Trung Dân: Lão nông dân chính hiệu nhưng hành động không hề "Hai Lúa"
"Người ta đã nói về vụ scandal này bằng cái đập bàn tức giận khi Trung Dân bỏ ra khỏi trường quay. Người ta cũng phẫn nộ vì hay tin anh đã khóc trong mưa do con cháu đối xử với mình vô lễ. Nhưng người ta lại càng thán phục hơn khi anh đứng ra cầu xin sự tha thứ".
Trung Dân không phải là cái tên xa lạ với khán giả, đặc biệt là những người thân thuộc hài kịch miền Nam. Trong ký ức của những đứa trẻ lớn lên giữa những tiếng radio vo ve con muỗi, những chiều tan tầm mưa nắng thất thường của cái đất miền Nam nặng nghĩa ân tình này, Trung Dân hiện lên như một nghệ sĩ gắn liền tên tuổi với vai nông dân chính hiệu. Hằng trăm vở hài, hằng trăm vở kịch đã diễn qua, Trung Dân có thể hóa thân thành đủ mọi thân phận, nhưng kỳ lạ ở chỗ, lúc nào nhắc đến anh, khán giả vẫn nghĩ ngay đến hình ảnh ông già nhăn nhó, khó chịu, hay đi bới móc người xung quanh. Trung Dân là thế - một quái kiệt của làng hài Việt. Trung Dân không phải gương mặt phổ thông như "Anh Bốn" - Hoài Linh, Trung Dân cũng chẳng theo trường phái bác học như Thành Lộc, Trung Dân là cái lưng chừng giữa phổ thông và bác học, là anh nông dân xắn quần tới đầu gối mà lúc nào cũng gây cười vì cái tài chơi chữ, mắng thơ vần điệu khéo không chịu được.
Trung Dân - người nghệ sĩ đậm chất nông thôn của mảnh đất miền Nam
Đã rất nhiều lần, đồng nghiệp hỏi Trung Dân vì sao lại chọn cho mình cái dáng vẻ Hai Lúa quê mùa. Tại sao không xây dựng hình ảnh bằng những vai sang trọng hơn mà cứ thích cầm cây gậy, đội cái mũ phớt đi ngất ngưởng khắp làng trên xóm dưới. Trung Dân chỉ cười, vì ngoài nụ cười ra chắc anh cũng chả có câu trả lời nào thích hợp hơn. Cái chất nông dân Nam Bộ nó hiện rõ trong con người anh, dù rằng cũng đi học Sân khấu - Điện ảnh như ai nhưng phía sau lưng Trung Dân vẫn là một khoảng trời gắn liền với cái nghề lúa nước. Cái sự "quê mùa", "Hai Lúa" ấy đã thắm trong con người anh từ khi bắt đầu bước chân vào con đường nghệ thuật.
Trung Dân tên thật là Nguyễn Trung Dân, quê ở xã Nhị Bình, Hóc Môn, Sài Gòn. Anh lớn lên trong một gia đình sinh sống bằng nghề nông. Từ nhỏ, anh đã có lòng đam mê biểu diễn trên sân khấu nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trung Dân đã nộp đơn thi vào trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) và tốt nghiệp khóa diễn viên vào năm 1992. Những năm sau này, Trung Dân làm nhiều việc khác nhau. Ngoài diễn xuất anh còn sáng tác kịch bản, làm thơ, hội họa. Ở cái tuổi 50, Trung Dân chẳng lo nhiều đến chuyện cơm áo gạo tiền, anh nhận lời đi diễn, làm nhiều việc khác nhau cũng chỉ vì đam mê dành cho nghệ thuật.
Vì làm ruộng từ khi còn bé nên Trung Dân quá đỗi quen thuộc với chuyện dãi dầu một nắng hai sương. Có một lần Trung Dân tâm sự, anh cực yêu thích hình ảnh những người nông dân và cảm thấy cái gốc rễ văn hóa trong người anh chính là từ vườn ruộng. Chuyện này, đối với những nghệ sĩ sinh ra trước 1975 chẳng có gì lạ cả. Hoài Linh, Thanh Nam - những cây đa cây đề trong làng sân khấu cũng đi lên từ gian khó chứ chẳng riêng mỗi một Trung Dân. Nhưng cái hay của anh là đã khéo léo lồng chất "Hai Lúa" của mình vào từng vở diễn. Trung Dân không như Hoài Linh - khắc khổ từ dáng người đến ánh mắt. Trung Dân cũng chẳng như Thanh Nam - thong thả chiều tà thả bước dạo trên những con đường quê.
