Trước "Sinh nhật chết chóc", còn có nhiều chiếc mặt nạ sát nhân khiến khán giả ám ảnh khôn nguôi
Hãy cùng tìm hiểu đâu là những chiếc mặt nạ đáng sợ nhất trên màn ảnh rộng, chỉ nhìn qua thôi cũng đủ khiến khán giả "khóc thét".
Sát nhân với chiếc mặt nạ từ lâu là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với giới mộ điệu của bộ môn nghệ thuật thứ 7. Ẩn sau lớp mặt nạ ngụy trang kỳ dị, những kẻ gian sẽ có thể thỏa sức gây án, từ đó tạo ra sự hồi hộp và nỗi lo sợ dai dẳng cho tất cả các nhân vật trong phim và cả những khán giả trong khán phòng, bởi bất cứ lúc nào chúng cũng có thể quay trở lại và tấn công một cách nhanh gọn mà không để lại dấu vết. Hãy cùng tìm hiểu đâu là những chiếc mặt nạ đáng sợ nhất trên màn ảnh rộng, chỉ nhìn qua thôi cũng đủ khiến khán giả "khóc thét".
1. Mặt nạ em bé trong loạt phim Sinh Nhật Chết Chóc
Loạt phim Sinh Nhật Chết Chóc (tựa gốc: Happy Death Day) xoay quanh câu chuyện về cô nàng Theresa "Tree" Gelbman (Jessica Rothe thủ vai) bị mắc kẹt trong vòng lặp thời gian là ngày sinh nhật của mình với tên sát nhân đeo chiếc mặt nạ trẻ sơ sinh (Babyface). Chiếc mặt nạ thực sự gây ám ảnh với khán giả bởi đôi mắt lớn cùng nụ cười kỳ quái với đúng một chiếc răng sữa. Tên sát nhân đeo mặt nạ đã bám theo Tree, đâm chém, bẻ cổ và làm đủ trò tệ hại với cô nàng. Kết thúc phần đầu tiên, cô bạn cùng phòng xấu tính Lori của Tree đã được lộ diện chính là sát nhân (Babyface).
Thế nhưng, vào dịp Lễ Tình nhân năm 2019 này, phần 2 của loạt phim ăn khách đến từ hãng Blumhouse đã chính thức trở lại với tên gọi Sinh Nhật Chết Chóc 2 (tựa gốc: Happy Death Day 2U). 2 năm sau những sự kiện của phần đầu tiên, có vẻ tử thần vẫn chưa buông tha cho Tree, khi mà tên sát nhân quái gở chính thức tái xuất và đeo bám tất cả mọi người xung quanh cô. Với thành công ngoài sức tưởng tượng của phần đầu tiên, cùng với sự trở lại của đạo diễn Christopher Landon và cô nàng diễn viên trẻ cá tính Jessica Rothe, Sinh Nhật Chết Chóc 2 đã và đang gây được nhiều tiếng vang trong lòng công chúng bởi phần kịch bản đa thể loại mới lạ, chất lượng và mang nhiều ý nghĩa vượt xa một bộ phim kinh dị - hài thông thường.
Theo lời nhà sản xuất Jason Blum, chiếc mặt nạ được chính tay đạo diễn Christopher Landon thiết kế từ trí tưởng tượng của anh. Điều thú vị là Landon lúc đó đang chuẩn bị đón chào thành viên mới của gia đình. Áp lực từ việc làm bố và chăm con nhỏ, đã khiến anh chàng nghĩ ra chiếc mặt nạ em bé dựa trên hình dung trôi nổi trong đầu mình. Giúp sức cho Landon là Tony Gardner – người đã từng có công làm ra chiếc mặt nạ ma sát nhân Ghostface để đời trong loạt phim kinh dị Scream. Tony ban đầu làm ra một chiếc mặt nạ mặt heo, thế nhưng khi Landon đội chiếc mặt nạ em bé này đi làm, đồng nghiệp của anh đã chết khiếp nên cuối cùng họ chọn lấy sản phẩm đã được "kiểm chứng" này.
