Trung Quốc: Chưa kịp thu hoạch nông sản, hàng trăm người đổ ra đồng "cướp bóc" gây thiệt hại hơn 670 triệu đồng, chủ hộ gào khóc trong bất lực
Mới đây, thành phố Chu Khẩu (Hà Nam, Trung Quốc) đã xảy ra một vụ cướp trắng trợn giữa ban ngày ban mặt khiến dư luận nước này dậy sóng.
Không phải cướp tiền, cũng không phải cướp vàng bạc trong cửa hàng, mà lại là bạch truật trên cánh đồng - một vị thuốc trong Đông y.
Đầu tháng 11, vụ việc xảy ra tại thôn Đại Lầu thuộc huyện Hoài Dương. Đã đến ngày thu hoạch bạch truật (phần thân rễ), thế nhưng hộ nông dân này phải tạm hoãn vì máy móc bị hư hỏng, cần đợi thêm 1-2 ngày nữa mới có thể bắt đầu thu hoạch.
Thế nhưng chưa đợi được đến ngày đó, không biết nghe tin từ đâu, rất nhiều người đã đổ xô đến tự ý đào bạch truật của gia đình hộ nông dân này. Mặc cho người phụ nữ (chủ hộ nông dân) kêu gào can ngăn, họ vẫn không chịu dừng tay. Cuối cùng vì quá bất lực, bà đã ngã quỵ xuống nền đất, khóc nức nở:
“Mất trắng hết rồi, trời ơi”.
Được biết số lượng người đổ ra cánh đồng bạch truật để “cướp” phải lên đến hàng trăm. Đó cũng chính là lý do mà gia đình hộ nông dân dã dùng mọi cách cũng không thể cản được nhóm người này ngưng lấy đi thành quả mồ hôi công sức của mình.
Chính quyền địa phương biết chuyện nên đã cử lực lượng trị an và cảnh sát tiếp cận hiện trường để ổn định tình hình, đồng thời ngăn cản nhóm người này lại. Thấy người cơ quan chức năng đến, nhóm người mới bắt đầu dừng tay.
Thu thập thông tin, cảnh sát mới biết những người này là dân sống tại thôn Đại Lầu và những thôn làng bên cạnh. Khi bị cảnh sát điều tra, họ mới nói:
“Làm gì có cướp bóc gì ở đây, chúng tôi cứ nghĩ rằng người ta đã thu hoạch xong nên mới đến đây mót chút ít còn sót lại đó chứ”.
Mót khoai, mót lúa… là hoạt động thường xảy ra sau mỗi vụ thu hoạch. Hễ có một cánh đồng thu hoạch xong, thường xuất hiện nhóm người sống lân cận đến mót chút rau củ, nông sản còn sót lại. Thậm chí hoạt động này còn trở thành thói quen, một văn hóa nếp sống ở vùng nông thôn.
Thì ra do hộ nông dân trì hoãn ngày thu hoạch (vì máy móc hư hỏng) nên mới gây ra hiểu lầm tai hại này. Người dân xung quanh nghĩ rằng cánh đồng bạch truật đã được thu hoạch xong nên mới đến “mót”.
“Gia đình chúng tôi thật sự rất buồn. Dù biết rằng họ đi mót bạch truật cũng không có gì sai, nhưng chúng tôi vẫn ấm ức vô cùng. Họ đã bỏ ngoài tai lời can ngăn, gào khóc của tôi, mà vẫn tiếp tục, trong khi tôi là chủ của cánh đồng này”.
Mặc dù chính quyền đã can thiệp nhưng hộ nông dân cho biết họ đã bị thiệt hại hơn 200.000 NDT (hơn 670 triệu đồng) sau đợt “cướp bóc” quy mô lớn. Chính quyền địa phương đã tiến hành phê bình nhóm người tham gia “mót bạch truật”, đồng thời tăng cường quản lý các vụ thu hoạch hàng quý và hàng năm, để tránh vụ việc tương tự xảy ra.
Dư luận nước này chia thành 2 luồng ý kiến khác nhau. Một bên cho rằng nên tuyên truyền và giáo dục người dân, đặc biệt là người sống ở vùng nông thôn, hiểu biết thêm về văn hóa ứng xử và tôn trọng công sức lao động của người khác. Bên còn lại bày tỏ “văn hóa mót nông sản” đã có từ rất lâu, không phải muốn bỏ là bỏ, do đó nên có sự thông cảm cho họ, vì vốn dĩ họ cũng không biết cánh đồng bạch truật chưa thu hoạch xong.
Nguồn: 163, Ifengnews