Trung bình điểm thi và học bạ: Vì sao nơi chênh cao, nơi chênh thấp?
Bộ GD&ĐT vừa công bố bảng so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, độ chênh điểm từng môn ở các địa phương có nơi cao hơn 3 điểm.
So sánh điểm thi và điểm học của các địa phương
Báo cáo so sánh điểm thi THPT và điểm học bạ lớp 12 của từng môn của tất cả các địa phương trên cả nước.
Theo đó, về cơ bản trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học có sự tương đồng và khoảng cách được thu hẹp hơn so với năm 2020.
Nhưng nơi chênh cao điểm thi
Điểm trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình học bạ các môn của nhiều địa phương năm nay có độ chênh cao nhất là hơn 3 điểm.
Cụ thể, một số địa phương có điểm chênh giữa học bạ và trung bình điểm thi môn Toán cao phải kể đến như: Hoà Bình có trung bình điểm thi là 5,18 nhưng điểm trung bình học bạ là 6,87 điểm (chênh 1,68 điểm); Hà Giang có trung bình điểm thi là 4,91 điểm nhưng trung bình điểm học bạ là 6.57 điểm (chênh 1.66 điểm); Trà Vinh trung bình điểm thi là 5,96 điểm; điểm học bạ trung bình là 7,36 điểm (chênh 1,4 điểm); Cao Bằng (chênh 1,36 điểm); Sơn La (chênh 1.3 điểm).
Cũng ở môn học này, một số địa phương có độ chênh giữa trung bình điểm thi và điểm học bạ khá thấp như: Ninh Bình (chênh 0,24 điểm); TP Hồ Chí Minh (chênh 0,32 điểm); Nam Định (chênh 0,43 điểm)…Thậm chí, Bình Dương là địa phương có trung bình điểm thi các môn cao hơn trung bình điểm học bạ (0,03 điểm).
Môn Ngữ văn, Đồng Tháp, Phú Yên, Đà Nẵng, Vĩnh Long có độ chênh giữa trung bình điểm thi và trung bình điểm học bạ cao nhất trong khoảng từ 1.3- 1.4 điểm.
Nhìn tổng thể, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của hầu hết các môn thấp hơn trung bình điểm học bạ lớp 12. Riêng môn Giáo dục công dân có điểm trung bình thi tốt nghiệp cao hơn điểm trung bình học bạ lớp 12 ở hầu hết các tỉnh/thành phố.
Đối với các môn có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 còn thấp, như Tiếng Anh, Lịch sử, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có phần cao hơn các môn khác.
Lịch sử, các địa phương có độ chênh hơn 3 điểm như: Hải Phòng, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Bắc Ninh.
Cụ thể như tiếng Anh, các địa phương có điểm thi chênh điểm học bạ lên hơn 2 điểm như: Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, Hậu Giang...
Điều đó có nghĩa, việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT.
Qua đó thấy rằng, kết quả học tập môn Tiếng Anh và môn Lịch sử của học sinh còn hạn chế; quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này trong trường phổ thông có phần "rộng" hơn. Đây là lý do dẫn tới độ chênh giữa trung bình điểm học bạ lớp 12 và trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh, Lịch sử cao hơn các môn khác.
Các trường có thể căn cứ để điều chỉnh tuyển sinh
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường đại học FPT cho rằng, mức chênh lệch giữa trung bình điểm học bạ lớp 12 và trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay so với năm trước hầu như tương đồng với nhau. Ví dụ năm 2020, chênh lệch điểm của Bình Dương là rất ít thì năm nay cũng vậy.
Một số tỉnh có độ chênh nhiều thì năm nay nói chung cũng nằm trong danh sách địa phương có độ lệch cao. Điều này rất dễ cho các trường đại học khi xét tuyển bằng học bạ. Điểm chênh lệch này giống như 1 hệ số điều chỉnh, các trường hoàn toàn có thể dựa vào đó để điều chỉnh cho phù hợp.
Bộ GD&ĐT cho rằng, từ kết quả thi tốt nghiệp THPT và đối sánh trung bình điểm thi với trung bình điểm học bạ lớp 12, nếu môn nào, ở tỉnh nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch lớn thì cần tiếp tục điều chỉnh việc dạy học để nâng cao chất lượng. Đồng thời, Sở GD&ĐT và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đó cần điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học bảo đảm sát hơn với năng lực của học sinh.