2. Mặt nạ William Shatner trong Halloween
Sát nhân Michael Myers đã trở thành hình tượng bất hủ với loạt phim Halloween, tất nhiên vật bất ly thân không thể không nhắc tới là chiếc mặt nạ William Shatner nhợt nhạt luôn có mặt trong các vụ giết người đẫm máu của hắn. Chiếc mặt nạ trắng bệch, rộng thùng thình với tròng mắt khoét sâu đã biến thành một phần của Michael Myers. Không ai có thể tưởng tượng ra đằng sau chiếc mặt nạ kia nhân diện của hắn thế nào.
Câu chuyện đằng sau chiếc mặt nạ kinh điển hóa ra lại khá… đáng thương. Chuyện là kinh phí của phần phim Halloween gốc năm 1978 hạn hẹp tới mức nam chính đóng Michael Myers chỉ được trả 20 USD một ngày. Vì không có tiền cho nhóm thiết kế phục trang, nên đoàn làm phim quyết định tới một cửa hàng quần áo dọc đường để mua chiếc mặt nạ rẻ nhất ở đó. Và thế là họ tìm thấy chiếc mặt nạ Captain Kirk trong Star Trek với giá gần 2 đô la (khoảng 45 nghìn đồng).
3. Những chiếc mặt nạ trong series The Purge
Series kinh dị The Purge không chỉ có một, mà nhiều loại mặt nạ khiến các nhân vật vừa bí ẩn lại vô cùng đáng sợ trong "ngày thanh trừng". Nếu như phần đầu chỉ có chiếc mặt nạ với nụ cười ám ảnh của nhân vật Polite Stranger thì các phần sau, số lượng nhân vật đeo mặt nạ đã tăng lên đáng kể vì sự thích thú của khán giả.
Theo các nhà làm phim, có tới 20 chiếc mặt nạ khác nhau trong phần cuối The First Purge (2018) với đủ hình thù từ mặt nạ Guy Fawkes cho tới nữ thần tự do, tổng thống… thậm chí có cả mặt nạ đầu trâu. Chiếc mặt nạ đáng nhớ nhất có lẽ phải kể tới thiết kế với gương mặt má hồng có chữ "God" (Chúa) trên trán dành cho nhân vật Young Ghoul Face (Lakeith Stanfield) trong The Purge: Anarchy (2014) khi được thiết kế dựa trên "chính sự thanh lịch và tinh tế" của nam diễn viên.
4. Mặt nạ da người trong loạt Texas Chainsaw Massacre
Năm 1974 đạo diễn Tobe Hooper đã cải cách lại dòng phim kinh dị, mở ra kỷ nguyên cho dòng phim slasher (đâm chém) với Texas Chainsaw Massacre. Điều khiến khán giả kinh sợ ngang với lưỡi cưa đẫm máu của gã sát nhân Leatherface chính là chiếc mặt nạ rách nát làm bằng da người hắn đeo. Hình tượng Leatherface được lấy tư liệu từ kẻ giết người có thật trong lịch sử Ed Gein với biệt danh là Đồ tể vùng Plainfield, hắn đã lấy da của các nạn nhân để khâu thành mặt nạ.
Trong phần phim gốc, tên sát nhân đeo tới ba chiếc mặt nạ khác nhau: "Mặt Nạ Giết Người", "Mặt Nạ Bà Già" và "Mặt Nạ Gái Đẹp" dựa trên nhân cách mà hắn sẽ chọn ngày hôm đó. Từng đường kim thô kệch ghim lại những mẩu da nát bươm của những nạn nhân khác nhau đã tạo nên chiếc mặt nạ nhăn nhúm, ám ảnh nhất nhì màn ảnh. Vì Leatherface không có nhân cách, nên chiếc mặt nạ giúp hắn nói lên hắn là ai bởi bản thân hắn là một linh hồn trống rỗng. Hiểu được điều này, khán giả chắc hẳn sẽ càng kinh sợ mỗi lần sát nhân máu lạnh này xuất hiện trên màn ảnh.