Trung Quốc, Hàn Quốc "bùng nổ" tranh cãi về kim chi

Minh Đức,
Chia sẻ

Reuters đăng tải, mới đây món ăn Pao Cai của Trung Quốc đã nhận được chứng nhận từ Tổ chức Hệ thống hóa Quốc tế (ISO). Động thái này được tờ Hoàn Cầu ca ngợi là một "tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu".

Tuyên bố trên ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ truyền thông Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc cho rằng, quốc gia láng giềng đang cố gắng biến kim chi thành một loại Pao Cai của Trung Quốc.

Tranh cãi này cũng nhận được nhiều sự chú ý trên các mạng xã hội Hàn Quốc. "Thật là vớ vẩn, họ đang đánh cắp văn hóa của chúng ta", một người dùng Internet Hàn Quốc viết trên trang Naver.com.

Trung Quốc, Hàn Quốc "bùng nổ" tranh cãi về kim chi - Ảnh 1.

Do nhu cầu tiêu thụ cao, Hàn Quốc phải nhập khẩu kim chi từ Trung Quốc (ảnh: getty)

"Tôi mới đọc bài viết về chuyện Trung Quốc nói kim chi là của họ và họ đang thiết lập tiêu chuẩn quốc tế cho nó. Tôi sợ họ sẽ ăn cắp Hanbok và các yếu tố văn hóa khác của chúng ta chứ không chỉ là kim chi", cô Kim Seoul-ha, 28 tuổi, nói.

Một số trang tin Hàn Quốc còn gọi vụ việc là "một nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị thế giới".

Trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, cư dân mạng Trung Quốc cho rằng, kim chi là món ăn truyền thống của Trung Quốc và phần lớn kim chi đang tiêu thụ tại Hàn Quốc đều được sản xuất tại Trung Quốc.

"Nếu anh không đáp ứng tiêu chuẩn thì đó không phải là kim chi", một người viết trên Weibo. "Thậm chí cả cách phát âm kim chi cũng xuất phát từ Trung Quốc đấy".

Hôm Chủ nhật (29/11), Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc ra thông cáo cho hay, tiêu chuẩn được ISO thông qua không áp dụng đối với kim chi.

"Sẽ không thích hợp nếu đề cập tới Pao Cai mà không nói về sự khác biệt giữa kim chi [của Hàn Quốc] với Pao Cai của Tứ Xuyên, Trung Quốc", thông cáo nhấn mạnh.

Theo phương pháp làm kim chi truyền thống, rau cải sẽ được rửa sạch và muối trước khi thêm gia vị và các loại hải sản đã lên men. Sau đó, hỗn hợp sẽ được cho vào các chum làm bằng đất sét chôn dưới lòng đất. Có tên gọi là Kimjang, nghi thức này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ cao, Hàn Quốc phải nhập khẩu một lượng lớn kim chi từ Trung Quốc trong khi hầu như không có kim chi Hàn Quốc được xuất sang Trung Quốc do những quy định liên quan tới thực phẩm muối chua khá ngặt nghèo từ phía Bắc Kinh.

Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội Trung Quốc và Hàn Quốc nổ ra tranh cãi trong năm nay.

Nhiều tuần trước, mâu thuẫn phát sinh xung quanh các trang phục xuất hiện trong một bộ phim truyền hình dã sử Trung Quốc. Nam diễn viên Xu Khai đăng tải một bức hình mặc trang phục đóng phim lên Weibo. Nhiều người dùng Internet chỉ ra, trang phục có phần tương tự như hanbok truyền thống của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhà sản xuất bộ phim là Yu Zheng lại tuyên bố, bộ trang phục là một dạng cổ trang Trung Quốc có tên là hanfu.

Hồi đầu năm, nhóm nhạc Hàn Quốc BTS cũng bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích sau khi một thành viên bình luận về Chiến tranh Triều Tiên.

Chia sẻ