Từ "Diên Hi Công Lược" ngẫm lại phận làm vợ vua: Dẫu trên vạn người rồi cũng có khác gì cảnh "chim lồng, cá chậu"?
Ai bảo được làm vợ đấng quân vương, sống nơi lầu son gác tía là hạnh phúc? Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Bạn cứ xem Diên Hi Công Lược hay bất kỳ phim cung đấu nào sẽ rõ.
"Chém cha cái kiếp lấy chồng chung"
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài thơ như chạm thấu tâm can của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến, ở Việt Nam cũng thế mà ở Trung Quốc cũng vậy: "Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng". Được làm vợ vua thì sao? Tưởng vinh hiển lắm thay mà kỳ thực phận mỏng chẳng dệt được phúc dày. Làm vợ vua là phải chấp nhận chia sẻ chồng với dàn cung tần mĩ nữ. Ai may mắn được vua sủng ái thì còn có cơ hội nở mày nở mặt. Phi tần nào thất sủng thì vị thế còn thua cả cung nữ. Cứ như câu ca dao mà ta nghe từ ngày nhỏ: Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra?
Trong Diên Hi Công Lược, nhân vật Di Tần do lỡ lời mạo phạm Cao quý phi mà bị vị quý phi này sai một cung nữ thay mặt mình hỏi tội. Cung nữ đó đã thẳng tay tát sưng mặt Di Tần trước mặt nhiều thái giám, cung nữ. Di Tần vì bị tổn thương lòng tự trọng nên đã tự vẫn.
Chung chồng cũng đồng nghĩa với việc phải chia sẻ cả chuyện gối chăn, "Năm thì mười họa hay chăng chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không" (thơ Hồ Xuân Hương). Hoàng thượng sẽ lật thẻ bài để chọn ra phi tần mình thị tẩm, thường thì sủng ai sẽ lật thẻ bài ghi tên người đó nhiều hơn. Có những phi tần tưởng như sắp được đổi đời khi được chọn vào hầu tẩm, ngờ đâu... mừng hụt như Thư quý nhân cũng không phải là hiếm. Tắm rửa, quấn chăn xong xuôi nằm chờ nhưng cuối cùng Hoàng thượng lại qua đêm ở chỗ hoàng hậu.
Hoàng hậu cũng có khác là bao? Tuy có quyền lực cao nhất chốn hậu cung nhưng chắc gì đã hạnh phúc hơn. Chính Hoàng hậu cũng phải mỏi mòn đợi Hoàng thượng suốt hơn một canh giờ, để rồi Hoàng thượng lại ngự ở chỗ Cao quý phi. Còn gì bất hạnh hơn khi phải san sẻ người đàn ông của mình với không chỉ một mà là hàng trăm người phụ nữ khác? Ấy vậy mà vẫn phải ra dáng bậc mẫu nghi thiên hạ, làm chủ lục cung, thậm chí phải thay hoàng thượng săn sóc cho những phi tần của ngài nữa.
Nếu nói đã mãn nguyện, thì cần gì đôi cánh?
Ai cũng nghĩ làm Hoàng quý phi hay hoàng hậu là đã cao cao tự tại, trần đời chẳng ai sánh bằng. Nào ai biết đâu ở trong chăn mới biết chăn có rận. Một khi đã làm vợ người ta, đặc biệt là khi xuất gia vào hoàng cung là phải từ bỏ hết những sở thích riêng, thú vui riêng. Hoàng hậu lúc còn con gái là mĩ nhân múa giỏi bậc nhất.
Nhưng kể từ khi nhập cung, nàng phải gạt những thú vui qua một bên để cho ra dáng một hoàng hậu mẫu mực, làm gương cho hậu cung noi theo. Chỉ có duy nhất một lần hoàng hậu cao hứng hóa trang thành Lạc Thần, múa một điệu vũ làm say lòng người để rồi sau đó người không lại tự trách mình không đoan trang, để kẻ khác có cơ hội lợi dụng bôi bẩn danh dự của người.
Đáng thương hơn cả là Cao quý phi, nàng vốn say mê kinh kịch, cho rằng tay nghề của phường thêu chưa đủ tinh xảo, nàng tự tay thêu cho mình chiếc áo diễn. Những món đồ mà nàng trân quý bị thái hậu ra lệnh đốt sạch, chỉ vì một tội lỗi chẳng phải do nàng trực tiếp gây ra.
Cao Quý phi chính thức bị "cấm diễn"
Dù thế nào đi nữa thì ở thời đại đó, một phi tần mê thói "xướng ca vô loài" cũng là điều gây chướng mắt ở hậu cung. Thư Quý nhân cũng đã phải nhận quả đắng khi cao hứng ca hát giữa đêm ở ngự hoa viên. Ừ thì nàng có giọng hát trong trẻo đấy nhưng đế vương cũng chẳng mảy may động lòng, đã vậy còn phạt nàng phải hát suốt đêm.
