Trước giờ "G", siết chặt, phạt nặng các vi phạm đối với mặt hàng xách tay!

PV,
Chia sẻ

VTV.vn - Ngày 15/10 tới đây, Nghị định 98 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.

Chỉ còn vài ngày nữa, việc bán hàng xách tay không hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định hoặc không làm thủ tục hải quan cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái và phải chịu nộp phạt. 

Đây là nội dung theo Nghị định 98 năm 2020 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15/10.

Trước giờ, người tiêu dùng thường chỉ lựa chọn sản phẩm mình yêu thích mà ít để ý việc người bán hàng nhập hàng hóa từ nguồn nào, có vi phạm gì hay không. Sự ra đời của Nghị định 98 sẽ siết chặt thị trường và có thể bảo vệ người tiêu dùng trước thị trường xách tay "muôn vẻ".

Trước giờ "G", siết chặt, phạt nặng các vi phạm đối với mặt hàng xách tay! - Ảnh 2.

Từ ngày 15/10, những hàng hoá không có chứng từ, giấy tờ kèm theo sẽ bị coi là hàng lậu.

Được biết, Nghị định 98 không phải là nghị định đầu tiên xử lý vi phạm hàng xách tay, nhưng nghị định này làm rõ hơn việc kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan xác định sẽ được coi là hàng hóa nhập lậu. Hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền dựa trên giá trị của hàng hóa. Theo đó, mức phạt thấp nhất là từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng. Mức phạt cao nhất, nghiêm khắc nhất dành cho hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu lên đến 200 triệu đồng.

Tuy vậy, thị trường hàng xách tay vẫn luôn sôi động trước khi Nghị định có hiệu lực. Chỉ cần search từ khoá "hàng xách tay" trên mạng, trong 0,55s, đã có 48 triệu 200 nghìn kết quả. Rất nhiều link dẫn thẳng đến những shop quảng cáo công khai bán hàng xách tay, hàng tự nhập trực tiếp từ nước ngoài trên mạng.

Trước giờ "G", siết chặt, phạt nặng các vi phạm đối với mặt hàng xách tay! - Ảnh 3.

Dù sát thời điểm Nghị định có hiệu lực nhưng hàng xách tay vẫn rất sẵn hàng.

Khi gọi điện đến 1 shop quảng cáo là bán hàng Hàn Quốc, người bán khẳng định hàng mua trực tiếp ở nước ngoài nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng, về giấy tờ chứng minh, chỉ có hoá đơn tổng mua nhiều mặt hàng. Chỉ cần dạo dọc 1 tuyến phố ngay trung tâm Hà Nội, nhiều cửa hàng bán xen lẫn hàng xách tay cùng với hàng nhập khẩu chính ngạch. Dù sát thời điểm Nghị định có hiệu lực nhưng hàng xách tay vẫn rất sẵn hàng.

Việc Nghị định 98 ra đời thay cho Nghị định 185 đã cho thấy được sự quyết tâm của Chính phủ trong việc ổn định lại thị trường xách tay "muôn vẻ". Tuy nhiên, dù đã có chế tài nặng hơn, mạnh mẽ hơn, nhưng luật sư Đào Thị Liên, Công ty luật Tiền Phong, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe với những hành vi vi phạm buôn bán hàng xách tay nhập lậu bởi có những mặt hàng mang lại lợi nhuận lớn hơn gấp nhiều lần so với mức phạt.

“Cá nhân tôi cho rằng với những lợi nhuận khá lớn, món hàng thời trang lên tới trăm triệu, mức phạt là chưa đủ răn đe. Nhiều người sẽ sẵn sàng chịu phạt, buôn 1 lần vài tỷ đồng hay 1 trăm triệu thì mức phạt vẫn thế", luật sư Đào Thị Liên cho hay.

Chia sẻ