Với 2 cách gói bánh chưng này, nàng dâu mới sẽ được mẹ chồng khen nức nở vì tự gói được bánh vuông vắn lại cực ngon

Hồng Thơm - Ảnh: Xuân Quý - Clip: Quang Vinh,
Chia sẻ

Cả gia đình quây quần bên giá gạo, giá đỗ, bên lá dong xanh và nói với nhau những câu chuyện của một năm sắp qua đi. Tự tay gói bánh chưng cũng là cách để nối dài yêu thương cho mỗi thành viên trong gia đình.

Với 2 cách gói bánh chưng này, nàng dâu mới sẽ được mẹ chồng khen nức nở vì tự gói được bánh vuông vắn lại cực ngon - Ảnh 1.

Tự tay gói bánh chưng (người hướng dẫn: Vũ Thu Phương)

Trước đây, khi đồng hồ thời gian nhích từng nhịp sang những ngày tháng Chạp, ông nội tôi cũng bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho một cái Tết sắp tới. Có nhiều việc phải làm lắm nhưng quan trọng nhất và kì công nhất chắc có lẽ là việc chuẩn bị nồi bánh chưng của gia đình. Hồi ấy, nhà tôi còn khó khăn, cũng chẳng thể kiếm được thứ nếp cái hoa vàng đúng chuẩn để gói bánh chưng, nhưng có hề gì, ông đã dành dụm thứ nếp vụ mùa mẩy trắng, tròn trịa cho mẻ bánh được coi là trọng đại nhất trong năm. Đậu xanh cũng chọn loại đậu tiêu tức là bé thôi nhưng lòng đậu vàng ruộm, khi đồ chín thì bở bùi khỏi nói.

Nhà tôi khi đó luôn ấn định 27 tháng Chạp là ngày gói bánh. Ông bảo rằng lá dong phải chọn loại lá bánh tẻ không quá già cũng chẳng non, để khi gói, lá không dễ rách mà bánh lại có màu xanh đẹp mắt. Ông cũng không mua lạt chẻ sẵn mà thường mua một ống giang lớn về tự chẻ bởi ông nói lạt chẻ sẵn thường khô lại nhanh quắt, gói bánh không "sướng" tay.

Với 2 cách gói bánh chưng này, nàng dâu mới sẽ được mẹ chồng khen nức nở vì tự gói được bánh vuông vắn lại cực ngon - Ảnh 3.

Rồi những khâu chuẩn bị cũng xong, gạo đã ngâm qua đêm giờ để ráo nước, đậu xanh đãi sạch vỏ, đồ chín thơm lừng, từng miếng thịt ba chỉ được cắt to như bàn tay con trẻ tẩm ướp gia vị vừa vặn thêm chút hạt tiêu cho dậy mùi. Chiếc chiếu cói hoa được trải ra giữa nhà, ông ngồi ở giữa xung quanh nào đậu nào gạo nào thịt rồi lá dong lạt trắng. Đứa cháu là tôi ngồi "chầu chực" bên cạnh để thỉnh thoảng nhón trộm của ông xíu đậu thơm thơm.

Ông nội khéo lắm, chẳng cần dùng khuôn đâu, gói bánh bằng tay thôi, chỉ cần 4 chiếc lá xếp chồng lên nhau rồi một lớp gạo trắng, lớp đậu xanh, miếng thịt béo núc rồi lại lớp đậu và cuối cùng là lớp gạo. Ông khéo léo gom gạo, khéo léo gấp lá, khéo léo vặn lạt, chẳng mấy chốc chiếc bánh chưng xanh "vuông thành sắc cạnh" đã hiện ra. Mọi công đoạn ông làm đầy sự hào hứng mà chẳng kém phần tỉ mỉ, vừa làm vừa nói thoăn thoắt thoăn thoắt. Thú nhất là phần gạo vét cuối thế nào chị em tôi cũng được ông gói cho hai chiếc bánh chưng tí hon, để tôi tự hào đi khoe tung tẩy khắp xóm khi ngày hôm sau vớt bánh.

Với 2 cách gói bánh chưng này, nàng dâu mới sẽ được mẹ chồng khen nức nở vì tự gói được bánh vuông vắn lại cực ngon - Ảnh 4.

Rồi ông cũng đi xa, nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, truyền thống gói bánh chưng gia đình tôi vẫn giữ trọn vẹn. Giờ mẹ tôi thay ông để gói bánh chưng. Vẫn là những nguyên liệu ngon nhất để làm nên chiếc bánh chưng xanh, trước là để cúng tổ tiên trời đất sau là để cả nhà thưởng thức. Mẹ không biết gói bánh bằng tay như ông nội nhưng mẹ đã có "trợ thủ" là chiếc khuôn gỗ vuông, có chăng chỉ kém chiếc bánh ông tôi gói ở chỗ bánh sẽ không chặt tay bằng và khi chín bánh kém rền đôi chút mà thôi. Nhưng cái không khí cả nhà tấp nập chuẩn bị, háo hức sắp xếp ngày gói bánh, cùng hồi hộp đón chờ mẻ bánh chín đều vẫn ấm áp và hạnh phúc vô chừng.

Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta nao núng khi nghĩ tới việc chuẩn bị nguyên liệu, rồi cách gói bánh cũng sẽ làm khó dễ nhiều người, nhưng đừng để những phiền phức đó cản trở bạn mang không khí Xuân tới cho cả nhà, để con trẻ giữ được những kí ức đẹp đẽ như thời của bố mẹ chúng, được xúm xít bên cạnh xem mẹ gói bánh, được hồi hộp chờ đợi giây phút "trọng đại" vớt những chiếc bánh chưng xanh bên bếp lửa bập bùng. Nó sẽ mãi là những kỉ niệm đẹp vẹn nguyên mà mỗi đứa trẻ sẽ ôm ấp trọn đời.

Với 2 cách gói bánh chưng này, nàng dâu mới sẽ được mẹ chồng khen nức nở vì tự gói được bánh vuông vắn lại cực ngon - Ảnh 5.

Chia sẻ