Từ nữ sinh cá biệt đến ước mơ làm tiến sĩ văn học tại Nga
Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, Dương Khánh Huyền (SN 2000, Quảng Ninh) được công nhận là cô gái “văn võ song toàn” với loạt thành tích đáng ngưỡng mộ.
Từ giỏi văn đến thạo võ
Khánh Huyền sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông ngoại và mẹ am hiểu văn chương. Ngày còn nhỏ, ba má bận lập nghiệp, Huyền ở nhà một mình, làm bạn với sách, cuốn đầu tiên là “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Dù mức sống hồi ấy chưa cao nhưng mẹ luôn dành dụm mua sách cho cô, có những cuốn giá bằng cả bữa trưa.
Thời gian vắng ba mẹ, Huyền thường ở với ông ngoại. Ông dạy Huyền viết bài văn tả tiết chào cờ đầu tuần, tả quê hương có rặng phi lao đu đưa trong gió. Ông tận dụng những tờ lịch cũ để dạy Huyền viết chữ, đọc sách thánh hiền “Có chí thì ham học. Bất chí thì ham chơi. Trí khôn tạo nên người. Đức nhân tìm ra bạn”. Huyền trưởng thành với trái tim dành chọn cho văn chương.
Giữ tình yêu đó, năm 2015 Huyền thi đỗ lớp Văn trường THPT chuyên Hạ Long. Không chỉ là lớp trưởng mẫu mực, nữ sinh còn là thành viên cốt cán của đội tuyển quốc gia môn Ngữ Văn. Huyền cũng từng đại diện trường THPT chuyên Hạ Long tham gia các cuộc thi trong khu vực.
Quãng thời gian học cấp 3 của Huyền khá sôi nổi, đạt nhiều thành tích ở hoạt động thể dục thể thao, như hai năm liên tiếp giành huy chương Bạc Taekwondo. Huyền còn đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh ở bộ môn Vovinam và Pencak Silat.
Năm 2018, Khánh Huyền trở thành sinh viên K68 Sư phạm Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những tưởng đây sẽ là giai đoạn tuyệt vời nhưng cô gái đến từ Quảng Ninh lại bị rơi vào trầm cảm.
Đứng trước những khác biệt môi trường, Khánh Huyền trở nên bất an, mông lung với lựa chọn của bản thân. “Suốt thời gian dài em cảm thấy bản thân sinh ra không dành cho môi trường này. Phải nói rằng, khoa Sư phạm Văn đặc biệt nghiêm khắc. Một người đã quen với sự tự do như em thật khó để thích nghi, từ cách đi đứng, nói năng chọn lọc, cư xử chuẩn mực, phục trang phù hợp… Em từng nghĩ nơi đây giống như chốn cung đình nhã nhặn thời xưa” , nữ sinh nói.
Sau năm nhất đại học học, kết quả học tập của cô khá tệ, phải thi một số lại. "GPA lúc đó của em chỉ đạt mức trung bình, xấu hổ hơn bị giảng viên phát hiện đạo văn trong bài kiểm tra và không qua môn” , Khánh Huyền nói.
Dù làm lớp trưởng, khối trưởng nhưng cô gái 18 tuổi thường xuyên bị thầy cô chê trách, đi học muộn, trễ thi,... điển hình của học sinh cá biệt. Ở tuổi mười tám đôi mươi phóng khoáng, nghĩ gì làm đó, năm 2 đại học, Khánh Huyền quyết định thi thêm ngành Sân khấu điện ảnh. Cô sống chết đổi ngành bằng được, nhưng khi đỗ lại quyết định không học bởi "văn chương vẫn là điều gì đau đáu".
Đó cũng là thời gian Khánh Huyền ngỗ nghịch, bỏ nhà trốn lên Sa Pa. Chính hôm đó, cả nhà mới phát hiện hồ sơ bệnh án mắc trầm cảm của Huyền. “Bố chạy xe khắp nơi đi tìm em trong sự lo lắng. Lúc tìm được em, hai bố con tâm sự rất lâu”, Huyền nhớ lại.
Giây phút ấy giúp Khánh Huyền nhận ra, gia đình là liều thuốc chữa lành quý giá. Vực dậy sau những vấp ngã, cô quyết tâm làm lại từ đầu, vì bản thân và cũng vì gia đình thân thương.
Bằng tất cả nỗ lực, kỳ một năm thứ 3 đại học, Khánh Huyền lần đầu đạt GPA 4.0, lần đầu được giấy khen sinh viên 5 Tốt. Cùng với đó là hàng loạt các thành tích như Giải nhất cuộc thi “Lời nói dối định mệnh" 2019 - trường Đại học Sư phạm Hà Nội - khoa Ngữ Văn...
