Từ cú shock trượt đội tuyển đến nam sinh Việt đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế sau gần 20 năm chờ đợi

DƯƠNG - DESIGN: THUỶ TIÊN,
Chia sẻ

Với thành tích học tập siêu ấn tượng, Ngô Quý Đăng là một trong những người Việt Nam hiếm hoi sở hữu 2 Huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic Toán quốc tế.

Nếu là một người quan tâm đến nền Toán học nước nhà, hẳn bạn chẳng còn xa lạ với cái tên Ngô Quý Đăng (sinh năm 2004, cựu học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên). Lý do là bởi Đăng đã nổi tiếng với niềm yêu thích Toán từ khi mới bập bẹ tập nói và đồng thời là chủ nhân của hàng loạt giải thưởng về Toán đầy danh giá.

Mới đây, Đăng tiếp tục gây ấn tượng khi đạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) năm 2022, với số điểm tuyệt đối 42/42. Như vậy, sau gần 20 năm chờ đợi, Việt Nam mới lại có 1 thí sinh giành Huy chương Vàng IMO với điểm số tuyệt đối. Cách đây 2 năm, Đăng cũng là học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành được Huy chương Vàng tại một kỳ thi IMO, xếp hạng 4 thế giới.

Trong suy nghĩ của số đông, những người học giỏi thường điềm tĩnh, sắc sảo và có phần, tuy nhiên Đăng thì khác hẳn. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về "siêu nhân" Toán học này lại là sự... vô tư, hồn nhiên và khá hài hước.

Từ cú shock trượt đội tuyển đến nam sinh Việt đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế sau gần 20 năm chờ đợi - Ảnh 1.

Ngô Quý Đăng - chàng trai với 2 tấm Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế

Bảng thành tích xịn sò của Ngô Quý Đăng:

- Giải Vàng kỳ thi Toán Quốc tế Singapore & châu Á (SASMO) năm 2017

- Huy chương Vàng kỳ thi Toán Quốc tế giữa các thành phố - Mùa thu lần thứ 38 năm 2017

- Giải Nhì trường và Top 1% cá nhân xuất sắc Kỳ thi Toán học Hoa kỳ AMC8 năm 2017

- Vô địch cuộc thi Toán quốc tế Kangaroo IKMC năm 2017 và 2018

- Vô địch bảng quốc tế HOMC năm 2018

- Vô địch cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học trẻ Việt Nam MYTS năm 2018

- Giải nhất Toán thành phố Hà Nội năm học 2018 - 2019 (quán quân, với số điểm gần như tuyệt đối 19,75/20)

- Đạt giải Nhì môn Toán trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm học 2019 - 2020 (thi vượt cấp với học sinh lớp 12)

- Đạt Huy chương Vàng đầu tiên ở kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2020 khi học lớp 10

- Đạt Huy chương Vàng thứ hai ở kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm 2022, điểm số tuyệt đối 42/42

Trần tình về cú sốc trượt đội tuyển Toán đến áp lực lớn trước thềm dự thi IMO 2022

Chào Quý Đăng. Được biết, gần đây bạn đã giành Huy chương Vàng trong kỳ thi IMO năm 2022, cảm xúc của Đăng khi lần đầu tiên nhận được tin vui này là gì nhỉ?

Khi vừa nhận được thông báo của thầy trưởng đoàn là đạt điểm tuyệt đối, cảm giác đầu tiên của mình là yên tâm. Tại trước đó tuy đã làm được hết nhưng mình vẫn hơi lo lắng, sợ có sai sót gì trong quá trình làm bài mà chưa phát hiện được. Sau đó, mình thấy việc đạt điểm tuyệt đối là niềm vui lớn, giống như một món quà mà bản thân nhận được sau thời gian dài nỗ lực.

Kết quả của kỳ thi IMO lần này có nằm trong dự đoán trước của bạn không?

Mình không dám dự đoán hay đặt mục tiêu cao như thế đâu (cười). Thành thật mà nói, đề thi năm nay "hợp gu" nên mình mới có thể tận dung cơ hội và đạt thành tích cao như thế.

Ngô Quý Đăng: Đề thi năm nay "hợp gu" nên mới đạt thành tích cao đến thế

Đăng có thể chia sẻ thêm về quá trình bạn chuẩn bị cho kỳ thi IMO không?

