Tủ lạnh cũng có thể thành ... bom

,
Chia sẻ

Khi điện áp tăng đột ngột sẽ làm máy nén liên tục đưa hơi gas vào dàn nóng. Điều này sẽ gây tăng áp suất quá mức chịu đựng của ga dẫn đến việc phát nổ từ tủ lạnh.

Tủ lạnh cũng có thể thành “bom”

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, cấu tạo của tủ lạnh gồm nhiều thiết bị như dàn lạnh, dàn nóng, bình ga, máy nén, các ống dẫn.... Trong đó, bình ga có chức năng bơm ga lên dàn lạnh phục vụ quá trình làm lạnh.

Máy nén giúp ga lưu thông trong tủ lạnh. Khi tủ lạnh hoạt động, máy nén sẽ chuyển ga ở dạng khí sang dạng lỏng và đưa ga lưu thông khắp máy giúp quá trình làm lạnh luôn được tuần hoàn.

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên nhân dẫn đến nổ bình ga tủ lạnh là do máy nén bị chập điện làm ga bắt lửa gây ra cháy hoặc nổ tủ lạnh. Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến nổ bình ga tủ lạnh có thể là do điện quá tải (điện áp tăng đột ngột).

Khi điện áp tăng đột ngột sẽ làm máy nén liêu tục đưa hơi gas vào dàn nóng. Điều này sẽ gây tăng áp suất quá mức chịu đựng của ga dẫn phát nổ.

PGS. TS Nguyễn Đức Lợi, Viện KH&CN Nhiệt lạnh, ĐH Bách Khoa Hà Nội giải thích thêm, hiện nay, ga sử dụng trong tủ lạnh có hai xu hướng. Thứ nhất là sử dụng loại ga truyền thống CFC (ChloroFluoroCarbon). Loại ga này có ưu điểm là không bắt lửa, không gây ra cháy nổ nhưng có nhược điểm là có chứa một số chất độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới tầng ozone.

Xu hướng thứ 2 là sử dụng ga LPG (Liquefied Petroleum Gas). Thành phần chính của loại ga này là Propane và Butane. Đây là khí ga tự nhiên  nhưng loại ga có nhược điểm là dễ cháy, dễ gây nổ. PGS. TS Nguyễn Đức Lợi  nhận định, các trường hợp tủ lạnh bỗng phát hỏa thường rơi vào trường hợp sử dụng ga thân thiện môi trường.

Theo đó, khi có sự cố xảy ra như máy nén bị chập điện, ga sẽ dễ dàng bị bắt lửa và gây nổ.

Biết cách sẽ bớt nguy cơ  


Tránh để tủ lạnh gần bếp đun nấu (cách bếp đun khoảng 1-3m để phòng trường hợp bếp đun bắt lửa sang tủ lạnh).  (Ảnh minh hôa: kienthuc.com.vn)

Các chuyên gia cho biết, nguy cơ phát nổ từ bình ga trong tủ lạnh không phải quá phổ biến bởi khi sản xuất, các nhà khoa học đã tính đến độ an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, mọi thứ đều không phải là tuyệt đối. Vì thế, trong quá trình sử dụng, do một vài sự cố, bình ga của tủ lạnh vẫn có thể phát nổ.

Đặc biệt, các chuyên gia khẳng định, tuy không thường xuyên xảy ra, nhưng nếu bình ga tủ lạnh bị nổ thì lại gây thiệt hại nhiều về người và của, nhẹ thì bị hỏng lạnh, nặng có thể làm cháy nhà, gây thương tích hoặc đe dọa tính mạng người sử dụng.

“Ngoài nổ bình ga, tủ lạnh còn có thể gây “nguy hiểm” cho người sử dụng bởi một số các sự cố sau: rò rỉ bình ga, chập điện, hở điện (sờ tay vào tủ lạnh thấy tê tay)…”, KS Nguyễn Huy Bạo cho biết.



Các chuyên gia cho rằng, để phòng tránh “quả bom” tủ lạnh, tốt nhất không nên sử dụng loại tủ lạnh đã quá cũ hoặc đã bị hỏng hóc. Những chiếc tủ lạnh “già nua” gỉ sét rất dễ gây rỉ ống dẫn ga, chập điện ở máy nén…

Trong trường hợp bị hỏng hoặc hết ga (biểu hiện hết ga là khả năng làm lạnh của máy bị kém đi) cần phải nhờ đến những thợ lành nghề, những người có chuyên môn “xử lý”. Người sử dụng tuyệt đối tránh tự ý bơm ga, thay ga khi tủ lạnh hết ga.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, người sử dụng cũng nên bảo hành, bảo trì tủ lạnh để kiểm tra độ an toàn của tủ lạnh. Sử dụng các thiết bị bảo vệ tủ lạnh như dùng rơle tự ngắt khi điện chập chờn cũng là cách bảo vệ tủ lạnh khỏi các sự cố chập điện, nổ bình ga...

Đặc biệt, người sử dụng cần lưu ý, không nên đặt tủ lạnh nơi ẩm ướt (dễ làm vỏ bình ga bị gỉ dẫn đến rò rỉ khí ga), tránh để tủ lạnh gần bếp đun nấu (cách bếp đun khoảng 1-3m để phòng trường hợp bếp đun bắt lửa sang tủ lạnh). Cũng không nên đặt tủ lạnh dưới ánh sáng mặt trời. Cách an toàn nhất là kê tủ lạnh nơi thoáng, mát.

Theo Bee


Chia sẻ