Tự ngược đãi bản thân vì áp lực 'con ngoan trò giỏi'
Lan rất thông minh, được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng, mỗi khi điểm số không được như mong muốn em lại tự làm đau bản thân.
Nguyễn Lan (19 tuổi, sinh viên năm nhất một trường đại học ở Hà Nội) được người thân đưa đến Viện tâm lý truyền thông IPM trong trạng thái ủ rũ, ánh mắt thất thần, thi thoảng trên môi điểm nụ cười nhưng "rất vô nghĩa". Hai cánh tay và bắp tay cô gái chi chít những vết rạch nông sâu, sẹo lồi lên lồi xuống, khiến ai nhìn thấy cũng đau xót.
Lan vốn hiền lành, ít nói, thông minh và hoạt bát, được bố mẹ đặt nhiều kỳ vọng. Họ muốn thành tích học tập của con lúc nào cũng phải đứng đầu lớp, tham gia tất cả các hoạt động của trường. Ở nhà, bố mẹ rèn con gái phải chuẩn mực, nề nếp gia phong, hạn chế giao du với bạn bè bên ngoài, có thời gian thì tập trung học, đọc sách.
Ngày Lan đỗ đại học, cả gia đình vỡ oà trong niềm vui. Người hạnh phúc nhất là bố của Lan, ông kỳ vọng sau này con sẽ tốt nghiệp thủ khoa đầu ra đại học để có được vị trí công việc tốt nhất.
Tuy nhiên, chỉ sau một năm học, Lan nói muốn bỏ học vì ở trường quá áp lực, điểm số không như mong muốn, về nhà lại bị bố mẹ quản lý chặt. Từ đó, giữa bố với Lan liên tiếp xảy ra mâu thuẫn. Khi bị bố mẹ nặng lời, nữ sinh thường bỏ vào phòng, tự nhốt mình, không giao tiếp với những người trong nhà.
Những lúc áp lực vì bố mẹ muốn “con ngoan trò giỏi”, Lan chỉ muốn tự làm đau chính mình với mục đích "loại trừ bản thân, loại trừ những thứ không thuận theo ý muốn" mà mình đang gặp phải.
"Họ coi đó là cách để giải tỏa tâm lý, để làm dịu nỗi đau tinh thần mà họ đang chịu đựng", thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Phó Giám đốc Viện tâm lý truyền thông IPM nói. Nữ sinh mắc phải chứng tâm lý tên là tự ngược đãi bản thân (Self-Harm). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nữ sinh không hài lòng với thành tích học tập và cuộc sống hiện tại. Lan luôn có cảm giác không thỏa mãn với hoàn cảnh.
Cô sinh viên năm nhất là người sống khép kín không biết chia sẻ cùng ai về vấn đề mình gặp phải. Nói với bạn thì xấu hổ, tâm sự với bố mẹ cũng không tìm được tiếng nói chung, nên để giải quyết mâu thuẫn và áp lực của mình, cô gái sẵn sàng làm đau cơ thể.
Những người mắc hội chứng này sau mỗi lần làm tổn hại bản thân họ thấy tâm trạng thoải mái hơn, nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế.
Hiện trẻ vị thành niên là nhóm hay gặp hội chứng này nhất, vì nhà trường chủ yếu giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của các con với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc .
“Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng tự ngược đãi bản thân ở tuổi học sinh, sinh viên”, bác sĩ Bách nói.
Đáng ra người bệnh khi gặp vấn đề căng thẳng thì phải chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp của người khác, nhưng thay vì làm vậy họ lại tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết, hoặc họ làm vậy để gây sự chú ý của người khác.