Năm lớp 11, mình trượt đội tuyển đi thi IMO và đó là một cú sốc lớn. Sau đó, mình đã quyết tâm làm lại từ đầu, bắt đầu từ việc vượt qua vòng đội tuyển của trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên. Sau khi vượt qua vòng thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia và vòng chọn học sinh dự thi IMO, mình cùng 5 học sinh khác trải qua gần 6 tuần ôn luyện tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM). Thời gian này tuy lịch học khá căng thẳng song cả đội được thầy cô Viện Toán chăm lo rất tốt.

Đây cũng là quãng thời gian đội IMO vừa học, vừa làm quen, gắn bó với nhau. Bọn mình có vinh dự được học cùng những thầy cô hàng đầu trên cả nước và có thời gian sinh hoạt bên nhau rất vui và gắn kết.

Từ cú shock trượt đội tuyển đến nam sinh Việt đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế sau gần 20 năm chờ đợi - Ảnh 4.

Đăng được bạn bè đến chúc mừng khi vừa xuống sân bay sau chuyến hành trình dài dự thi IMO

Đăng thường sắp xếp thời gian biểu cho việc học như thế nào?

Mình tự thấy bản thân không phải là người phân bố thời gian khoa học lắm. Mình cũng không có lịch cố định cho việc khi nào học, khi nào nghỉ. Nhưng thường là sau các ca học, mình sẽ cố gắng hoàn thành bài tập cho hôm sau. Sau đó, nếu còn sớm thì mình tìm đọc thêm về một số phần kiến thức mà bản thân chưa hiểu rõ lắm, hoặc ghi chép lại các bài khó vào một cuốn sổ để sau này đọc lại sẽ nhớ và hiểu bài sâu hơn.

Khi có thời gian rảnh, mình sẽ dùng để nhắn tin với bạn, thỉnh thoảng chơi điện tử. Một ngày mình thường ngủ khoảng 5-6 tiếng, tùy thuộc vào giờ học buổi sáng hôm sau và lượng bài tập về nhà mình có thể xử lý.

Bí quyết học tập của mình chẳng thần kỳ đâu. Quan trọng nhất là chăm học, dám theo đuổi đam mê và không bỏ cuộc.

Từ cú shock trượt đội tuyển đến nam sinh Việt đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế sau gần 20 năm chờ đợi - Ảnh 5.

Ít ai biết, mặc dù đạt Huy chương Vàng tại kỳ thi IMO năm lớp 10, thế nhưng Đăng lại trượt cơ hội vào đội tuyển dự thi IMO khi học lớp 11

Trong suốt hành trình dài tham dự IMO ở Na Uy, kỷ niệm đáng nhớ nhất với Đăng là gì?

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời điểm mình được lên nhận huy chương. Khi đó, mình cầm lá cờ Việt Nam, nhận huy chương từ tay bà thị trưởng của thành phố Oslo (Na Uy) trong tiếng vỗ tay chúc mừng của mọi người trong khán phòng, mình thấy hạnh phúc và tự hào.

Việc được đi thi đấu trực tiếp là một trải nghiệm tuyệt vời. Cả đội được cảm nhận bầu không khí của một cuộc thi tầm cỡ thế giới, rất chuyên nghiệp và đẳng cấp. Bọn mình có cơ hội được gặp gỡ với bạn bè quốc tế - những người giỏi, thân thiện và giúp mình hiểu thêm về nền văn hóa các quốc gia khác.

Từ nhỏ Đăng đã đạt được vô số giải thưởng về Toán học. Đặc biệt là sau Huy chương Vàng thứ hai tại IMO, chắc hẳn kỳ vọng của mọi người đặt lên bạn sẽ càng lớn hơn. Vậy Đăng có bao giờ thấy áp lực vì sợ những lần thi sau sẽ không đạt được thành tích tốt như trước hay không?

Một trong những nhược điểm lớn nhất của mình là luôn tự đặt áp lực lớn lên bản thân. Đặc biệt là trong kỳ thi IMO năm nay, vì tự biết đây là lần cuối được thử sức tại sân chơi này. Còn gia đình, thầy cô chưa bao giờ đặt áp lực hay trọng trách gì lên mình cả. Thậm chí khi mình bị stress do mục tiêu của bản thân, họ luôn động viên và thể hiện ghi nhận những nỗ lực của mình từng ngày.

Từ cú shock trượt đội tuyển đến nam sinh Việt đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế sau gần 20 năm chờ đợi - Ảnh 6.

Đội tuyển Việt Nam chụp ảnh cùng ngài Geoff Smith - chủ tịch hội đồng Olympic Toán học quốc tế

Những điều chưa bao giờ kể: Tự đoán mình vui tính, học Toán 8-10 tiếng/ngày

Hỏi một chút về cuộc sống đời thường, bên ngoài mọi người nhận xét Đăng là người như thế nào?

