Trung Quốc cố tránh rạn nứt với Nhật Bản sau vụ cậu bé 10 tuổi bị đâm chết
Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn vụ cậu bé Nhật Bản bị đâm chết ở Thâm Quyến trở thành mâu thuẫn ngoại giao giữa Bắc Kinh và Tokyo, bằng cách khẳng định đó là hành động đơn lẻ.
Vụ cậu bé 10 tuổi bị đâm chết hôm 18/9 xảy ra vào thời điểm hai nước đang đàm phán đến bước cuối cùng để chuẩn bị cho việc Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản.
Lệnh cấm được áp dụng từ khi Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vào tháng 8/2023.
Vụ đâm dao là hành động bạo lực thứ hai nhằm vào học sinh Nhật Bản tại Trung Quốc trong vòng 3 tháng.
Trong vụ việc xảy ra ngày 24/6, một đối tượng tấn công chiếc xe buýt đưa đón học sinh Nhật Bản ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, giết chết một nhân viên xe buýt người Trung Quốc khi người này cố gắng cứu học sinh, và làm bị thương 2 người khác.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh đây là những vụ việc đơn lẻ, sẽ không ảnh hưởng đến trao đổi và hợp tác giữa hai nước và hứa sẽ có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ "sự an toàn của tất cả người nước ngoài tại Trung Quốc".
"Chúng tôi lấy làm tiếc và đau buồn trước sự việc này. Chúng tôi thương tiếc cho sự ra đi của cậu bé và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình cậu bé", người phát ngôn của Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 19/9. Ông cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết cho gia đình nạn nhân.
Tuy nhiên, người phát ngôn né tránh các câu hỏi về động cơ chính trị đằng sau vụ việc.
Vụ tấn công ngày 18/9 xảy ra vào đúng dịp tưởng niệm 93 năm sự kiện Phụng Thiên, dẫn đến việc Nhật Bản đưa quân tấn công vùng đông bắc Trung Quốc năm 1931.
Tư tưởng bài Nhật Bản thường gia tăng ở Trung Quốc trong những dịp như vậy. Sách giáo khoa Trung Quốc nhấn mạnh việc Nhật Bản tấn công và chiếm đóng Trung Quốc trong giai đoạn trước và trong Thế chiến II.
Nghi phạm, được cảnh sát địa phương xác định là một người đàn ông 44 tuổi họ Zhong, không có nghề nghiệp cố định. Đối tượng này có 2 tiền án vì tội phá hoại tài sản.
Một số bài đăng về vụ đâm dao đã bị xóa, ngoại trừ phát biểu chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Các hashtag liên quan đến vụ việc trên mạng xã hội Trung Quốc đã bị lọc.
Chiều 20/9, hai tờ báo chính thống ở Thâm Quyến và Quảng Đông đưa tin Zhong đã thừa nhận giết nạn nhân, nhưng không nói gì về động cơ.
Hashtag "Kẻ vung dao vào một đứa trẻ là hành vi hoàn toàn không thể tha thứ" trên mạng xã hội Weibo thu hút hơn 52 triệu lượt xem tính đến chiều 19/9.
Hashtag này được lấy từ bài xã luận trên trang tin Guancha , trong đó bác bỏ những ý kiến cho rằng vụ án là hậu quả của những "tuyên truyền thù hận".
Những vụ việc trên khiến người dân Nhật Bản tại Trung Quốc ngày càng lo lắng về sự an toàn của họ, buộc các công ty và tổ chức cộng đồng Nhật Bản ở Trung Quốc phải tăng thêm biện pháp phòng ngừa.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc và nhiều tổ chức Nhật Bản tại Bắc Kinh đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp hôm 19/9, kêu gọi phải hành động nhanh chóng và kiên quyết để bảo vệ công dân Nhật Bản ở nước này.