Trước khi ung thư xuất hiện, cơ thể có 5 tổn thương cảnh báo, phát hiện để chặn đứng kịp thời
Dưới đây là 5 tổn thương tiền ung thư cần lưu ý để kịp thời can thiệp, ngăn chặn ung thư.
Ung thư không phải lúc nào cũng xuất hiện bất ngờ. Cơ thể thường phát ra những dấu hiệu cảnh báo sớm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin về 5 tổn thương trước ung thư cần lưu ý để kịp thời can thiệp, ngăn chặn ung thư.
Cơ thể phát tín hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư
Khi bất ngờ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, phản ứng đầu tiên của rất nhiều người là: "Tại sao lại là tôi?". Thực tế, ung thư cũng có những dấu hiệu cảnh báo sớm, hay còn gọi là tổn thương tiền ung thư. Nhận biết sớm những bất thường này có thể giúp chúng ta phòng ngừa ung thư hiệu quả hơn.
Tổn thương tiền ung thư giống như cơ hội cuối cùng mà cơ thể trao cho bạn trước khi ung thư thực sự ập đến. Đây là trạng thái có thể kiểm soát và đảo ngược, nhưng việc đảo ngược hay tiến triển thành ung thư phụ thuộc vào cách bạn hành động.
Tổn thương tiền ung thư là gì?
Trước hết, tổn thương tiền ung thư không phải là ung thư. Không thể tìm thấy tế bào ung thư trong bất kỳ tổn thương tiền ung thư nào.
Nó có thể được hiểu là "họ hàng gần" của ung thư. Dưới tác động lâu dài của các yếu tố gây ung thư, nó có khả năng nhất định tiến triển thành ung thư.
Ví dụ, nếu ví cơ thể chúng ta như một chiếc ô tô đang chạy với tốc độ cao thì tổn thương tiền ung thư giống như một trục trặc nhỏ bất ngờ xuất hiện. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, nó sẽ trở thành quả bom hẹn giờ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào, gây ra hậu quả khôn lường.
Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn tổn thương tiền ung thư, chúng ta có cơ hội tránh được ung thư.
Nguyên nhân xuất hiện tổn thương tiền ung thư
Trên thực tế, tổn thương tiền ung thư có thể do di truyền hoặc mắc phải... gây nên.
Tổn thương tiền ung thư di truyền có liên quan đến gen, phổ biến là polyp tuyến gia đình, u sợi thần kinh...
Nếu người thân trực hệ được chẩn đoán mắc tổn thương tiền ung thư di truyền, bạn cũng nên nhanh chóng hỏi ý kiến bác sĩ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Tổn thương tiền ung thư mắc phải thường liên quan đến thói quen sinh hoạt không tốt, bị nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm mãn tính.
Khi phát hiện bị tổn thương tiền ung thư mắc phải hoặc xuất hiện các triệu chứng tương ứng, bạn cần hết sức chú ý, tích cực điều trị để tránh biến chứng thành ung thư.
5 tổn thương tiền ung thư cần lưu ý
1. Loét dạ dày lâu ngày không khỏi
Loét dạ dày xảy ra ở dạ dày. BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y) cho rằng, 90% bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau vùng thượng vị. Cơn đau do loét dạ dày thường xuất hiện không theo thời gian cố định.
Nếu không kiểm soát được bệnh kịp thời, xuất hiện tình trạng đau âm ỉ kéo dài hoặc tính chất cơn đau thay đổi rõ rệt thì có thể đã chuyển sang giai đoạn loạn sản dạ dày. Đây là dấu hiệu báo sớm của ung thư dạ dày.
2. Polyp đại tràng
Đây là loại polyp đường ruột thường gặp nhất. Các nghiên cứu cho thấy, hơn 80% các trường hợp ung thư ruột có nguồn gốc từ polyp tuyến.
3. Bạch sản niêm mạc miệng
Bệnh thường xảy ra ở niêm mạc miệng, đường tiêu hóa, âm đạo... Ban đầu, niêm mạc tương đối nhẵn, sau đó phát triển thành sần sùi, gồ ghề, cuối cùng bắt đầu loét. Xác suất bạch sản niêm mạc ác tính hóa khoảng 4%.
4. Xơ gan
Theo BS Nguyễn Lê (Chuyên ung thư gan, Học viện Quân y 103), viêm gan B, rượu bia, sán lá gan, chất độc công nghiệp đều có thể gây xơ gan. Xơ gan là một bệnh lý tương đối nghiêm trọng, có thể tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào gan.
5. Viêm lộ tuyến cổ tử cung nặng
Theo BS Nguyễn Văn Thái (Chuyên Ung thư và Phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội), lúc này biểu mô vảy ở vùng giáp ranh giữa cổ tử cung, âm đạo bị thoái hóa, bong tróc, xảy ra tăng sinh bất thường.
