Truyện cổ tích trong đời thực: Xứ sở của những người tí hon ngự trị tại Trung Quốc

GYA RADOS SPIDERUM,
Chia sẻ

Huang Xuejing đã rời khỏi vương quốc của mình, nơi mà cách đây sáu năm anh gọi là nhà. Chiều cao 130cm là tấm vé thông hành giúp Huang bước vào vương quốc tí hon vào năm 2009.

Ngoại hình của Huang không may mắn như những người khác, anh bị gai cột sống khi mới tám tuổi. Sau khi bác sĩ báo tin rằng, một ca phẫu thuật sẽ giúp anh phát triển thể chất bình thường như bao đứa trẻ khác, gia đình anh cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng bi kịch nối tiếp bi kịch, cuộc phẫu thuật có thể khiến anh bại liệt. Vì lẽ đó, gia đình anh đã quyết định từ chối ca phẫu thuật ấy.

Truyện cổ tích trong đời thực: Xứ sở của những người tí hon ngự trị tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Sau khi học thiết kế đồ hoạ tại trường dành cho người khuyết tật ở Trung Quốc, Huang đã tin rằng, khả năng của mình sẽ có ích trong xứ sở tí hon, một công viên giải trí với số lượng khoảng một trăm người có tầm vóc thấp bé, trong đó có những người lùn như anh. Họ sống và đàn hát cho du khách tham quan mỗi ngày.

Tiêu chuẩn của những công nhân tí hon nơi đây là chiều cao tối đa 130cm, nghĩa là Huang vừa đủ tiêu chuẩn. Anh cảm thấy rằng mình nên làm việc phía sau cánh gà như một người quản lí. Nhưng cuộc sống không như những gì anh từng tưởng tượng.

Khám phá xứ sở tí hon

Cách một giờ lái xe về phía đông thành phố Côn Minh ở phía tây nam Trung Quốc, công viên giải trí từng dấy lên những tranh cãi về vấn đề điều trị cho người khuyết tật ở Trung Quốc. Tổ chức hỗ trợ cho những người mắc chứng lùn tranh luận rằng những du khách đến “tham quan” người lùn ở đây chẳng khác gì họ đang đi sở thú cả. Điều đó sẽ khiến những người tí hon nơi đây cảm thấy bị thua thiệt và có thể gây ra trầm cảm.

Truyện cổ tích trong đời thực: Xứ sở của những người tí hon ngự trị tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Tiêu chuẩn của những công nhân tí hon nơi đây là chiều cao tối đa 130cm.

Tuy nhiên, giám đốc khu công viên giải trí, ông trùm bất động sản Chen Mingjing, xem vương quốc như một điểm thu hút du lịch. Sau bảy năm mở cửa, ước tính có khoảng 15 khách mỗi ngày, và hầu hết là người Trung Quốc.

Truyện cổ tích trong đời thực: Xứ sở của những người tí hon ngự trị tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Vé tham quan có giá khoảng 350 nghìn đồng/vé.

Vé tham quan có giá khoảng 350 nghìn đồng/vé. Tại đây du khách sẽ ngồi trước sân khấu để xem buổi biểu diễn vào buổi sáng. Có 30 người nhảy múa và khiêu vũ trong bộ váy màu hồng và đỏ; trong lúc đó, nhân vật “đức vua” sẽ mặc áo choàng và đeo vương miện ung dung rảo bước xung quanh. Sau đó, một nhóm nhảy nữ sẽ trình diễn theo phong cách Bollywood.

Cuộc sống thường nhật trong xứ sở

Huang đã làm việc trong “vương quốc” này sau khi ông chủ Chen thật sự ấn tượng với khả năng của anh. “Ông ấy rất sâu sắc và chân thành. Ước mơ của ông ấy là muốn biến nơi đây thành một vương quốc cổ tích lớn nhất thế giới.” Sở dĩ ông chủ Chen chọn Huang là vì anh cũng mang vóc dáng nhỏ con, thấp bé như những người ở đây. Nhờ vậy, Huang sẽ hiểu và cảm thông cùng họ. Và chính Huang sẽ mang một cuộc sống ý nghĩa hơn cho những người kém may mắn như anh vậy.

Những “thần dân” trong xứ sở tí hon sống cùng nhau trong kí túc xá, nơi cách sân khấu biểu diễn khoảng vài bước chân. Nhiều người đến đó làm việc ngay sau khi ra trường, vì các nhà quản lí thường xuyên đăng tuyển việc làm trong các trường học cho người khuyết tật ở Côn Minh.

Truyện cổ tích trong đời thực: Xứ sở của những người tí hon ngự trị tại Trung Quốc - Ảnh 4.

Những "thần dân" trong xứ sở tí hon sống cùng nhau trong kí túc xá, nơi cách sân khấu biểu diễn khoảng vài bước chân.

Họ sẽ ngủ giường tầng trong phòng ở tập thể, nơi chất đầy quần áo, thú nhồi bông và sạc điện thoại. Sân thượng được dùng làm khu vực ăn uống, nơi những nhân viên chuẩn bị và cùng nhau thưởng thức những bữa ăn đạm bạc của mình. Quả thật chẳng có gì ngoài sự mộc mạc, nhưng đối với họ, đây là một nơi đáng sống.

Truyện cổ tích trong đời thực: Xứ sở của những người tí hon ngự trị tại Trung Quốc - Ảnh 5.

Đối với họ, đây là một nơi đáng sống.