Mình cũng không rõ lắm, vì mình không hay hỏi mọi người nhận xét về bản thân. Nhưng nếu được tự đoán, mình nghĩ mọi người sẽ nói rằng Đăng là một đứa dốt môn Hình học, nói nhiều và vui tính. (cười)

Ngay khi còn nhỏ, Đăng đã được mọi người đặt cho biệt biệt danh là "vua giải thưởng" môn Toán. Vậy tình yêu với Toán học của bạn bắt đầu như thế nào?

Theo lời của bố mẹ thì khi còn bé, mình đã yêu thích các con số. Mình thường sẽ chọn và hứng thú các trò chơi liên quan đến số. Từ việc "vui đùa" với các con số, dần dần là phép tính, sau đó là mình đam mê hơn với việc giải bài Toán. Mình nghĩ là việc bản thân thích Toán diễn ra khá tự nhiên, sau này được bồi dưỡng thêm khi gặp các thầy cô giỏi, cũng như kết giao với bạn bè cùng chí hướng.

Đăng chụp ảnh lưu niệm trong quá trình dự thi IMO năm 2022

Toán học có ý nghĩa như thế nào với Đăng?

Với mình, Toán học đã trở thành một phần của cuộc sống. Ngày nào mình cũng thường học Toán 8-10 tiếng. Việc giải được một bài toán khó luôn cho mình một cảm giác vui sướng khó tả. Mình mong sau này sẽ được trở thành một nhà nghiên cứu Toán học chuyên nghiệp như người mà mình luôn ngưỡng mộ, là GS. Ngô Bảo Châu. Mình nghĩ được sống và làm việc theo đam mê sẽ khiến cho bản thân hạnh phúc.

Trên MXH có rất nhiều quan điểm cho rằng các bạn đạt giải thưởng Olympic quốc tế thường chỉ biết học, học và học mà chẳng biết gì khác. Bạn nghĩ sao về ý kiến này?

Nếu nói các bạn đạt giải Olympic là "mọt sách" thì mình nghĩ không đúng đâu, hơi oan cho chúng mình quá. Mình thì hơi "mọt sách" thật vì không giỏi thể thao. Chứ các bạn khác trong đội tuyển dự thi IMO năm nay không chỉ học giỏi mà còn đạt thành tích cao về hoạt động ngoại khoá.

Riêng mình, tuy không giỏi thể thao nhưng cũng khá thích chơi các trò vận động, tham gia hoạt động ngoại khóa. Nếu các hoạt động này diễn ra, mình thường không bỏ lỡ mà tham gia nhiệt tình. Thời gian tới mình cũng sẽ cố gắng rèn luyện thêm để cân bằng hơn giữa thời gian học tập, trau dồi kiến thức và nâng cao thể lực.

Tiết lộ thêm, trong đợt cùng nhau học đội tuyển dự thi IMO, bọn mình còn có thú vui khác là chơi bóng bàn hay cầu lồng nữa.

Từ cú shock trượt đội tuyển đến nam sinh Việt đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế sau gần 20 năm chờ đợi - Ảnh 8.

Ngô Quý Đăng: Nói các bạn đạt giải thưởng Olympic là "mọt sách" thì hơi quá nhé

Sau Huy chương Vàng thứ hai tại kỳ thi IMO, Đăng có những dự định nào khác có thể tiết lộ cho mọi người được biết không?

Dự định tương lai thì mình có nhiều lắm. Đầu tiên, mình đã đủ điều kiện xét tuyển thẳng vào một số trường Đại học. Và mình đã quyết định chọn trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên ngành Toán - Cơ - Tin.

Ước mơ của mình là trở thành nhà nghiên cứu Toán học. Ngôi trường này có rất nhiều giáo viên giáo sư, tiến sĩ Toán học thành danh với công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế. Mình tin nếu bản thân cố gắng thì sẽ học hỏi và tích lũy được thêm kiến thức từ các thầy cô. Đồng thời, mình sẽ nỗ lực tiếp cận được nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu ở nước ngoài theo các chương trình liên kết của trường với các Đại học danh tiếng trên thế giới.

Ngoài ra, mình cũng muốn cải thiện khả năng ngoại ngữ, góp một phần công sức chia sẻ đam mê với các em nhỏ yêu Toán học. Bên cạnh đó, mình dự định làm trợ giảng, hỗ trợ cho đội tuyển Toán các năm sau của trường cấp 3 cũ – Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên.

Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện thú vị này!

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chia sẻ