Do có màu hồng nhạt, giống như bị khuyết niêm mạc, bệnh nhân sẽ có dịch tiết âm đạo ra nhiều, cảm giác nặng nề ở vùng kín. Nếu kết hợp nhiễm HPV có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Phát hiện tổn thương tiền ung thư, nhất định phải điều trị?
Đối với tổn thương tiền ung thư, chúng ta cần phải có nhận thức rõ ràng. Mặc dù tổn thương tiền ung thư có chữ "ung thư" nhưng để từ tổn thương tiến triển thành ung thư cũng phải mất 10 - 20 năm.
Cần lưu ý rằng không phải tổn thương tiền ung thư nào cũng sẽ phát triển thành ung thư. Thông qua điều trị hiệu quả có thể ngăn chặn sự xuất hiện của ung thư.
Trong giai đoạn chuyển tiếp từ tổn thương tiền ung thư sang ung thư, cơ thể đang bị một số yếu tố kích thích, tế bào có thể xuất hiện viêm nhiễm. Chính vì vậy, đối với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, các tế bào miễn dịch có thể nuốt chửng các tế bào xấu, giảm đáng kể tỷ lệ mắc ung thư.
Vì vậy, một khi phát hiện tổn thương tiền ung thư, bạn không nên trì hoãn điều trị mà hãy tích cực phối hợp với bác sĩ, phẫu thuật hoặc điều trị bằng thuốc để kiểm soát nguy cơ ung thư ở mức thấp nhất. Trong cuộc sống hàng ngày, chú ý tăng cường miễn dịch để cơ thể có sức chiến đấu với bệnh tật.
4 yếu tố gây ung thư được khoa học công nhận
Các yếu tố gây ung thư không bao giờ đơn lẻ. Các yếu tố gây ra khối u ác tính thường phức tạp và đa dạng. Vì vậy, ngoài việc tích cực điều trị tổn thương tiền ung thư, chúng ta cũng cần "né càng xa càng tốt" 4 yếu tố gây ung thư đã được Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công nhận:
1. Béo phì
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế từ lâu công bố béo phì có liên quan đến ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư túi mật, ung thư tuyến tụy, ung thư buồng trứng...
Người béo phì thường có kèm theo mỡ máu cao và tăng insulin máu. Lượng cholesterol tăng cao khiến khả năng kháng khuẩn của đại thực bào giảm sút, đồng thời hệ thống miễn dịch cũng sẽ bị ức chế do cholesterol và insulin quá cao.
Người béo phì phần lớn là do thói quen ăn uống không lành mạnh. Vì vậy, việc lựa chọn chế độ ăn uống và lối sống hợp lý với những thói quen lành mạnh rất quan trọng.
2. Thịt chế biến sẵn
Thịt chế biến sẵn hiện được xếp vào nhóm "chất gây ung thư loại 1". Điều này có nghĩa là khả năng gây ung thư của thịt chế biến sẵn ngang với thuốc lá, amiăng, rượu bia.
Bản thân thịt không có yếu tố gây ung thư. Khả năng gây ung thư của nó bắt nguồn từ quá trình xử lý như ướp muối, hun khói, nướng... thường tạo ra các chất gây ung thư như benzopyrene, nitrosamine, amin dị vòng...
3. Aflatoxin
Ngoài thịt chế biến sẵn, aflatoxin cũng là chất gây ung thư loại 1. Nguồn aflatoxin trong thực phẩm thường thấy trong lạc, gạo bị mốc, hỏng; chao, tương... lên men không đúng cách.
Dịp Tết đến xuân về, chúng ta không thể thiếu các loại hạt. Khi mua các loại thực phẩm này, bạn nhất định phải lựa chọn cơ sở uy tín. Nếu phát hiện ngũ cốc bị hỏng, mốc, bạn không nên ăn.
4. Thực phẩm quá nóng
Bản thân nước không gây ung thư nhưng uống đồ uống nóng trên 65°C có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Do khả năng chịu nhiệt của niêm mạc không cao, uống nước quá nóng trong thời gian dài sẽ khiến niêm mạc bị tổn thương, từ đó có thể dẫn đến ung thư. Đó là lý do bạn nên uống nước ấm.
Bất kỳ căn bệnh nào cũng có thể phòng ngừa được, ung thư cũng không ngoại lệ. Khi phát hiện cơ thể có bất thường, bạn nên đi khám kịp thời. Một khi bệnh nhẹ chuyển biến thành bệnh nặng, chi phí thuốc men lúc đó có thể đội lên gấp bội.
Tổn thương tiền ung thư giống như một lời cảnh báo từ cơ thể, nhắc nhở chúng ta cần quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. Thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, tầm soát ung thư định kỳ... là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả mà bạn có thể áp dụng.