Từ bỏ nền văn minh nhân loại, một gia đình người Nga chuyển đến sống giữa chốn rừng thiêng nước độc bậc nhất thế giới trong nhiều thập kỉ
Người ta cho rằng ở vùng đất hẻo lánh này gặp thú hoang còn dễ hơn là gặp được con người, thế mà có một gia đình 6 người đã sống ẩn dật suốt 40 năm cho đến khi các nhà thám hiểm địa chất tìm thấy.
Siberia được biết đến là một trong những khu vực dân cư thưa thớt nhất trên Trái đất. Lý do là vì khí hậu khắc nghiệt của khu vực này, mùa đông thường sẽ kéo dài và nhiệt độ trung bình có khi giảm xuống mức âm 25 độ C. Tuy nhiên, vùng đất này không phải là không có người sinh sống, điển hình là một gia đình người Nga mà sau này đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới vì đã từ bỏ nền văn minh để đến đây sống trong gần như cả thế kỉ 20.
Karp Lykov - người đàn ông đã đưa cả gia đình của mình đến sống tại Siberia để thoát khỏi nền văn minh
Năm 1936, ông Karp Lykovs đã quyết định từ bỏ cuộc sống tại ngôi làng thân thuộc để cùng vợ Akulina và hai đứa con Savin (9 tuổi), Natalia (2 tuổi) đi sâu vào rừng Taiga thuộc Siberia trốn chạy khỏi nền văn minh nhân loại.
Đem theo một ít tài sản và hạt giống, Lykovs và vợ con đã tiến sâu hơn và sâu hơn nữa vào khu rừng Taiga, Siberia, một khu rừng hẻo lánh bậc nhất thế giới. Trong nhiều năm trời, cả gia đình 4 người sống sót bằng khoai tây và nấm rừng. Sau đó, 2 đứa trẻ nữa đã được sinh ra giữa thiên nhiên, con trai Dmitry sinh năm 1940 và con gái Agafia sinh năm 1943. Cho đến cuối năm 1970, những đứa trẻ nhà Lykovs chưa một lần nào tiếp xúc với người lạ. Tất cả những gì mà Dmitry và Agafia biết về thế giới ngoài kia đều là qua lời kể chuyện của cha mẹ.
Gia đình Lykovs hoàn toàn không biết gì về thế giới sau năm 1936, ngay cả Chiến tranh thế giới thứ 2, hay sự kiện con người đã đặt chân lên Mặt trăng.
Sinh tồn giữa thiên nhiên và nhiều lần suýt chết đói
Tuy cách xa nền văn minh của nhân loại nhưng 4 đứa trẻ nhà Lykovs đều viết đọc biết viết. Cuốn sách duy nhất mà gia đình Lykovs có là sách Cầu nguyện và Kinh Thánh. Akulina - mẹ của bọn trẻ - là người đã dạy bọn trẻ đọc và viết từ hai cuốn sách cũ này. Và bút mực được làm từ những cành cây bạch dương nhúng vào nước cây kim ngân hoa.
Để tồn tại giữa nơi rừng thiêng nước độc này không phải là điều đơn giản. Họ phải dùng vỏ cây bạch dương để làm giày đi, quần áo sau nhiều lần vá chằng vá đụp đến nỗi rách nát không thể sử dụng được nữa đã được thay thế bằng vải gai dầu, vốn là hạt giống họ đã đem theo từ khi xưa. Ấm nước và nồi nấu ăn đã bị thời tiết làm cho hoen gỉ, hỏng hóc không thể dùng được nữa khiến việc ăn uống ngày càng trở nên khó khăn hơn. Lúc này, họ phải dựa vào những sản vật có sẵn trong rừng để sinh tồn, nhiều lần vì không kiếm được thức ăn mà họ phải gặm vỏ cây để qua ngày.
Dần dần, gia đình Lykovs cũng học được cách sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã. Những đứa trẻ lớn lên đã biết săn bắt, hái lượm. Không có cung tên hoặc súng, họ đào những hố bẫy và đuổi bắt con mồi. Từ đó mà bữa cơm của họ cũng có thêm miếng rau miếng thịt.
Dmitry, cậu con trai thứ 3 của gia đình Lykovs, do sinh ra ở trong rừng sâu nên đã sớm quen với thời tiết khắc nghiệt ở đây, cậu có thể chạy chân trần vào mùa đông và thậm chí ngủ bên ngoài khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Cậu cũng là người săn bắt chính trong gia đình.
Tuy nhiên, cuộc sống của họ lại trở nên khó khăn và bi kịch hơn vào năm 1961, khi tháng Sáu rồi mà tuyết vẫn không ngừng rơi. Băng giá giết chết mọi loại cây trồng trong vườn, đồng thời cũng không thể săn bắt được thú rừng nên gia đình Lykovs phải ăn vỏ cây bạch dương để cầm cự qua ngày. Năm đó bà Akulina vì nhường hết phần ăn của mình cho những đứa con nên đã qua đời.
Năm 1978, gia đình Lykovs được 4 nhà địa chất phát hiện ra
Năm 1978, bốn nhà địa chất của Liên Xô cũ đang đi tìm quặng sắt ở khu vực quận Abakan, Siberia thì phát hiện thấy ở tận sâu trong rừng có dấu vết của con người. Từ trên trực thăng, họ phát hiện ra một mảnh vườn nhỏ, mà mảnh vườn này cách thị trấn ít nhất phải 250km. Các nhà thám hiểm địa chất đã vô cùng hoang mang vì họ cho rằng ở vùng đất này gặp thú hoang còn dễ hơn là gặp được con người.
Hạ cánh xuống khu vườn, các nhà địa chất đã phát hiện ra một hàng cọc gỗ, một cây cầu bắc qua suối và một túp lều lụp xụp. Và khi tiến gần đến túp lều lụp xụp kia thì họ phát hiện ra một gia đình với 1 ông bố và 4 đứa con đang sinh sống. Những "người rừng" này ban đầu tỏ ra khá hoảng hốt và sợ sệt nhưng sau đó cũng quen dần với sự có mặt của người lạ. Các nhà địa chất đã tặng quà cho gia đình ông Karp, nhưng ông Karp nhất định không nhận gì ngoại trừ muối, thứ mà ông đã không được nếm trong hơn 40 năm qua.
Người cuối cùng còn sống sót lại của gia đình
Ngay sau chuyến viếng thăm của các nhà địa chất, vào mùa thu năm 1981, ba trong số bốn đứa con của ông Karp đã qua đời. Các bác sĩ cho rằng Natalia và Savin đã chết vì suy thận mà nguyên nhân là từ chế độ dinh dưỡng kém, còn Dmitry được phỏng đoán là đã mắc phải bệnh viêm phổi lây nhiễm từ những người bạn mới. Lúc này gia đình Lykovs chỉ còn ông Karp và cô con gái Agafia.
Sau này, các nhà địa chất đã trở thành bạn bè của gia đình Lykovs. Họ đã nhiều lần cố gắng thuyết phục hai cha con ông Karp chuyển về sống tại ngôi làng cũ, nhưng họ nhất định từ chối. Tháng 2 năm 1988 ông Karp qua đời trong giấc ngủ, để lại người con duy nhất còn sống là bà Agafia.
Bà Agafia hiện nay đã 75 tuổi, sống cùng một đàn mèo, một con chó trong túp lều giữa những ngọn núi trùng điệp của Taiga, Siberia và vẫn không hề có ý định sẽ di chuyển đến một nơi nào khác. Với bà, khu rừng Taiga mới chính là nhà.
(Theo BP)