Nhờ khả năng chơi piano thành thạo cùng tài năng ca hát, Huyền còn trở thành trưởng ban nhạc cụ câu lạc bộ Nghệ thuật SAP khoa Ngữ Văn. Cô nàng cũng tham gia và on top các chương trình truyền hình thực tế The Face 2020, Miss Fitness Viet Nam 2021.
Khánh Huyền thi lại và đỗ lại lớp chất lượng cao. Cô gái sinh năm 2000 từng bước gọt giũa cái tôi thô ráp của tuổi thành niên, được thầy yêu, bạn mến.
Khánh Huyền tìm cách kết hợp những đam mê, sở thích để tìm ra cho mình hướng đi tốt nhất. Cô gái trẻ lựa chọn con đường đi du học. Do không xác định mục tiêu du học từ sớm nên Khánh Huyền chỉ có 2 năm để hoàn thiện hồ sơ từ GPA đến hoạt động ngoại khoá, ngoại ngữ và đủ các loại kỹ năng mềm.
Trong ngàn vạn hướng đi, Khánh Huyền chọn Nga là điểm đến bởi nguồn cảm hứng vô tận từ thầy giáo của mình. "Em đặc biệt thích nghe thầy Đỗ Hải Phong giảng về văn học Nga. Thầy là người truyền nhiều cảm hứng cho em. Tất cả những trải nghiệm đã qua là hành trang quý báu khi em đến với nước Nga”.
Từ kẻ tay mơ đến giấc mộng tiến sĩ
Hoàn thành 4 năm đại học, Khánh Huyền lên đường sang Nga học tiếp chương trình thạc sĩ với học bổng toàn phần trị giá 1,5 tỷ đồng. Tại Nga, Khánh Huyền tiếp tục đam mê văn chương khi theo học chuyên ngành Sư phạm Ngữ Văn - Văn học Nga.
“Nước Nga tráng lệ hơn những gì em tưởng tượng, thích hợp cho mơ mộng, văn chương” , đó là cảm nhận đầu tiên của cô gái 24 tuổi khi đặt chân tới đất nước rộng lớn nhất thế giới.
Khánh Huyền làm quen dần với những thay đổi trong tác phong làm việc, không tới trễ, không lý do. Cuộc sống tại Nga cũng giúp cô nàng có góc nhìn tinh tế hơn từ đó nâng cao giá trị bản thân mình và biết tôn trọng sự khác biệt.
“Em học được cách sống đơn giản nhưng không tuỳ tiện của người Nga, yêu cái đẹp và yêu nhau. Trên đường phố Nga, mọi người sẽ tự động tách thành hai hàng, một hàng đi bộ và một hàng cho ai cần đi nhanh.
Từ tốn và khéo léo, luôn xin chào, cảm ơn, xin lỗi, hẹn gặp lại. Dù bạn có béo hay gầy, cao hay thấp, xấu hay đẹp thì đều có giá trị riêng, đều tôn trọng.
Mùa thu lá vàng, mùa đông tuyết trắng, xuân sang hoa tuy líp nở rực cánh đồng… rất nhiều những điều tuyệt vời khác ở nước Nga” , Khánh Huyền kể.
Xuất phát điểm từ kẻ tay mơ không biết gì về tiếng Nga, Khánh Huyền chỉ có một năm học tiếng để đi vào chuyên ngành. Đến bây giờ Khánh Huyền vẫn đang “vật lộn” với ngôn ngữ hoàn toàn mới này. Dù vậy, cô gái Việt Nam chưa bao giờ bỏ cuộc. Mỗi lúc nhớ nhà hay gặp khó khăn tại nơi đất khách, Khánh Huyền luôn nghĩ tới lý do bắt đầu.
Khánh Huyền đang là bí thư chi đoàn Puhskin institute 2023 – 2024, là thành viên ban cán sự Đoàn Việt Nam tại Liên Bang Nga 2023. Cô nàng cũng tiết lộ cũng đang trong quá trình xuất bản báo khoa học về Pushkin 2024.
Khánh Huyền khẳng định: “Đất nước Nga là môi trường tuyệt vời để nghiên cứu, đặc biệt với chuyên ngành Văn học Nga tôi muốn chinh phục. Dù có gian nan nhưng viện Pushkin tôi đang theo học, là mơ ước của nhiều người”.
Nửa cuối năm 2024, Khánh Huyền dự định mở những lớp luyện thi online miễn phí ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) quê hương, giúp đỡ các bạn học sinh tiến gần hơn tới cánh cổng đại học. Sau khi hoàn thành việc học, Khánh Huyền muốn mang những tinh hoa đã lĩnh hội quay trở về Việt Nam để cống hiến.