Từ chiếc váy đỏ của con gái trong ngày nhận nuôi, bố mẹ ngỡ ngàng với nhân thân của con

Newben,
Chia sẻ

Điều khiến hai gia đình chú ý đến nhau trong ngày nhận con nuôi chính là chiếc váy đỏ giống hệt nhau đang mặc trên người hai cô bé. Hai chiếc váy đó được mua bởi hai gia đình đến từ 2 nơi khác nhau trên thế giới.

Những cặp sinh đôi luôn có một sự liên kết đặc biệt. Họ có thể hiểu nhau đến độ nói được cả điều người kia muốn nói, cùng sở thích, và dĩ nhiên là có vẻ ngoài giống nhau, thích mặc quần áo giống nhau. Và dù cho không sống cùng nhau, giữa họ vẫn có sự liên kết đặc biệt đó.

Mia và Alexandra là hai chị em sinh đôi người Hồ Nam, Trung Quốc. Vào năm 2003, hai chị em đã được hai gia đình nhận nuôi và từ khi đó, cả hai phải rời khỏi quê hương, vượt đại dương đến một đất nước khác sinh sống. Mia được mẹ Angela Hansen cùng bố Andy nhận nuôi và em cùng họ đến Sacramento, California, Mỹ sống. Còn Alexanra được bố mẹ Wenche và Sigmund Hauglum đưa đến Fresvik, Na Uy.

Hai cặp vợ chồng này đều biết rằng con gái nuôi của mình được tìm thấy trong những chiếc hộp giấy, không hề biết hai cô bé là chị em sinh đôi. Vào ngày Alexandra lẽ ra được nhận nuôi, Sigmund bị ốm và cặp đôi đến từ Na Uy này phải quay trở lại ngày hôm sau để hoàn tất thủ tục giấy tờ - cũng là ngày Mia được gia đình Hansen nhận nuôi.

Từ chiếc váy đỏ của con gái trong ngày nhận nuôi, bố mẹ ngỡ ngàng với nhân thân của con - Ảnh 1.

Angela Hansen và Andy. (Ảnh: BBC)

Điều khiến hai gia đình chú ý đến nhau trong ngày nhận con nuôi chính là chiếc váy đỏ giống hệt nhau đang mặc trên người hai cô bé. Hai chiếc váy đó được mua bởi hai gia đình đến từ 2 nơi khác nhau trên thế giới. Angela phát biểu với SheKnows: “Dường như đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi tin rằng đây là một sức mạnh đặc biệt mang đến sự kết nối cho hai chị em”.

Từ chiếc váy đỏ của con gái trong ngày nhận nuôi, bố mẹ ngỡ ngàng với nhân thân của con - Ảnh 2.

Hai bé mặc 2 chiếc váy đỏ giống nhau. (Ảnh: Internet)

Họ có hỏi chính quyền địa phương nhưng nhận được câu trả lời hai cô bé không phải sinh đôi. Dù vậy, Angela đưa thông tin của mình cho Wenche và phải đến 1 tháng sau, hai gia đình mới liên lạc lại với nhau. Đến lúc này đây, họ mới quyết định tiến hành kiểm tra DNA của hai con.

Khi Mia và Alexandra được 6 tháng tuổi, kết quả kiểm tra DNA cho thấy hai cô bé chính là chị em song sinh. Thế nhưng, cả hai gia đình chỉ giữ liên lạc và muốn đợi đến khi hai con lớn hơn, có thể ghi nhớ mới cho hai con gặp gỡ nhau.

Rời khỏi quê hương, hai chị em bắt đầu hai cuộc sống mới. Mia rất thích đá bóng, học đàn violin, thích những bữa tiệc công chúa. Trong khi đó, Alexandra thích động vật, thích những gì thuộc về thiên nhiên, hay khám phá những điều mới lạ. Cô bé từng giải cứu những con chuột bị thương, nuôi dưỡng nó trong nhà xe. Đến khi con chuột trốn đi, cô bé buồn bã rất lâu mãi cho đến khi nhận được một con chuột mới.

Khi Mia còn nhỏ, Angela tham gia một nhóm trực tuyến dành cho những người sinh đôi bị chia lìa. Qua nhóm này, chị gặp Nancy Segal - nhà tâm lý học, nhà nghiên cứu về các cặp song sinh - và đó là cơ hội để hai chị em trở thành một phần của bộ phim tài liệu của đài BBC do đạo diễn Mona Friis Bertheussen thực hiện.

