Trường dạy cách ‘sống ảo’ để kiếm tiền ở Trung Quốc

Tien,
Chia sẻ

Một nữ sinh 21 tuổi đi quanh khuôn viên trường, vận dụng kỹ năng vừa học và thổi một nụ hôn vào điện thoại để có bức ảnh như ý.

Jiang Mengna đang theo học "nghệ thuật làm mẫu và quy tắc" tại trường Công nghiệp và Thương mại Nghĩa Ô gần Thượng Hải, với tham vọng gia nhập hàng ngũ thanh thiếu niên Trung Quốc kiếm tiền nhờ vào sự nổi tiếng trên Internet.

Trường dạy cách ‘sống ảo’ để kiếm tiền ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Kỹ năng "tự sướng" mà Jiang Mengna được trang bị bao gồm giơ thiết bị lên cao, thả lỏng tâm trí và có thể thổi một nụ hôn vào điện thoại để tạo vẻ đáng yêu. Ảnh: AFP

700 triệu người Trung Quốc đang sử dụng điện thoại thông minh, do đó mạng xã hội cũng là nơi sinh lợi của các nhãn hàng, doanh nghiệp hiện nay, theo Capital News ngày 19/6.

Những người nổi tiếng trên mạng được gọi là wanghong, đại diện cho ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đôla. Tại trường Công nghiệp và Thương mại Nghĩa Ô, Jiang và 33 sinh viên trong lớp (chủ yếu là nữ) học cách trở thành wanghong. Lớp học của họ thường là phòng khiêu vũ, sàn catwalk được đánh đèn flash và phòng trang điểm.

Các kỹ năng họ được học bao gồm ăn mặc thời thượng, trang điểm, trình diễn trước ống kính và nhận biết những thương hiệu cao cấp. "Tôi thích ăn mặc đẹp và chụp ảnh. Tôi cảm thấy chuyên ngành này thực sự phù hợp với mình", Jiang nói. Cô cũng dành 30 phút trong giờ ăn trưa để mơ màng nghĩ về ngày hôm đó và chia sẻ với "khán giả" qua Internet.

"Thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, do đó nhu cầu theo học ngành này cũng tăng lên",giáo viên dạy nhảy Hou Xiaonan cho biết.

Trường dạy cách ‘sống ảo’ để kiếm tiền ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Wang Xin từ bỏ việc học kế toán để theo đuổi ước mơ. Ảnh: AFP

Wang Xin, 20 tuổi, chuyển từ chuyên ngành kế toán sang học cách trở thành wanghong. Cô chia sẻ luôn mơ ước được đứng trên sân khấu với ánh sáng bao quanh mình và được đám đông nhìn ngắm.

Các sinh viên này đang cố gắng theo bước Wang Houhou, một người nghiện mua sắm và bạn cô là Wang Ruhan. Năm ngoái, khi bắt đầu đăng những lời khuyên mua sắm trên mạng xã hội, họ không hề biết sở thích đó sẽ giúp họ hái ra tiền. Đôi bạn đến từ Thượng Hải thu hút hàng trăm nghìn người xem video, các nhà bán lẻ liên tục nhấn theo dõi, đua nhau mời họ dùng sản phẩm và phản hồi.

"Tôi chỉ tìm một thứ gì đó thú vị mà mình muốn mặc, chụp ảnh đăng lên blog, và rồi mọi người thực sự đi mua thứ đó", Wang Houhou vẫn còn cảm thấy khó tin. Cũng giống như nhiều wanghong khác, họ đã tận dụng sự nổi tiếng trên mạng để tung ra mặt hàng thời trang riêng vào đầu tháng này.

Analysys International ước tính ngành công nghiệp wanghong của Trung Quốc trị giá 53 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ đôla) vào năm ngoái và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2018.

"Một người vô danh có thể bất ngờ trở nên nổi tiếng và những người bình thường hoàn toàn có thể là một ngôi sao", tác giả cuốn The Wanghong Economy - Yuan Guobao cho biết.

Trường dạy cách ‘sống ảo’ để kiếm tiền ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Wang Xin từ bỏ việc học kế toán để theo đuổi ước mơ. Ảnh: AFP

Jiang Yilei (30 tuổi), biệt danh "Papi Jiang", cựu sinh viên của học viện điện ảnh hàng đầu ở Trung Quốc, đã sản xuất video hài về ảnh hưởng của cuộc sống thành thị đến các mối quan hệ, tốn rất ít chi phí nhưng lại giúp cô nổi tiếng trên mạng với 23 triệu người theo dõi. Cô được mời quảng cáo sản phẩm cho hãng giày nổi tiếng và hãng đồng hồ cao cấp.

Zhang Yi, trưởng bộ phận Internet trên di động của iiMedia Research Group ước tính các wanghong mang lại 20% đơn hàng trực tuyến. "Đó là một nghề đang bùng nổ. Wanghong có lượng người theo dõi riêng, những người sẵn sàng trở thành khách hàng cho thương hiệu mà họ gợi ý", người này nhận xét.

Nhiều công ty mới thành lập với mục đích trở thành lò tìm kiếm và đào tạo wanghong, trong đó có Ruhan Holdings - công ty thu hút khoản đầu tư 300 triệu nhân dân tệ từ đơn vị thương mại điện tử hàng đầu Alibaba vào năm ngoái.

Chia sẻ