Từ clip ồn ào, ngẫm "văn hóa buffet" của người Việt

Kim Giang,
Chia sẻ

Nhìn cái cách mà những thực khách tham gia một bữa buffet tự chọn trong clip, nhiều người không khỏi sửng sốt, ngỡ ngàng nhưng cũng không quá ngạc nhiên.

Có lẽ đây không phải lần đầu, văn hóa dự tiệc buffet của người Việt lại đáng "báo động" đến vậy.
 
Nếu ngày xưa, đi ăn buffet được coi là xa xỉ, chỉ dành cho giới nhà giàu hoặc những dịp đặc biệt thì một vài năm trở lại đây, kiểu ăn này ngày càng trở nên phổ biến và được bình dân hóa. Chỉ cần từ 100 nghìn đồng trở lên (như trong clip trên) bạn đã có thể ăn một bữa buffet tưng bừng mà theo như quảng cáo của nhà hàng thì có tới vài chục món ăn, trong đó nhiều món hải sản đắt tiền như tôm, cua, hàu...

tu-clip-on-ao-ngam-van-hoa-buffet-cua-nguoi-viet

tu-clip-on-ao-ngam-van-hoa-buffet-cua-nguoi-viet
Những hình ảnh đáng buồn trong đoạn clip "tranh giành" món ăn mới xuất hiện trên mạng
 
Nhiều thực khách thấy với cái giá ăn buffet như thế quả là quá hời. Bao nhiêu món ăn ngon, chỉ tính riêng vài con tôm, mấy miếng thịt hàu cũng đã quá giá 100 nghìn. Thế nên không ít người mang tâm lý “chẳng tội gì mà không ăn”, mà muốn được ăn thì phải “nhanh tay, nhanh mắt, nhanh chân”.

Tuy nhiên, kể cả khi bỏ vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng để đi ăn buffet thì tâm lý phải ăn cố, ăn thật nhiều, không ăn hết nhưng vẫn cứ lấy đầy đồ ăn về bàn mình rồi... để đấy, "mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng" đang rất phổ biến đối với một số người. 

tu-clip-on-ao-ngam-van-hoa-buffet-cua-nguoi-viet
Chọn thật nhiều, ăn có hết?

Chị Hồng Hải (quận Ba Đình, Hà Nội) – một tín đồ của buffet chia sẻ: “Mình thích ăn tự chọn vì được tùy thích lựa món ăn, chẳng ai ép buộc mình. Thêm nữa, nhiều món mà ở nhà có khi cả năm trời mình không dám mua vì đắt hoặc không ai ăn cùng thì nay có cơ hội được ăn. Cuối cùng, là được tự phục vụ, không làm phiền phức tới ai. Nhưng giờ đi ăn buffet mình phải cân nhắc kỹ lắm, vì nó xô bồ quá.
 
Một lần mình tới nhà hàng buffet khá nổi ở trên Hồ Tây. Đồ ăn ở đó tương đối nhiều, lại bố trí khá xa chỗ ngồi để thực khách có thời gian đi lại, các món ăn cũng được sắp xếp khoa học. Ấy thế nhưng, với sự “chăm chỉ” của một số người, mình thấy họ vẫn gắp đủ các món từ mặn, ngọt, chè, cháo, đồ hải sản… Thấy người bên cạnh nhìn thì họ cười phân bua: Tôi lấy cho cả bàn. Nhưng cũng có người nói thẳng: Lấy nhanh kẻo một lúc nữa chẳng còn để ăn. Mình chỉ biết cười trừ”.
 
Anh Thành Trung – nhân viên truyền thông ở phố Tây Sơn (Hà Nội) kể về một lần được mời đi ăn buffet tại một khách sạn cao cấp trên đường Thanh Niên: “Hôm đó, tôi khá ấn tượng với một cô gái có dáng người dong dỏng, rất sành điệu nhưng lại có cách ăn tiệc buffet thật "quái đản".
 
Cô ấy gọi món thịt cừu, sườn cừu, khi đầu bếp cắt một miếng thịt nho nhỏ để vào đĩa, cô ấy có vẻ không bằng lòng đòi lấy thêm. Đầu bếp cắt thêm một miếng nữa, chắc không kìm nén được mà cô gái thốt lên: Sao anh cứ “són” từng miếng thịt bé tí thế, em bỏ cả triệu đồng vào đây ăn mà anh không cho em luôn cả tảng đi!”.

Anh Trung chia sẻ thêm, điều đáng buồn không phải sự tham ăn và lời nói thiếu lịch sự của cô gái trẻ kia, mà là sau đó, dù được đáp ứng bằng cả một tảng thịt cừu to đùng thì khi về tới bàn, miếng thịt đó vẫn... y nguyên như lúc được cắt. Cô gái chẳng thèm đụng đến một miếng. Một ví dụ điển hình cho tâm lý “lo bị thiệt” của một bộ phận người Việt.

Biện minh cho sự lãng phí đó, nick name Thanh Phương bình luận trên một trang mạng rằng: “Khi đi lấy đồ, mất công đi nên mình cố gắng lấy nhiều một chút, nhưng về tới bàn lại chẳng ăn hết. Mà từ xưa tới nay, kể cả ăn ở nhà cũng vậy, ăn mà sạch trơn thấy cứ kỳ kỳ thế nào nên kiểu gì cũng phải để thừa ra”.

Những suy nghĩ như vậy đã khiến ai đó có dịp dự tiệc buffet cùng người nước ngoài đôi lúc phải thấy xấu hổ vì cái cách khách nước ngoài nhìn các vị khách người Việt lấy quá nhiều thức ăn rồi bỏ mứa trên bàn. Họ bất ngờ và bức xúc, còn thực khách Việt Nam vẫn thản nhiên suy nghĩ đơn giản rằng "Mang về cho ai ăn thì ăn, mình không ăn đã có bạn bè, người thân "xử lý" hộ".

Chính vì những "con sâu làm rầu nồi canh" đó, hiện giờ ngay tại một số nhà hàng buffet trong nước cũng đã phải dùng “chiêu” tính tiền đồ ăn thừa để hạn chế sự lãng phí của thực khách đang ngày một tràn lan.

Buffet là tự chọn, hình thức ăn này ra đời với mục đích mang lại sự thoải mái nhất cho thực khách. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có quyền lãng phí, tham lam. “Ăn buffet là cả một nghệ thuật. Bạn phải có chiến thuật trong việc chọn món. Đừng bao giờ mở đầu bữa tiệc mà lại đi chọn cơm rang, đồ ngũ cốc, hay uống nhiều nước. Vì như thế bụng sẽ ngang nên khó có thể thưởng thức các món khác.
 
Trong bữa ăn nên nói chuyện nhiều và uống một chút rượu vang để có thể tiêu hóa bớt. Tiếp đó, bạn hãy chọn những món hải sản ở giữa bữa tiệc và đừng tham nếu không muốn bị dị ứng hay bị thừa chất. Cuối cùng là các món tráng miệng, hoa quả…”, anh Thành Long, chia sẻ kinh nghiệm khi ăn buffet hiệu quả, tiết kiệm.
Chia sẻ