng tim đột ngột. Thậm chí, với những người có bệnh nền về tuần hoàn máu, khi thực hiện động tác “bắt pen” sẽ dễ hình thành cục máu đông, làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ nhầm tưởng “bắt pen” sẽ tạo ra cảm giác phê, xả stress...

Không nên thử dù chỉ là một lần

TikTok - nền tảng mạng xã hội rất phổ biến hiện nay lại đang là nơi xuất hiện nhiều trào lưu nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của giới trẻ. Thế nhưng, sự tò mò về những điều mới lạ, kết hợp với mong muốn nổi tiếng, khiến nhiều bạn trẻ dễ dàng tham gia vào các hành vi nguy hiểm này.

Từ trào lưu “bắt pen”: Dừng lại khi chưa muộn! - Ảnh 2.

Bé trai 10 tuổi bị đồ long đao văng vào mặt được chăm sóc tại Bệnh viện E. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước “bắt pen”, nhiều trào lưu gây nguy hại cho sức khỏe cũng “nở rộ” trên TikTok, kéo theo đó đã có trường hợp phải nhập viện sau khi bắt chước làm theo.

Đơn cử như thử thách “Blackout”, là việc nín thở hoặc tự gây nghẹt thở cho chính mình càng lâu càng tốt, cho đến khi đạt được trạng thái choáng váng. Hành động này nguy hiểm đến mức có thể gây tổn thương não hoặc tử vong.

Hay như trào lưu bẻ đồ long đao (thanh gập lò xo tập tay) được chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội hồi tháng 11-2023. Trong giờ ra chơi, một bé trai 10 tuổi (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đứng xem bạn chơi trò thách đố “ai là người khỏe nhất” theo clip trên Tiktok bằng cách bẻ đồ long đao và vô tình bị vật này văng vào mặt. Hậu quả, bé trai này đã phải nhập viện vì tổn thương nghiêm trọng ở vùng mũi.

Tương tự, một bé trai 10 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phải nhập viện trong tình trạng vẹo cổ, đầu nghiêng sang một bên sau khi bắt chước một clip trò chơi nhào lộn nguy hiểm trên mạng xã hội…

Mạng xã hội có thể là nơi giới trẻ sáng tạo và thể hiện sở thích, quan điểm cá nhân, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đòi hỏi sự tỉnh táo và chọn lọc thông tin. Do vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi hưởng ứng các trào lưu trên mạng xã hội, người dùng cần hết sức tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tác hại và đặt sự an toàn của bản thân, gia đình và xã hội lên trên hết.

Với những trò chơi như “bắt pen” không nên thử bắt chước dù chỉ một lần. Cùng với đó, các bậc phụ huynh và nhà trường cần tăng cường giám sát, nhắc nhở học sinh để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Chia sẻ