Trường đại học khó 'trở mình'
Bài toán ngân sách đầu tư và chất lượng đào tạo là mâu thuẫn mà các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải.
Chia sẻ tại Toạ đàm “Giáo dục đại học: Thách thức và cơ hội” do báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, số liệu chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục ĐH gần 17.000 tỷ đồng, chiếm 0,27% GDP, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỷ đồng, đạt 0,18% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, bất cập của giáo dục ĐH nằm ở khâu đầu tư. Khi các trường ĐH triển khai tự chủ, Nhà nước rút dần đầu tư ngân sách. Bà Hoa cho rằng, cần xem lại cách tiếp cận này vì ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục ĐH vốn rất thấp nên các trường phải tự chủ để thu hút thêm các nguồn lực từ xã hội.
GS.TSKH Đặng Ứng Vận nêu quan điểm, nên đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đúng nghĩa, tức là huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục, gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực và đặc biệt là nên có cơ chế để doanh nghiệp có thể đầu tư vào các trường công.
Nhiều ý kiến từ các trường đại học tham gia tọa đàm đều bày tỏ mong muốn Nhà nước tiếp tục tạo nguồn lực cho giáo dục đại học từ ngân sách, những định hướng để có được lộ trình giúp các trường công lập không thay đổi quá đột ngột có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn bộ hệ thống giáo dục.
Theo bà Hoa, có một số điểm bất cập trong hành lang pháp lý. Đó là dù đã có luật chuyên ngành, nhưng các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ĐH còn bị chi phối bởi các luật chuyên ngành khác, như Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… và vẫn còn nhiều quy định vướng mắc.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết thêm, trong năm 2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có chuyên đề khảo sát việc triển khai thực hiện tự chủ cũng như kiểm định chất lượng trong các trường ĐH. Trong nhiệm kỳ Khóa XV, Chính phủ và Quốc hội đang đặt ra vấn đề rà soát Luật Giáo dục ĐH, nghiên cứu những vướng mắc và nếu cần sẽ sửa luật ở điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, quá trình rà soát Luật Giáo dục ĐH sẽ phải cân nhắc xem những vướng mắc nào do quy định của luật; vướng mắc nào từ quy định của luật khác.