Trung Quốc phát động phong trào tiết kiệm "ăn sạch bát, sạch đĩa"

Thái Bình,
Chia sẻ

Chiến dịch này thật ra có từ lâu, nhưng nó được khơi lại khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích việc lãng phí thức ăn trong thời dịch bệnh.

Tại Trung Quốc, báo chí nước này đang hô hào người dân đảm bảo tiết kiệm, an toàn trong giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh, lũ lụt hoành hành. Trên nhiều tờ báo đăng tải thông tin về những quy định mới của TP Bắc Kinh là từ đầu năm học mới, cantin tại các trường học không được cho học sinh ăn các loại thực phẩm nguội, thực phẩm sống. Đây không chỉ là hưởng ứng phong trào an toàn vệ sinh thực phẩm trường học mà còn có ý nghĩa phòng ngừa COVID-19 khi mà Trung Quốc liên tiếp phát hiện mối liên quan giữa dịch bệnh với các loại hải sản đông lạnh.

Một cuộc khảo sát mới đây đăng trên Tân Hoa Xã cho thấy, có đến 91% số người được hỏi thay đổi hẳn thói quen ăn uống khi xảy ra dịch COVID-19. Trong đó có đến gần 2/3 số người được khảo sát chọn ăn thức ăn nấu chín. Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều người đã áp dụng các thói quen lành mạnh hơn như rửa tay.

Cũng là chuyện ăn, trong tuần nhiều tờ báo lớn ở Trung Quốc đã có nhiều bài viết về chiến dịch "guangpanxingdong" - tức là hành động ăn sạch bát, sạch đĩa. Chiến dịch này thật ra có từ lâu, nhưng nó được khơi lại khi mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích việc lãng phí thức ăn trong thời dịch bệnh.

Trung Quốc phát động phong trào tiết kiệm ăn sạch bát, sạch đĩa - Ảnh 1.

Tấm biển nhắc nhở thực khách tránh lãng phí đồ ăn. Ảnh: Shine

Hàng loạt nhà hàng, quán ăn ở các thành phố lớn Trung Quốc đã mở chiến dịch kêu gọi thực khách tiết kiệm khi gọi món - chủ động đề nghị khách đặt ít hơn số phần ăn, hay mang thức ăn thừa về. Thực ra trước đây, phong trào kêu gọi ăn sạch bát, sạch đĩa là để đả phá những bữa tiệc xa hoa của quan chức, nhà giàu. Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc cũng phát động phong trào ăn sạch bát, sạch đĩa với nhiều khẩu hiệu "ăn sạch đĩa là nét đẹp đạo đức, ăn sạch là trân quý lao động của người nông dân, bắt đầu từ tôi, từ gia đình tôi. Cự tuyệt lãng phí, tiết kiệm thức ăn".

Thực ra lâu nay ở Trung Quốc, nếu để khách ăn hết sạch thức ăn trong đĩa có nghĩa là chủ nhà không chu đáo. Nhưng trước tình hình khó khăn, nhất là hạng chục triệu người đang khốn khó vì thiên tai lũ lụt thì việc phát động phong trào ăn sạch bát sạch đĩa ngày càng nhận được sự đồng cảm và tham gia tích cực của nhiều người.

Chia sẻ