Năm 2009, khi được 6 tuổi, hai chị em đã được tái ngộ tại California, Mỹ. Khi chạm mặt nhau bên ngoài ngôi nhà của gia đình Hansen, hai chị em đã nhìn chằm chằm vào nhau. Nhưng ngay sau đó, theo lời Andy, cả hai đã nắm tay và “cùng vào nhà, lên lầu, thay quần áo bơi và ở cùng nhau suốt thời gian còn lại, bơi lội, hát hò trong sân vườn nhà Hansen”.

Từ chiếc váy đỏ của con gái trong ngày nhận nuôi, bố mẹ ngỡ ngàng với nhân thân của con - Ảnh 3.

Hai chị em lần đầu gặp gỡ. (Ảnh: BBC)

Từ chiếc váy đỏ của con gái trong ngày nhận nuôi, bố mẹ ngỡ ngàng với nhân thân của con - Ảnh 4.

Cả hai nhanh chóng thân thiết. (Ảnh: BBC)

Sau lần gặp gỡ đó, hai chị em gặp nhau vài lần nữa. Mỗi tuần, cả hai sẽ trò chuyện qua FaceTime và mặc cho rào cản ngôn ngữ, hai chị em vẫn rất hiểu nhau và thân thiết với nhau.

Cả hai chị em có một mối liên kết đặc biệt, như một sợi dây vô hình rất khó giải thích. Theo lời đạo diễn Mona Friis Bertheussen - người quyết định thực hiện bộ phim Twin Sisters - chính sự kết nối đó đã giúp câu chuyện của hai chị em thêm phần đặc biệt. Chị nói: “Một trong những điều họ chưa bao giờ khiến tôi ngừng quan tâm là về chiếc váy đỏ của hai em khi bé”.

Angela phát biểu về chiếc váy: “Tôi nghĩ tôi và Wenche có một sự kết nối chứ không chỉ hai con thôi đâu”, còn Andy nói thêm vào: “Hai người mẹ giờ như hai chị em vậy”.

Angela nói thêm về sự giống nhau của hai con: “Tính cách các con rất giống nhau, cùng một sở thích, và cùng ghét thứ gì đó. Các con có rất nhiều cách diễn đạt giống nhau như tông giọng, cùng cách thể hiện mình. Sự kết nối của hai con không thể phủ nhận”.

Từ chiếc váy đỏ của con gái trong ngày nhận nuôi, bố mẹ ngỡ ngàng với nhân thân của con - Ảnh 5.

Cả hai chị em có một mối liên kết đặc biệt, như một sợi dây vô hình rất khó giải thích. (Ảnh: Internet)

Từ chiếc váy đỏ của con gái trong ngày nhận nuôi, bố mẹ ngỡ ngàng với nhân thân của con - Ảnh 6.

(Ảnh: Internet)

Từ chiếc váy đỏ của con gái trong ngày nhận nuôi, bố mẹ ngỡ ngàng với nhân thân của con - Ảnh 7.

Hai chị em và vị đạo diễn Mona. (Ảnh: Internet)

Sau khi bộ phim Twin Sisters kết thúc, tiếng Anh của Alexandra đã khá hơn và cả Mia cũng đã hiểu được những phần quan trọng của tiếng Na Uy.

Cả hai gia đình cùng cảm thấy may mắn khi có thể phát hiện ra chị em sinh đôi của con mình. Angela nói: “Chúng tôi đều cảm thấy may mắn khi tìm thấy nhau và giữ liên lạc được với nhau. Chúng tôi may mắn khi có thể giúp hai con biết về nhau một cách rõ ràng. Sự may mắn này sẽ tồn tại mãi mãi và đó không phải là điều mà đứa trẻ con nuôi nào cũng có thể nhận được”.

“Chúng tôi vẫn hay nói rằng có thể một ngày nào đó con sẽ đến Mỹ và hai con sẽ sống cùng nhau. Nhưng tôi nghĩ hai con vẫn sẽ có một sự liên kết đặc biệt, dù cho sống tại Na Uy hay Mỹ”, Wenche phát biểu.

(Nguồn: Tổng hợp)

Chia sẻ