Trung Dân tạo cho mình hình ảnh gây tò mò, lúc nào cũng như sẵn sàng "đối chọi" với cả thế giới, lúc nào cũng nhăn nhó, và khó chịu, và vặn vẹo người đối diện đủ điều. Nhưng, đặc biệt ở chỗ, cứ Trung Dân bước ra sân khấu là khán giả phải ôm bụng cười rần rần. Dù đôi lúc Trung Dân còn chưa nói câu nào, nhưng chỉ nhìn cái dáng vẻ liêu xiêu trong bộ bà ba màu sẫm là khán giả lại biết ngay rằng Trung Dân đang có ý định gây hấn với một người nào đó!
Lật lại cái thời những năm 1992, khi đấy Trung Dân mới trình làng với vai diễn đầu tiên trong vở kịch Dưới bóng cây bồ đề. Thời ấy, được lên sóng của HTV - Đài truyền hình TP.HCM đã là một món quà tinh thần vô giá với những nghệ sĩ kịch nói. Đóng vai Mười hớt tóc, Trung Dân gây ấn tượng sâu sắc và được các tay đạo diễn mời mọc ngay. Sự độc đáo, ứng biến tình huống linh hoạt chính là điểm mạnh ở Trung Dân. Nhờ đó, Trung Dân có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, anh liên tục tham gia các vở kịch, phim truyền hình và trở thành cái tên phổ biến ở đất Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Trung Dân đóng hài nhiều, anh mang đến nụ cười từ cái sự khó tính, nhăn nhó, vặn vẹo của mình. Nhưng tài năng của anh chỉ thực sự được chứng tỏ khi tập trung hoàn toàn vào những sân khấu kịch. Cái thời mà Idecaf, kịch Hồng Vân, Trống Đồng, rạp Quang Vinh, nhà hát Bến Thành vẫn là điểm đến lý tưởng của khán giả mỗi dịp cuối tuần, Trung Dân đã tỏa sáng như cá được về với nước. Cái hay của Trung Dân là thay đổi cảm xúc từ vui vẻ sang buồn bã một cách cực kỳ nhanh chóng, hết bi rồi đến hài, hết hài rồi lại bi, mọi thứ thay đổi nhanh chóng chỉ như một cách chớp mắt. Anh tung tẩy, lăn xả và sống hết mình vì nghệ thuật. Anh chẳng ngại va chạm, chẳng ngại làm mất lòng người khác bởi cái tính thẳng thắn của mình. Vì với Trung Dân, đã ăn cơm nghệ thuật ngày nào là ngày đó vẫn phải tận tuỵ với công việc của mình. Văn hóa là thứ phải được chắt lọc, xây dựng và tiếp thu từng ngày. Bản thân người nghệ sĩ nếu sống dễ dãi sẽ làm ra những sản phẩm nghệ thuật dễ dãi.
Có một lần nọ, Trung Dân nói về chuyện từng bị đồng nghiệp chơi xấu đến mức "sống dở chết dở", nhưng đến khi hợp tác cùng nhau, anh vẫn vui vẻ làm việc như vết hằn quá khứ đã được phủ một lớp bụi mờ. Trung Dân là con người có thể nói ra cái điều: "Khi bước vào thánh đường, chúng ta được yêu cầu rửa tay và ăn một miếng bánh thánh để tẩy trần. Thánh đường là nơi con người xưng tội và được gột rửa. Trước khi vào nhà hát, nghệ sĩ có thể cãi nhau, hằn học vì nồi cơm bát gạo nhưng khi bước lên sân khấu là bước vào thánh đường. Những gì nham nhở, bẩn thỉu của cuộc đời phải để lại bên ngoài. Tôi xem câu nói đó là chân lý làm nghề. Chưa bao giờ bước lên sân khấu mà tôi chặt chém bạn diễn. Tôi luôn diễn hết sức dù bạn diễn là người tôi yêu thích hay căm ghét".
