Trường học duy nhất ở Việt Nam được công nhận là "di tích quốc gia đặc biệt", nhìn thành tích học tập mà nể phục!
Đây là một trong 3 trường THPT lâu đời nhất tại Việt Nam.
Năm 2011, trường THPT chuyên Quốc học Huế, hay còn gọi là trường Quốc học Huế được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Ngôi trường nằm trong hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế.
Theo thông tin từ bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch, trường Quốc học Huế là ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, là một trong những trường trung học phổ thông tốp đầu cả nước về quy mô đào tạo và cả về không gian kiến trúc. Trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tình nghĩa thầy trò vẫn được giữ gìn và phát huy cao độ.
Nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành từ nơi này tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc, nhiều người đã trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước, danh nhân trên nhiều lĩnh vực, trong đó có người học trò ưu tú Nguyễn Tất Thành, sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn lớn của nhân dân lao động trên thế giới.
Ngôi trường cổ kính, có lịch sử hơn 1 thế kỷ
Trường Quốc học Huế được thành lập năm 1896 và là một trong 3 trường THPT lâu đời nhất tại Việt Nam. Ban đầu trường được xây dựng theo kiểu cũ, nhà tranh vách đất. Sau này khi tu sửa, nâng cấp, người ta chọn lối kiến trúc đương thời của Pháp vào đầu thế kỷ 20. Những dãy nhà tranh được phá bỏ thay thế vào đó là hai dãy nhà lầu xây gạch, lợp ngói kiên cố theo kiểu Tây Âu.
Chính vì thế mà giờ đây ngôi trường có nét cổ kính mang hơi hướng châu Âu rất đặc trưng ở xứ Huế. Nhìn từ bên ngoài, Quốc học Huế nổi bần bật vì cổng trường được xây bằng gạch màu đỏ sậm.
Bên trong trường, nhiều dãy phòng học vẫn mang đậm kiến trúc đặc trưng Pháp với màu sắc, các hoa văn, họa tiết trang trí, cửa chính cũng như những ô cửa phụ. Những cầu thang bằng gỗ kết hợp với bê tông dẫn lên các dãy nhà vẫn còn nguyên hiện trạng, tạo nên nét riêng biệt cho ngôi trường.
Giữa sân trường được đặt bức tượng Nguyễn Tất Thành bằng thạch cao và ngày nay đã được phủ đồng để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù là trường cổ nhưng trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường luôn được nâng cấp để phục vụ nhu cầu học tập, hoạt động của học sinh. Hiện tại trường có khu thi đấu thể thao đa năng, hồ bơi,... dành cho học sinh.
Bên cạnh đó, những dãy nhà mới cũng được xây dựng thêm. Dù vậy những cái mới không hề làm ảnh hưởng đến cái cũ mà kết hợp hài hoà. Nhìn tổng thể, trường Quốc học Huế vẫn đẹp như một bức tranh, cổ kính và mang một nét trầm buồn, sâu lắng riêng của Huế.
Cũng vì vậy mà trường không chỉ là nơi học tập mà còn là địa điểm tham quan. Nhiều du khách khi đến Huế đều dành thời gian ghé thăm trường để được 1 lần đắm chìm trong không gian lịch sử hơn 120 năm.
Chất lượng giảng dạy thuộc tốp đầu cả nước
Như đã nói ở trên, Quốc học Huế chính là nơi mà rất nhiều nhân vật nổi tiếng của Việt Nam trong các lĩnh vực từ chính trị, y học, văn học, âm nhạc, hội hoạ, giáo dục,... đã theo học. Năm 1908, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng theo học tại đây và được xem là một trong 10 học sinh giỏi nhất của trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại trường Quốc học (niên khoá 1908-1909).
Trải qua 128 năm, chất lượng giảng dạy của trường Quốc học Huế không ngừng được nâng cao và luôn lọt tốp đầu cả nước. Những năm qua, học sinh của trường đoạt giải cao trong nhiều kỳ thi Toán, Sinh học, Tin học trong nước và quốc tế.
Đặc biệt tại sân chơi Đường lên đỉnh Olympia, học sinh của trường ghi ấn tượng mạnh và luôn khiến học sinh các tỉnh khác phải e dè mỗi khi đối đầu. Đến nay, học sinh của trường đạt 2 giải Nhất chung kết năm (Hồ Ngọc Hân, Hồ Đắc Thanh Chương); 2 giải Nhì chung kết năm (Nguyễn Nguyễn Thái Bảo, Thái Ngọc Huy), một giải ba chung kết năm (Nguyễn Mạnh Tấn). Ngoài ra học sinh Quốc học Huế còn đạt nhiều giải nhất, nhì tuần, tháng, quý.
Được biết, Quốc học Huế là trường có số lượng thí sinh vô địch chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia nhiều nhất, cũng như có nhiều thí sinh lọt vào chung kết nhất.