Tuy vậy sau hơn ba năm, do cảm thấy cuộc sống nơi đây thật tù túng và bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài, Huang đã quyết định rời khỏi vương quốc và trở thành nghệ sĩ tự do ở Côn Minh. Huang chia sẻ rằng anh rất thích những trải nghiệm ở nơi này, nhưng có vẻ các chương trình biểu diễn của đồng nghiệp đang dần mất đi những giá trị thật sự. “Dù cho đây vẫn là một nơi không quá tệ để anh cùng những người cùng cảnh ngộ khác được làm việc, được định hướng nghề nghiệp tương lai, và cùng nhau san sẻ, cảm thông những khó khăn trong cuộc sống”, anh bồi hồi.

Những “thần dân” nơi đây luôn tay trong tay, mạnh mẽ cùng nhau bước qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng có lẽ Huang là một người tham vọng hơn, anh muốn cuộc sống của anh hơn thế nữa. Cuộc sống bây giờ của anh cũng đã ổn định hơn trước rất nhiều, anh có thể kiếm được khoảng 17 đến 70 triệu đồng một tháng). Anh không muốn công khai mức lương trong xứ sở tí hon, nhưng mức lương hiện tại tốt hơn rất nhiều.

Cuộc trốn chạy khỏi xã hội

Ở Trung Quốc, đặc biệt ở vùng nông thôn, họ vẫn có thái độ khinh khi và miệt thị những người khuyết tật. Họ cho rằng những người như vậy chẳng làm được trò trống gì, chỉ biết làm khổ gia đình. Nhiều “thần dân” cảm thấy sợi dây liên kết giữa họ và thế giới bên ngoài dường như bị cắt đứt. “Họ xem chúng tôi như những con quái vật. Đôi khi bước ra đường, tôi cảm thấy rất ngượng và khó chịu khi tất cả các ánh nhìn cứ lia vào người tôi.” Đó là giọng nói buồn rầu, ngậm ngùi của nữ ca sĩ Li Jia, cô đã sống ở đây sáu năm trời và không hề có ý định dọn đi.

Truyện cổ tích trong đời thực: Xứ sở của những người tí hon ngự trị tại Trung Quốc - Ảnh 6.

Ở Trung Quốc, đặc biệt ở vùng nông thôn, họ vẫn có thái độ khinh khi và miệt thị những người khuyết tật.

Dần dần, họ cảm thấy tách biệt với thế giới ngoài kia. Ở vương quốc, họ như một đại gia đình, cùng nhau san sẻ từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ trong cuộc sống. Họ vô ưu vô lo, cứ biểu diễn cho du khách, về kí túc xá, nghỉ ngơi và tiếp tục những chuỗi ngày như thế. Thế giới bên ngoài không cho họ điều đó, vì ở nơi đó toàn là những lời lẽ cay độc, khinh khi sẵn sàng chĩa thẳng vào họ bất cứ lúc nào. Họ sẽ phải làm gì nếu phải hứng chịu những câu nói như thế? Chẳng phải một cuộc trốn chạy khỏi xã hội bên ngoài là điều tốt nhất họ có thể làm hay sao?

Họ xem vương quốc là một thế giới cổ tích hoàn hảo. Ở đó, họ trao yêu thương và nhận yêu thương. “Nhiều người tìm thấy một nửa kia của đời mình và kết hôn cùng nhau. Ở đây chúng tôi có hai cặp đôi đã cưới nhau, họ có hai đứa con rồi đấy. Tôi cũng gặp bạn gái ở đây.” Li Juan, một vũ công 24 tuổi, hạnh phúc chia sẻ.

Cơ hội nào cho họ?

Luật pháp Trung Quốc yêu cầu các nhà tuyển dụng nhà nước và tư nhân đều phải dành 1.5% cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên theo ông Cindy Zhang, luật sư của công ty Luật Conshine Thượng Hải, các công ty thường sẽ chấp nhận bị phạt tiền hơn là thực hiện đủ chỉ tiêu này.

Thông thường, đem một vụ việc liên quan đến tình trạng bất công trong môi trường công sở đối với những người khuyết tật là một điều rất khó khăn. Thậm chí nếu như thắng kiện, mức bồi thường cũng chẳng mấy cao. Bởi lẽ đó, các luật sư thường khuyên họ nên từ bỏ, bằng không lại mang thiệt về thân.

“Rất nhiều công xưởng không muốn nhận chúng tôi vì chúng tôi không thể làm những công việc mà người ‘bình thường’ có thể làm”, Li Jia cho hay. Thêm vào đó, công việc tại công viên giải trí không cần trình độ văn hoá cao, “Chúng tôi không thể nào làm việc trong môi trường công sở, vì trình độ học vấn của chúng tôi rất thấp.”

Hay như Li Bao Xing, một nhân viên 46 tuổi làm công việc dọn dẹp trong xứ sở tí hon, ngậm ngùi chia sẻ rằng anh đã từng làm trong một nhà hàng mỳ với những “người lớn”. Họ chẳng yên tâm để anh làm việc vì họ cứ nơm nớp sợ anh sẽ phá hỏng tất cả mọi thứ.

Họ cần được đối xử công bằng như những người bình thường khác. Họ có đủ tài năng và sức khoẻ để làm những công việc như mọi người có thể làm. Một khiếm khuyết trên cơ thể không thể nào đánh giá năng lực của một người.

Chia sẻ