Trước 'ma trận' thi đánh giá năng lực: Thí sinh có nên lao vào ‘lò luyện thi’?
Nhiều trường thông báo sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia làm căn cứ xét tuyển nên khiến nhiều thí sinh khá lo lắng và lăn tăn không biết có nên đi "luyện thi".
Thí sinh được thi mấy đợt?
Tham gia vào kì tuyển sinh năm nay , Em Nguyễn Thị Huyền Trang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ngoài tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, trang bị sẵn chứng chỉ ngoại ngữ IELTS để tăng cơ hội trúng tuyển đại học vào một số trường, em dự định sẽ tham dự thêm kỳ thi đánh giá năng lực 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trang cho rằng, qua tìm hiểu quy chế thi, được biết năm nay mỗi thí sinh sẽ được tham gia tối đa 2 đợt thi đánh giá năng lực, em sẽ đăng ký cả 2 đợt để chọn ra kết quả cao nhất.
Dù đã khá chắc kiến thức để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng Trang chia sẻ, thi đánh giá năng lực là kỳ thi khá mới nên em cảm thấy bỡ ngỡ. Lần thi đầu tiên, em sẽ cố gắng hết sức để làm bài, nếu kết quả không khả quan em tiếp tục đăng ký ở đợt tiếp theo.
Em Nguyễn Đình Chiến (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, đến thời điểm này em khá lo lắng vì đây là kỳ thi khác hoàn toàn với thi tốt nghiệp THPT. Chiến đã tìm hiểu và làm thử đề thi minh họa các năm. Đề thi có các kiến thức tổng hợp ở nhiều môn và lĩnh vực khác nhau, trong đó gồm cả những kiến thức yêu cầu học sinh vận dụng thực tế. Điều em lo lắng là đề thi tương đối dài và tổng hợp, do đó sẽ cần có kỹ năng làm bài tốt và nắm chắc kiến thức.
Chiến cũng cho rằng, nghe các anh chị thi trước, em cũng đang tham gia một số lớp luyện thi đánh giá năng lực với mong muốn được làm quen nhiều hơn với các bài thi và được rèn luyện kiến thức cho kỳ thi này. Nếu chắc kiến thức em sẽ thi ngay vào các đợt của tháng 4 hoặc tháng 5 luôn.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi đánh giá năng lực của thí sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình THPT, do vậy nếu như thí sinh trong một thời gian ngắn có thi lại nhiều lần cũng không thay đổi kết quả.
Ông Thảo cho rằng, đây chính là một trong những lý do tuyển sinh của trường đặt ra khoảng cách tối thiểu giữa hai đợt thi là 28 ngày. Sau 28 ngày tích luỹ kiến thức thì khi thi lại điểm có thể thay đổi.
Ông Thảo chia sẻ thêm, những năm trước cho phép thí sinh dự thi nhiều lần và mong muốn các bạn có nhiều trải nghiệm và tìm hiểu một hình thức thi mới. Năm 2022 thống kê khoảng 25.000 thí sinh đã dự thi trên 2 lượt và 92 % trong số 25.000 đó không chênh lệch điểm bài thi, một số ít thí sinh có thay đổi điểm thi nhưng nằm trong vùng sai số cho phép của khoa học đo lường.
“Do vậy, việc thí sinh đăng ký nhiều đợt thi không làm thay đổi điểm của các em nhưng vô tình làm mất vị trí của nhiều thí sinh khác có nguyện vọng dự thi. Đây là lý do mà chúng tôi giảm lượt đăng ký của thí sinh xuống chỉ tối đa hai lần để mở ra cơ hội cho các thí sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nhiều cơ hội tiếp cận đến kỳ thi đánh giá năng lực”- ông Thảo nhấn mạnh.
Thí sinh có nên đến các “lò luyện thi"?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ, tâm lý của một thí sinh là khi bước vào kỳ thi, việc đầu tiên sẽ nghĩ là mình cần luyện thi ở đâu, sẽ ôn tập như thế nào để đạt kết quả cao. Bài thi Đánh giá năng lực không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa mà hoàn toàn kiểm tra năng lực và kiến thức của thí sinh.
Ông Thảo cho rằng, tất cả các tư liệu ĐH Quốc Gia Hà Nội có thể lấy bên ngoài, các kiến thức, văn chương, văn học, tất cả những tác phẩm tồn tại ở Việt Nam hoặc là tác phẩm văn học nước ngoài, đều có thể đưa vào ngữ liệu để đánh giá thí sinh đạt được chuẩn hay là đánh giá tư duy ngôn ngữ của thí sinh trong khi xử lý vấn đề.
“Do vậy đề thi là rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú. Tôi có thể cam kết rằng không một trung tâm nào, một đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi hết đối với bộ đề thi khổng lồ của Đại học Quốc gia Hà Nội”- ông Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thảo, việc tìm tới các trung tâm luyện thi chỉ góp phần giúp học sinh có nơi ôn tập, chuẩn bị tâm lý tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi. Chúng tôi vẫn nhắc nhở học sinh tham gia vào các lớp ôn thi trước khi bước vào kỳ thi, tuy nhiên việc tham gia mà đạt kết quả cao là điều vô cùng khó vì đây chỉ là biện pháp về mặt tinh thần, tâm lý.
Thí sinh cần có một kế hoạch học tập nghiêm túc, nghiêm chỉnh và nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình trung học phổ thông là hoàn toàn đạt kết quả cao.
Qua thống kê những năm vừa qua nếu học sinh bị sa lầy vào những trung tâm luyện thi, đôi khi các em sẽ lãng phí về thời gian và kinh tế mà dễ rơi vào tình trạng học lệch, học tủ, như vậy các em chỉ đạt điểm ở mức trung bình.
Có cần phải bằng mọi giá để vào đại học?
PGS. TS Trần Thành Nam, (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trước nhiều kì thi đánh giá năng lực khác nhau của các trường, thì thí sinh phải đối diện với ma trận các lựa chọn là chuyện đương nhiên. Và sự lo lắng nhiều khi thể hiện học sinh đang thiếu một kỹ năng, bộc lộ xu hướng thành tích và con đường thành công vẫn là học đại học.
Tuy nhiên, theo ông Nam, Mình đang sống trong thế giới bất định và nhiều giá trị thay đổi. Học nghề có khi còn sống khoẻ hơn học đại học xong thất nghiệp. Nên khả năng kiểm soát lo lắng để đưa ra quyết định lựa chọn con đường của mình quan trọng hơn bao giờ hết.
“Có những người cứ lo lắng sợ hãi trượt vào 1 trường. Xong nếu đỗ thì học rất láng máng. Và học được 1 năm rồi không cảm thấy hợp lại bỏ. Thế thì cứ lo về các phương án tuyển sinh để bằng được vào 1 trường làm gì”- ông Nam nhấn mạnh.