Trung và Đông Âu oằn mình chống lũ lụt, ít nhất 7 người thiệt mạng
Tính đến cuối giờ chiều 15/9, ít nhất 7 người đã thiệt mạng sau khi những trận mưa lớn nhất trong nhiều năm qua tấn công một số nước Trung và Đông Âu.
Trong ngày 15/9, con bão Boris mang theo lượng mưa tương đương một tháng tiếp tục đổ xuống nhiều quốc gia Trung và Đông Âu như Áo, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Romania, Đức... gây ra lũ lụt và gián đoạn giao thông trên diện rộng.
Tính đến cuối giờ chiều 15/9, ít nhất 7 người đã thiệt mạng do mưa lũ tại các nước Trung Âu bị ảnh hưởng bởi bão Boris.
Khoảng 5.400 ngôi nhà đã bị hư hại ở khu vực Đông Nam Galati, thành phố đông dân thứ 8 ở Romania, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. Dịch vụ cứu hộ đã được triển khai tại các quận bị ảnh hưởng nặng nề khi chính quyền cảnh báo đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 100 năm qua trong 24 giờ qua.
Thị trấn Krnov (Cộng hòa Czech) gần như bị nước nhấn chìm
Phó Thị trưởng thị trấn Krnov - Miroslav Binar - nói với truyền thông rằng ước tính có khoảng 70% - 80% thị trấn bị ngập hoàn toàn.
Sông Opava và Opavice hợp lưu tại Krnov, cách Prague khoảng 240 km về phía Đông và có dân số chỉ dưới 23.000 người. Tuy nhiên, hiện đã quá muộn để sơ tán người dân Krnov và tình hình còn tồi tệ hơn thảm họa lũ lụt năm 1997.
Mưa lũ nhấn chìm một thị trấn ở Czech. (Ảnh: AP)
Trực thăng đã được huy động để cứu hộ những người gặp nạn. Tình hình cũng rất nghiêm trọng ở nhiều nơi khác ở phía Đông đất nước này, chẳng hạn như các thành phố Opava và Ostrava.
Trong khi đó, Tổng thống Czech Petr Pavel đã vận động toàn dân quyên góp để giúp đỡ các nạn nhân lũ lụt. Trong một bài đăng trên X, ông lưu ý rằng những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như xung quanh Jesenik ở và Frydlant, cũng là một số vùng nghèo nhất cả nước.
Sông tràn bờ, gây ngập lụt đường phố và nhà cửa ở Vienna (Áo)
Các viên chức cứu hộ cho biết mực nước sông Wien ở phía Tây thủ đô Vienna đã tăng từ 50 cm lên 2,26 m trong một ngày.
Các tuyến đường đi bộ đường dài và đi xe đạp, cũng như các nhà hàng dọc bờ sông đều bị ngập nước.
Kênh đào Danube ở trung tâm thành phố Vienna tràn bờ, ngày 15/9. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Ở vùng ngoại ô Penzing, phía Tây Bắc Vienna, sông Wien cũng tràn bờ ở một số nơi. Người dân đã phải sơ tán, trong khi đường phố và bãi đỗ xe ngầm đều ngập trong nước.
Mạng lưới điện đã bị cắt ở ba quận của Vienna, khiến hai tuyến tàu điện ngầm dừng hoạt động một phần.
Mưa lớn vỡ đập ở Tây Nam Ba Lan
Các quan chức cho biết một con đập ở Stronie Slaskie, thuộc vùng Hạ Silesia, đã bị vỡ và nước từ sông Biala Ladecka hiện đang chảy tự do vào lưu vực sông Nysa Klodzka.
Kể từ sáng 13/9, lượng mưa ở phía Tây Nam Ba Lan nhiều hơn so với trận lũ thiên niên kỷ năm 1997 (Ảnh: DPA)
Thị trấn Stronie Slaskie nằm ở Thung lũng Klodzko trên biên giới của Ba Lan với Cộng hòa Czech. Cảnh sát đã điều một trực thăng cứu hộ đến khu vực này để đưa những người bị mắc kẹt do nước tràn đến nơi an toàn. Binh lính quân đội cũng có mặt tại hiện trường.
Trước đó, vào tối 14/9, một con đập cũng bị vỡ ở ngôi làng miền núi gần đó là Miedzygorze.
Mực nước sông Elbe (phía Đông nước Đức) dâng cao ở mức nguy hiểm
Bang Saxony, miền Đông nước Đức đang chuẩn bị ứng phó với lũ lụt khi các nước láng giềng Trung Âu đang phải vật lộn với mưa xối xả và mực nước dâng cao.
Các quan chức nhà nước cho biết sông Elbe tại Schöna, gần biên giới với Cộng hòa Czech, dự kiến sẽ đạt đỉnh ở mức 7,50 m vào chiều 17/9. Mực nước này đủ để kích hoạt mức cảnh báo cao nhất trong khu vực về nguy cơ vỡ đập và nước tràn bờ.
Thủ phủ của bang Dresden, nằm trên sông Elbe sẽ được bảo vệ khỏi mực nước dâng cao bằng các rào chắn di động được dựng lên vào ngày 16/9.
Các nhà chức trách ở Dresden cũng đang chạy đua để hoàn thành việc tháo dỡ các bộ phận của cây cầu bị sập xuống sông Elbe vào giữa tuần qua, trước khi lũ lụt xảy ra.