Ngày hôm nay, sau những ồn ào với ca sĩ Hương Giang Idol, Trung Dân đã làm cái điều mà chẳng phải người nghệ sĩ tuổi đời ngoài 50 nào cũng có thể thực hiện, đó là quay 1 video clip và xin cộng đồng hãy mở rộng vòng tay với Hương Giang. Khác với những nghệ sĩ trẻ sinh sau đẻ muộn, Trung Dân thuộc lớp nghệ sĩ già chỉ biết làm việc mà không có bất cứ một ekip PR - quản lý nào tháp tùng. Khi sự việc Hương Giang nói: "Trung Dân đút vào cầu tiên" làm dậy sóng cộng đồng, Trung Dân đã chọn cho mình giải pháp công khai thể hiện quan điểm. Anh chẳng oán trách Hương Giang, cũng chẳng nặng nề, mặc cảm vì những lời đau đớn mà người khác nói về mình. Trung Dân chỉ xin có được sự thứ tha, cho cả anh lẫn Hương Giang Idol - người mới trước đó còn làm anh tổn thương đến mức: "xấu hổ, nhục nhã, 50 năm cuộc đời với hơn 20 năm làm nghệ thuật, chưa bao giờ tôi lại bị xúc phạm ở chỗ đông người như vậy".
Người ta đã nói về vụ scandal này bằng những cái đập bàn tức giận khi Trung Dân bỏ ra khỏi trường quay đến mức để quên kính và ví. Người ta cũng xót xa đến mức phẫn nộ vì hay tin anh đã khóc trong mưa do con cháu đối xử với mình không phải phép. Nhưng người ta lại càng thán phục hơn khi anh đứng ra cầu xin sự tha thứ. Dù lỗi lầm chẳng thuộc về anh, dù anh là người bị xúc phạm, nhưng anh vẫn làm cái điều không tưởng ấy. Trung Dân - lão nông khó tính của đất Sài Gòn nhưng hành động chẳng hề "Hai Lúa". Có chăng cái sự "Hai Lúa" ấy chỉ xuất phát từ vẻ ngoài, còn những điều anh thể hiện chính là trượng nghĩa, bậc cha chú sẵn lòng giang rộng vòng tay đón con cháu trở về. Và khi mở đôi tay ấy, cha chú vẫn không quên dạy cho các con một bài học về văn hóa và đạo đức làm người.
Ở bất cứ xã hội nào, đạo đức vẫn là nền tảng cho sự văn minh, tiến bộ. Đã từng có những hoài nghi rằng Trung Dân vì sao lại chấp nhận ngồi ở gameshow giải trí - nơi không phải thánh đường dành cho tài năng của một nghệ sĩ như anh. Trong cơn thịnh nộ của sự chán chường, khán giả trách móc Trung Dân vì chính anh đã để bản thân rơi vào cái vòng dễ dãi của thị trường giải trí. Thà xem Trung Dân khóc, cười trên sân khấu mấy giờ đồng hồ, còn hơn là nhe răng cười sằng sặc vì mỗi câu đùa mà các nghệ sĩ trẻ dành cho anh. Nhưng, người nghệ sĩ nếu cứ mãi chọn những thánh đường kén người xem thì lối rẽ đến gần với khán giả chẳng phải sẽ ngày càng hạn hẹp. Có những nghệ sĩ cự tuyệt hẳn gameshow giải trí, họ ôm giấc mộng nghệ thuật chân chính vào người rồi cứ hằng đêm sống cùng ánh đèn sân khấu. Lại có những nghệ sĩ chấp nhận để tên tuổi của mình trở nên "phổ biến", họ quay hết gameshow nọ đến gameshow kia dù cho khán giả có chỉ trích là nhàm chán, nhạt nhẽo hết lời.
Clip Trung Dân nói lời tha thứ, xin khán giả mở đường cho Hương Giang Idol
Trường hợp của Trung Dân nằm lưng chừng, nghĩa là không hoàn toàn đóng cửa với gameshow, nhưng vẫn có chừng mực, giới hạn nhất định mỗi lúc đưa thân mình vào vòng xoay giải trí. Người trách cứ trách, kẻ bênh vực cứ việc bênh. Trải qua scandal lần này, lão nông chánh hiệu Trung Dân đã có cho mình bài học cay đắng. Dù ồn ào, thị phi nhưng ít nhất bài học đấy nó tốt cho rất nhiều người. Chẳng những Trung Dân bị ảnh hưởng mà Hương Giang Idol và hằng hà sa số các nghệ sĩ khác cũng phải giật mình thon thót. Thôi thì trải qua một lần sóng gió, chất trượng nghĩa của Trung Dẫn cũng đã được phát huy. Hãy cứ nghĩ nhẹ nhàng như thế về lão nông có vẻ ngoài cực kỳ "Hai Lúa" này. Khép lại một vụ ồn ào, thôi thì hãy để tất cả được bình yên!