Từ 25/8, không phân loại rác sinh hoạt sẽ bị phạt tiền?
Thông tin từ 25/8/2022, người dân không thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng khiến dư luận xôn xao.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế cho nghị định 55 năm 2021), trong đó quy định phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 khiến nhiều người hiểu từ ngày này, người dân không phân loại rác tại nguồn sẽ bị xử phạt, gây xôn xao dư luận.
Vậy thực hư việc thực hiện quy định này như thế nào?
Không phân loại rác sinh hoạt bị phạt đến 1 triệu đồng?
Nghị định 45/2022/NĐ-CP về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2022 có quy định như sau:
Điều 26. Vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường.
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Như vậy, theo quy định này, có vẻ như sau 25/8/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt đến 01 triệu đồng.
Mặc dù Nghị định 45 quy định rõ mức phạt và thời hạn có hiệu lực của hành vi không phân loại rác thải sinh hoạt nhưng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lại quy định phân loại rác từ hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương thực hiện chậm nhất đến ngày 31/12/2024.
Giải thích rõ hơn về vấn đề này, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết trên báo Tuổi trẻ, ngày 25/8, nghị định 45 có hiệu lực chứ chưa phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt với hành vi phân loại rác tại nguồn.
Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn thực hiện theo quy định trong Luật bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan. Theo đó, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương trên cả nước phải thực hiện phân loại tại nguồn.
Sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ dựa vào đặc thù từng địa phương xây dựng quy trình. Chẳng hạn, việc phân loại rác và chi phí thu gom ở khu đô thị khác với ngoại thành, vùng nông thôn…
Đồng thời, các tỉnh cũng có trách nhiệm vận động, tuyên truyền để người dân nắm vững phân loại rác. Thời điểm phân loại rác tại nguồn cụ thể tại từng tỉnh/thành phố sẽ do UBND tỉnh quyết định.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo hướng dẫn về phân loại chất thải tại nguồn, chuẩn bị lấy ý kiến các địa phương. Sau khi Bộ ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải, các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế như hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để quy định chi tiết việc này. Khi các địa phương ban hành quyết định thời điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn thì chế tài với hành vi không phân loại rác tại nguồn sẽ áp dụng.
Như vậy, từ 25/8/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác vẫn chưa bị phạt.
Cần tuyên truyền sâu rộng sau đó mới tiến hành xử phạt
Rác thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không xài được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện.
Thế nhưng, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc phân loại càng khó khăn hơn, gây quá tải cho các bãi rác và nghiêm trọng hơn sẽ ảnh hưởng đến môi trường như ô nhiễm nguồn nước, không khí...
Ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại rác thải. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác – bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/ thùng rác mà không cần biết trong số rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại rác có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người.
Vì vậy, công tác phân loại rác thải tại nguồn là việc làm hết sức cần thiết, nó sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và chúng ta có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.
Do vậy, chúng ta nên thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý rác thải được dễ dàng hơn. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là vấn đề cần thiết và thiết thực nhất để góp phần bảo vệ môi trường.
Có thể thấy rất rõ, ý thức của con người là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định và vai trò của giáo dục trong thay đổi nhận thức, hành vi phân loại rác.
Hướng dẫn cách phân loại rác tại nguồn đúng quy định để không bị phạt
Căn cứ Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt như sau:
- Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:
+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế;
+ Chất thải thực phẩm;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác.
- Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này vào các bao bì để chuyển giao như sau:
- Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
- Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
- Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện quản lý như sau:
+ Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
+ Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Chất thải thực phẩm không thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
+ Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
- Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 3 Điều này.
- Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra, mỗi địa phương sẽ cũng có những quy định khác nhau về phân loại rác thải.
Tại TP.HCM, người dân có thể tham khảo hướng dẫn phân loại rác thải tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định 09/2021/QĐ-UBND Sửa đổi, bổ sung Điều 5 Quyết định 12/2019/QĐ-UBND như sau:
- Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt (viết tắt là CTRSH) thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý, thành 02 nhóm như sau:
+ Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.
+ Nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
- Tùy điều kiện kinh tế - xã hội, công nghệ xử lý CTRSH của Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức (viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) triển khai thực hiện.
- CTRSH tại nguồn sau phân loại phải được lưu chứa trong bao bì (túi) hoặc thiết bị lưu giữ (thùng) riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật.
- Bao bì (túi), thiết bị lưu giữ (thùng) CTRSH sau phân loại phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Bảo đảm lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu giữ.
+ Bao bì (túi) phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ (thùng) phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng.
- Việc tổ chức thực hiện phân loại CTRSH phải tuân thủ hướng dẫn chi tiết của cơ quan quản lý nhà nước.
- Hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy để chứa CTRSH sau phân loại, khuyến khích sử dụng túi ni lông dễ phân hủy, bao bì thân thiện môi trường để thay thế các túi ni lông khó phân hủy.
Tại sao phải phân loại rác ngay tại nhà?
Thực tế, tại hầu hết tất cả các địa phương trên cả nước, việc triển khai phân loại rác tại nguồn trong quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn. Trong đó vấn đề thói quen, ý thức của người dân vẫn là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất. Người dân cũng biết được là phải thực hiện phân loại rác, nhưng "thói quen" và "ý thức" của người dân vẫn chưa sâu sát nên phải cần thời gian để họ thay đổi.
Tuy đây là một công việc không quá to lớn, nhưng nếu mỗi người đều tự giác phân loại rác thải tại nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích đến với môi trường sống, cụ thể như:
- Phân loại rác thải còn giúp giảm đi một lượng rác thải ra môi trường một cách đáng kể, tiết kiệm thêm nhiều khoản chi phí khác như thu gom, vận chuyển và xử lý.
- Phân loại rác tại nhà còn góp phần giảm đi sự ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng, sử dụng và bảo vệ hợp lý nguồn tài nguyên của chúng ta.
- Xây dựng ý thức phân loại rác thải và để rác đúng nơi quy định của mỗi người sẽ giúp giảm những chất thải rắn từ rác, mang lại nguồn kinh tế lớn từ các chất thải có khả năng tái chế và sử dụng lại.
- Khi phân loại rác thải là bạn đã góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên, tiết kiệm thời gian xử lý rác thải, mang lại nhiều lợi ích từ việc tận dụng nguồn chất thải đó vào công cuộc tái chế thành các sản phẩm khác có ích trong cuộc sống hằng ngày như phục vụ cho công cuộc nuôi trồng, sinh hoạt hằng ngày và còn cực kì thân thiện với môi trường.