Từ học kém nhất trường trở thành sinh viên top đầu Harvard: Bí kíp nhìn chung quá đơn giản
Làm cách nào để nuôi dạy một đứa trẻ bình thường thành xuất chúng?
Vương Viễn - sinh viên xuất sắc của Harvard từng có một bài diễn thuyết nổi tiếng trên TED Talk kể về chặng đường trưởng thành của mình. Từ một đứa trẻ bị nhận định là không có tương lai, anh đã trở thành sinh viên xuất sắc ở ngôi trường số 1 hành tinh. Câu chuyện của Vương Viễn không quá kỳ lạ, thậm chí xuất phát điểm của anh cũng là xuất phát điểm của rất nhiều người trong chúng ta. Thế nhưng để vươn lên ngoạn mục từ một xuất phát điểm bình thường như vậy lại cần một bí kíp lớn, đó là sự dạy dỗ đúng đắn của cha mẹ.
Ngày còn nhỏ, Vương Viễn là một đứa trẻ thu mình, yếu đuối và có điểm kém ở trường, không có bất kỳ tài năng gì nổi trội. Như nhiều người,anh từng nghi ngờ cuộc đời và tự hỏi tại sao mình lại không tài giỏi, thông minh ngay cả khi đã cố gắng chăm chỉ? Tuy nhiên, đến khi học cấp 3, mọi thứ thay đổi. Vương Viễn luôn đạt điểm trung bình 4/4, thứ hạng cao nhất trường và được nhận vào hầu hết các trường đại học danh tiếng nước Mỹ. Cuối cùng, anh chọn vào Harvard và tiếp tục giữ thành tích đứng đầu của mình tại đây.
Thanh niên này là ví dụ cho câu nói “Người xuất sắc thì sẽ xuất sắc, người không xuất sắc thì hãy khiến họ trở thành xuất sắc”. Trong hành trình thay đổi khó tin này, cha của anh là ông Vương Kiến Quân đóng vai trò quyết định. Phương pháp dạy con của ông không phải quá cao siêu, thậm chí mọi cha mẹ đều có thể áp dụng được.
Phương pháp biến đứa trẻ bình thường thành xuất sắc
Vương Kiến Quân đã không bỏ cuộc vì Vương Viễn là một đứa trẻ không thông minh hay nổi bật. Thay vào đó, ông xác định điểm yếu của con, suy nghĩ kỹ lưỡng và lập ra một kế hoạch phát triển hiệu quả để giúp con trai mình phát huy tối đa điểm mạnh thành công. Điểm quan trọng đầu tiên ông đưa ra là phải hết sức chú ý đến việc học tiểu học. Độ tuổi từ 6-12 là thời kỳ vàng của giáo dục, nếu bỏ lỡ sẽ bỏ lỡ một giai đoạn giáo dục quan trọng. Vương Kiến Quân dạy con bằng những yêu cầu rất đơn giản:
Ngủ đủ giấc mỗi ngày
Không ít chuyên gia đã khẳng định chỉ khi đảm bảo giấc ngủ, trẻ em mới có thể có đủ sức khỏe và tỉnh táo tập trung nghe giảng. Ông bố này luôn yêu cầu các con phải đi ngủ trước 9 giờ mỗi ngày để đảm bảo ngủ đủ 10 tiếng. Nếu không ngủ được thì có nghĩa là các con chưa vận động đủ và cần tăng cường vận động vào ngày hôm sau. Dần dần, mọi đứa trẻ trong nhà đều hình thành thói quen ngủ được ngay khi đầu chạm gối.
Cho trẻ tập thể thao
Bước đột phá trong phương pháp giáo dục của Vương Kiến Quân trong việc cải thiện kết quả học tập của con không phải là cho con học thầy giỏi trường tốt, mà là cho con tập thể thao. Ba người con của ông đều yêu thích thể thao. Con trai cả từ nhỏ đã là nhà vô địch đấu vật, Vương Viễn đã thay đổi quỹ đạo cuộc đời mình thông qua thể thao, còn cô con gái út cũng đam mê môn bơi lội.
Vương Viễn cho biết: “Thể thao có tác động rất lớn đến mọi mặt trong cuộc sống của tôi. Trước đây, tôi chỉ nghĩ rằng thể thao sẽ dạy mọi người tính chăm chỉ hoặc tinh thần đồng đội. Hóa ra lúc đó tôi thực sự rất thiển cận”.
Nguyên lý ở đây rất đơn giản: việc tập thể dục có thể nâng cao sự tự tin của trẻ. Tập thể dục khiến con người trở nên mạnh mẽ cả về tinh thần và thể chất, khi đó sự tự tin của họ sẽ tăng lên.
Phương pháp học tập thông minh
Sau khi con trẻ có được sự tự tin, cha Vương bắt đầu nghĩ cách cải thiện kết quả học tập của con mình. Vương Kiến Quân cho rằng trẻ em không thể trở thành xuất sắc chỉ bằng cách hoàn thành bài tập về nhà mà phải học cách tóm tắt và suy nghĩ. Sau mỗi bài học, nếu còn vấn đề chưa hiểu, ông khuyến khích con phải tự mày mò hoặc hỏi thầy cô giải thích rõ ràng. Trong quá trình học, phải không ngừng đặt ra câu hỏi và tư duy, tránh kiểu học vẹt, học thuộc.
Để trau dồi khả năng viết của Vương Viễn, cậu bé được cha yêu cầu viết 10 câu về những kiến thức học được trên lớp mỗi ngày để dạy cho cha mình. Vương Viễn lúc đầu chỉ có thể viết được một bài câu, rất khó khăn, nhưng Vương Kiến Quân cũng không ép con. Một tháng sau, Vương Viễn có thể viết được hơn 40 câu mỗi ngày.
Thiên tài không phải được thiên phú, cũng không phải do sự chăm chỉ tạo ra mà là kết quả của sự giáo dục tốt từ sớm. Các chuyên gia giáo dục đều đồng ý rằng bậc tiểu học là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành thói quen, sở thích, nhân cách của trẻ. Nếu cha mẹ nắm bắt được 6 năm tiểu học và bồi dưỡng cho con một cách đúng đắn thì sẽ thu được quả ngọt trong tương lai.
Nguồn: Sohu