Trung Quốc: Trào lưu quái dị 'Nuôi nước thối'
Những năm gần đây, một trào lưu quái dị “Nuôi nước thối” trở nên phổ biến trong giới học sinh tiểu học và trung học trên khắp Trung Quốc.
Học sinh trộn lẫn các loại chất lỏng, vật liệu đã hết hạn sử dụng bỏ đi, thêm nước vào chai để “nuôi giữ” chờ thời điểm chai tự phát nổ và chất lỏng bẩn phun ra ngoài. Hành vi này không chỉ phản cảm mà còn tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe và an toàn.
“Nuôi nước thối” (Dưỡng xú thủy) có nghĩa là học sinh thu thập, trộn nhiều vật liệu kỳ lạ và kinh tởm khác nhau để tạo thành thứ chất lỏng và cho lên men trong lớp học với hy vọng chai sẽ nổ tung và mùi hôi thối sẽ tràn ngập không khí.
Những “nguyên liệu thô” này bao gồm nước bọt, xác gián, nước đậu hũ thối, tinh bột, lông mao… Mặc dù các bậc phụ huynh không thể hiểu được hoạt động này nhưng đám “nhất quỷ nhì ma” lại rất thích thú và coi nó như một cách để thỏa mãn sự tò mò và cảm giác có thành tựu của bản thân.
Chia sẻ công thức pha trộn
Mặc dù bị các thầy cô nghiêm cấm nhưng niềm khao khát khám phá của học sinh là không thể ngăn cản. Trên các nền tảng xã hội, việc tìm kiếm “công thức nước thối” đã xuất hiện hằng hà sa số mẹo chia sẻ. Những “công thức pha chế” này gồm đủ loại kỳ quái, từ đậu phụ thối, cà chua, nước lẩu, đến lông chó, máu cam... Hơn nữa, các “ma mạng” còn nghiên cứu chuyên sâu về công thức tạo nên vụ nổ có độ lớn, tốc độ nhanh và mùi “khủng” hơn… và những bức ảnh được tải lên mạng khiến người ta kinh tởm.
Rủi ro về sức khỏe và an toàn
Có người cho rằng, chẳng qua chỉ là nước có mùi hôi thối, có hại gì ghê gớm đâu. Nhưng trên thực tế, tác hại của nó vượt xa những hành vi xấu mà mọi người quen thuộc như hút thuốc lá.
Thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử có thể chỉ có tác động nhất định đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ nhưng “nước thối” có thể đe dọa trực tiếp đến sự an toàn tính mạng của trẻ.
Một cư dân mạng bị nghi là học sinh khẳng định trên mạng xã hội rằng thí nghiệm nuôi nước thối đã khiến một bạn cùng lớp cậu ta uống nhầm và phải đưa đến bệnh xá.
Dù chưa thể xác nhận tính xác thực của vụ việc này nhưng các chuyên gia y tế đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về nó. Bác sĩ Đàm Tinh Vũ, Phó Chủ nhiệm khoa Hô hấp và Chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh, chỉ ra rằng nước thối chứa một số lượng lớn vi sinh vật và vi khuẩn có hại, khi phát nổ tạo thành giọt khí, có thể bị hít vào gây nhiễm trùng đường hô hấp và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây viêm phổi cả một nhóm trẻ.
Ngoài ra, nếu nước thối tiếp xúc với mắt hoặc nuốt phải cũng có thể gây nhiễm trùng cục bộ hoặc nhiễm trùng đường ruột.
Ngoài tác hại về thể chất, hành vi “nuôi nước thối” cũng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý và quan niệm giá trị của trẻ. Nó có thể khiến trẻ hình thành những thói quen sinh hoạt và hành vi không tốt, gây trở ngại đến sự phát triển sau này của trẻ.
Điều đáng sợ hơn nữa là nếu có ai đó cố tình sử dụng nguồn nước hôi hám này để gây hỗn loạn, gây thương vong và thiệt hại tài sản cho người khác thì có thể cấu thành tội phạm. Trẻ em có thể tham gia vào hành vi đó do còn nhỏ và thiếu hiểu biết, nhưng có thể chúng không nhận thức được rằng mình đã bước vào ranh giới đỏ của pháp luật.
Nếu người nào bán “nước thối” cho trẻ vị thành niên trên mạng, hành vi này có thể bị coi là vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh
Ông Lý Ân Trạch, Giám đốc điều hành Trung tâm Luật Phúc lợi Công cộng của Công ty Luật Nghĩa Phái (Yipai) Bắc Kinh, cho rằng nhà trường và phụ huynh có trách nhiệm kiểm soát những hành vi kiểu này của trẻ vị thành niên.
Nếu chai nước thối bốc cháy , phát nổ trong lớp học và những nơi khác gây thương vong, hủy hoại tài sản thì nhà trường và người giám hộ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự tương ứng.
Hướng dẫn chính xác khao khát kiến thức và ước muốn khám phá của trẻ vị thành niên là điều rất quan trọng. Nhà trường và phụ huynh có thể hướng dẫn học sinh tiến hành thí nghiệm khoa học trong môi trường cụ thể như phòng thí nghiệm để thỏa mãn trí tò mò, ham muốn khám phá của chúng, thay vì sử dụng phương pháp nguy hiểm là “nuôi nước thối”.
Thông qua hướng dẫn và giáo dục khoa học, trẻ có thể tìm hiểu, khám phá thế giới trong môi trường an toàn mà không gây tổn hại cho bản thân và người khác.
Hiện tượng “nôi nước thối” đã gây ra sự lo lắng sâu rộng trong phụ huynh, nhà trường và xã hội. Người lớn không chỉ phải quan tâm đến sự an toàn, sức khỏe của trẻ mà còn phải hướng dẫn trẻ khám phá thế giới một cách khoa học và an toàn. Người lớn không thể để trẻ em rơi vào những tình huống nguy hiểm do thiếu hiểu biết.
Phụ huynh, nhà trường và xã hội phải cùng nhau hành động để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của các em, cùng nhau tạo ra một môi trường phát triển lành mạnh, hài hòa và an toàn hơn cho trẻ em.