Từ học sinh giỏi cấp quốc gia, nam sinh bỗng mắc bệnh trầm cảm, bất mãn với bố mẹ vì lý do này!
Cách nuôi dạy thiếu khoa học của bố mẹ đã khiến Tiểu Trương rơi vào căn bệnh trầm cảm.
Tiểu Trương (Trung Quốc) có thành tích học tập tốt ngay từ khi còn nhỏ. Ở bậc Tiểu học, cậu luôn đứng top đầu lớp, đạt vô số giải thưởng cấp quốc gia. Cậu hoàn thành mọi mục tiêu học tập mà bố mẹ đặt ra như: Trúng tuyển vào trường cấp 3 tốt nhất thành phố, học lớp chọn, điểm số đứng top 3 của lớp,… Trước thành tích xuất sắc như vậy, Tiểu Trương trở thành "con nhà người ta", được mọi người xung quanh quý mến, ngợi khen.
Dù kế hoạch phát triển theo đúng lộ trình nhưng Tiểu Trương luôn cảm thấy trống trải, mệt mỏi. Dần dần, cậu rơi vào trầm cảm, phải vào bệnh viện điều trị. Về sau, kết quả học tập của Tiểu Trương không còn tốt như trước mà ngày càng sụt giảm và có thái độ chống đối bố mẹ.
Nguyên nhân khiến cậu học sinh giỏi rơi vào trầm cảm
1. Môi trường học đường đặt nặng thành tích, tạo áp lực cho học sinh
Tiểu Trương chia sẻ, ngay từ khi còn học mẫu giáo, cậu đã quen với lịch học dày đặc kín tuần. Cậu phải đi học thêm nhiều môn, từ tiếng Anh, tiếng Trung đến tư duy trí tuệ, âm nhạc, khiêu vũ, kỹ năng giao tiếp.
Sau khi bước vào bậc Tiểu học, Tiểu Trương càng bận rộn hơn với việc học, ngay cả khi vào cuối tuần. Cậu chẳng có thời gian đi chơi với bạn bè hay làm những điều mình thích. Điều này khiến cậu từ yêu thích việc học đến cảm thấy không còn hứng thú tiếp thu kiến thức.
Không thể phủ nhận các lớp học thêm mang lại hiệu quả cao. Nhưng Tiểu Trương nhận ra phương pháp giảng dạy còn hạn chế. Đơn cử là cách học thụ động, đặt nặng thành tích. Thời gian học tập trên trường lớp quá nhiều, còn thời gian tự học lại rất ít.
Tiểu Trương chia sẻ: "Dù chỉ dành 30% thời gian trong 1 ngày cho việc học nhưng tập trung tối đa vẫn có thể đạt thành tích tốt. Nhưng nếu bạn dành nhiều thời gian mà không có sự tập trung thì kết quả cũng không như mong đợi.
Ngoài ra, tôi cảm thấy khó chịu với không khí trường lớp. Tôi từng đọc được một điều trong cuốn sách là sự hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh. Nhưng các bạn ở lớp tôi làm ngược lại. Họ đề cao điểm số, thường so bì rồi cãi nhau ầm ĩ. Xét về góc độ tích cực, tôi thấy điểm kém đâu có gì là nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng khi nhận điểm kém sẽ giúp chúng ta nhận ra nhiều bài học, từ đó có phương án khắc phục".
2. Môi trường gia đình thiếu tình yêu thương và sự quan tâm
Tiểu Trương không chỉ bức bối khi đi học mà ở nhà, cậu cũng cảm thấy căng thẳng, ngột ngạt. Cậu chia sẻ bản thân sinh ra trong một gia đình có điều kiện đủ đầy nhưng thiếu sự quan tâm từ bố mẹ. Bố mẹ cậu đều là viên chức nhà nước. Họ mong cậu học tập thật tốt để sau này có một công việc ổn định ở thành phố lớn.
Bố mẹ Tiểu Trương là kiểu người truyền thống, còn nhiều tư tưởng bó hẹp. Họ kiểm soát con cái quá mức, không cho con quyền lựa chọn và thường can thiệp vào không gian riêng tư của con. Những cuộc trò chuyện giữa Tiểu Trương và bố mẹ thường không kéo dài nổi 5 phút bởi luôn có sự bất đồng, cãi vã.
"Bố mẹ tôi luôn cho rằng mình đúng và ép tôi phải làm theo những điều đó. Tôi cảm thấy mình không được tôn trọng và mất đi sự tự do. Sống trong một gia đình có điều kiện vật chất tốt nhưng tôi luôn cảm thấy cô đơn, lẻ loi. Sau này, tôi học cách bù đắp tinh thần cho mình bằng việc tự khen ngợi bản thân mỗi ngày và mua những món đồ yêu thích", Tiểu Trương bất lực cho biết.
Trước những dấu hiệu tâm lý bất thường của Tiểu Trương như: Tâm trạng buồn chán, hay nổi cáu, sống tách biệt mọi người,… bố mẹ cậu đã kịp thời đưa đi bệnh viện thăm khám. Sau vài liệu trình điều trị tâm lý, sức khỏe tinh thần của cậu đã ổn định hơn, chứng trầm cảm được cải thiện. Bố mẹ cậu cũng nhận ra những thiếu sót trong quá trình nuôi dạy con cái. Họ đã dành nhiều thời gian bên con hơn, không còn đặt kỳ vọng quá nhiều.