Hoàng hậu, quý phi và cả những cung tần mĩ nữ khác chẳng khác nào những con chim bị giam cầm nơi lầu son gác tía, những con chim bị bắt ngừng tiếng hót. Trong bộ phim Vương Chiêu Quân (2007), nhân vật Vương Chiêu Quân (Dương Mịch) có bài phú "Chim trong lồng":
"Trời cao cao đến đâu
Màu xanh xanh bao lâu
Nếu nói đã mãn nguyện
Thì cần gì đôi cánh?"
Bài phú này được Chiêu Quân tức cảnh sinh tình khi sống trong cung cấm. Bầu trời ngoài kia dù có cao xanh, đẹp đẽ đến đâu cũng có nghĩa lý gì khi một chú chim bị nhốt trong lồng? Nếu đã như vậy thì cần gì có thêm đôi cánh cho thêm khổ. Phía sau một hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ là hình ảnh một con chim trong lồng son, bị trói chặt bởi lễ giáo.
Hy sinh tất cả rồi có được gì không?
Phú Sát Hoàng hậu là thê tử kết tóc se tơ từ thời vua Càn Long chưa đăng cơ nên tình cảm giữa hai người đương nhiên sâu sắc hơn. Vua còn quý trọng bà vì tính tình đoan trang, hiền thục, không sân si với đời. Bà cũng là người hy sinh vì vua Càn Long nhiều nhất. Vua bị bệnh ghẻ lở khắp người, bà chẳng quản ngại vất vả, thức suốt đêm quạt mát cho ngài, đến run cả tay. Bà có thể hy sinh vì vua vô điều kiện mà không cần người khác biết tới. Đó không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm. Bà nói phận nữ nhi không thể cầm cung cưỡi ngựa, trấn giữ biên cương, vì thế chăm sóc tốt cho hoàng thượng là điều duy nhất bà có thể làm cho đất nước.
Ở hoàng cung, bà luôn lui về phía sau, làm hậu phương vững chắc cho Hoàng thượng. Người ta nói: "Đằng sau một người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của một người phụ nữ", quả không sai bao giờ. Vậy mà bà chưa bao giờ cảm nhận được niềm hạnh phúc của tình cảm vợ chồng.
Hẳn khán giả vẫn còn nhớ ánh mắt hoàng hậu chất chứa một nỗi buồn xa xăm khi nhớ lại ngày nàng Phú Sát Dung Âm trở thành phúc tấn của hoàng tử Hoằng Lịch (tên thật của vua Càn Long). Hạnh phúc đấy, yêu thương đấy nhưng nào dám nắm tay chồng vì rào cản lễ giáo, chỉ biết lẽo đẽo chạy theo sau. Là vợ chồng nhưng bữa ăn bà cũng không được ngồi chung một mâm với vua, chỉ vì tổ tông quy định thế. Là vợ chồng nhưng nếu nói nhiều hơn chồng một câu thì sẽ bị trách phạt.
Đằng sau hình ảnh bậc mẫu nghi quyền quý là cả một nỗi đau chôn giấu.
Bà hy sinh vì vua nhiều như thế nhưng cuối cùng bà nhận lại được gì? "Thiếp là ai, hoàng thượng, người nói đi, thiếp là ai?"
Hoàng thượng đáp lời: "Nàng là thê thử của trẫm, là mẫu nghi thiên hạ, Đại Thanh hoàng hậu!"
Hoàng hậu lại tiếp: "Từ lúc sách phong, thiếp phụng thái hậu, tôn trọng hoàng thượng, thiện đãi phi tần, xử sự cẩn thận, thiếp sợ rằng sẽ làm sai, sợ bị người trong thiên hạ chỉ trích. Thiếp hiền lương thục đức, sợ bị hoàng thượng chán ghét, thiếp không oán, thiếp không đố kị, thiếp cũng không hận, thiếp thay hoàng thượng bảo hộ phi tần, thiếp thậm chí coi con của bọn họ như con của chính thiếp, vậy còn hoàng thượng, thiếp được cái gì?"
Cũng chính vì lẽ đó mà hoàng hậu mới xem Ngụy Anh Lạc như hy vọng của chính mình, là con người tự do tự tại không bó mình dưới sự sắp đặt của người khác mà bà chôn kín bấy lâu. Nỗi đau chồng nén nỗi đau sau khi đứa con vất vả sinh ra bị người ta hại chết, hoàng hậu đã chọn cái chết mà tất thảy người đời đều chê trách, tự tử.
Nhưng có lẽ đối với bà, đó mới chính là hạnh phúc. Khi rũ bỏ mọi thứ áo gấm, vinh hoa, phú quý và trách nhiệm trên đôi vai, hoàng hậu Đại Thanh sẽ chỉ là nàng Phú Sát Dung Âm đơn sơ nhưng hạnh phúc. Chỉ tiếc rằng khi dám chọn hạnh phúc cũng là lúc phải quyên sinh giữa những bức tường đỏ ai oán ở Tử Cấm thành.