‘Trùm cuối’ ở nhà chồng
Tôi vốn là người ít nói và cũng không có thói quen tâm sự với người thân hoặc bạn bè, đặc biệt là chuyện tình cảm.
Vì thế, khi tôi bất ngờ thông báo kết hôn làm bạn bè sốc nặng, ai cũng hỏi: “Sao vội vàng thế? Hay cậu bị ép cưới?”. Hội bạn thân của tôi ra sức tra khảo: “Này, cậu tìm hiểu kĩ gia đình chồng chưa? Hoàn cảnh họ thế nào? Tính cách mẹ chồng ra sao? Chồng cậu có em gái không?...”
Tôi khẳng định với hội bạn thân để họ yên tâm: “Gia đình 2 bên biết nhau từ trước nên các cậu đừng lo, mọi chuyện đều ổn. Nhà anh ấy quý người lắm”.
Đám cưới đẹp như mơ đã diễn ra ngay sau đó. Chúng tôi nhận được lời chúc phúc của tất cả mọi người. Ngây ngất trong những lời chúc “có cánh”, tôi không hề nhận ra ánh mắt hằn học, tức tối đang “xoáy” vào mình. Nhân vật sở hữu “tia lửa điện” đáng sợ ấy chính là Ngọc – em chồng tôi.
Buổi tối đầu tiên ở nhà chồng, tôi bị mẹ chồng “tranh” hết việc. Vừa rửa bát, bà vừa hoan hỉ trò chuyện với tôi: “Con còn nhiều cơ hội để chăm chỉ mà, mẹ đặc cách hôm nay thôi đấy”.
Không có việc gì để làm, tôi ra ngoài phòng khách, ngồi bên chồng để cùng ngắm lại ảnh cưới. Không ngờ, Ngọc từ đâu phóng ra, nhảy tót vào lòng anh trai, cười the thé: “Ối giời, bây giờ ai còn chụp ảnh cưới phong cách sến sẩm thế này nữa?”.
Tôi chưa hết sốc vì hành động bất thình lình và phát ngôn hồn nhiên ấy thì Ngọc đã kịp giật cuốn album ra rồi giúi vào tay anh trai chiếc iPad: “Anh chơi giúp em level này được không? Khó lắm đấy...”.
Tôi lặng lẽ đi vào phòng ngủ, biết rằng anh đang nhìn theo mình với ánh mắt cực kì ái ngại nhưng anh cũng không thể thẳng tay “hất” cô em gái ra được. Sau này tôi mới biết Ngọc được bố mẹ chiều chuộng từ bé đâm hư, lúc nào cũng nghĩ mình là nhân vật trung tâm trong nhà và có quyền điều khiển, sai bảo người khác. Ngoài ưu điểm học giỏi thì Ngọc chẳng được nết gì. Mọi rắc rối tôi gặp phải khi bước chân về nhà chồng có lẽ đều xuất phát từ cô em chồng quá đặc biệt này.
Có hôm, đi học về, không thấy bóng dáng tôi ở nhà, Ngọc hỏi trống không: "Nó đâu rồi?". Bố chồng tôi giận tím mặt: “Ơ hay, con phải gọi chị dâu là chị, biết chưa?". Ngọc không bận tâm điều đó, cô tiếp tục nổi cơn tam bành: “Nó biết mình về nên trốn sang nhà mẹ đẻ phải không?”.
Đó là những gì tôi nghe được từ anh. Chính anh cũng rất bức xúc về em gái mình. Anh kể, hồi nhỏ, anh nhiều lần khốn khổ vì Ngọc. Bố mẹ anh quá nuông chiều con gái. Năm Ngọc lên lớp 2, bố anh vẫn bế Ngọc, mẹ anh thì cầm bát cơm chạy theo, đút cho Ngọc từng miếng. Ngọc bướng, ngậm chặt miệng, mẹ lại dỗ: “Con gái xinh đẹp nhất thế giới của mẹ, ăn ngoan nhé, con ăn một miếng, mẹ sẽ đánh anh con một cái”.
Nghe đến đây, tôi “sôi máu”: “Ối, ở đâu ra cái luật đấy hả anh? Thế anh bị bố mẹ đánh oan nhiều lần rồi hả?”. Anh lắc đầu, giải thích: “Không không, bố mẹ chỉ nói đùa để dỗ Ngọc vậy thôi, nhưng thực ra nó hư cũng vì bố mẹ anh dạy sai cách”.
Dù không ưa Ngọc nhưng tôi vẫn muốn cố gắng cải thiện mối quan hệ. Tôi có chung suy nghĩ với anh, bản thân Ngọc chẳng có lỗi gì cả, ai cũng hiểu Ngọc “quái tính” như vậy là do được chiều chuộng thái quá từ bé.
***
Sau một tuần nghỉ ngơi ở nhà bố mẹ đẻ, tôi sửa soạn đồ đạc để chuẩn bị quay về thì thấy anh hớt hải chạy đến, thông báo: "Em cứ ở lại đây ít ngày nữa, đừng về nhà anh vội". Đoán có chuyện chẳng lành, tôi hỏi: “Ở nhà có chuyện gì thế anh?”.
Anh thở hắt ra: “Haiz, lớn chuyện rồi em ạ, chẳng ai nhớ ra hôm nay là sinh nhật cái Ngọc nên nó đang quậy tung nhà lên kia kìa, bố bực quá mới lỡ tay tát nó một cái, lúc anh chạy sang đây thì nó đang ngồi bệt ở sàn nhà, bù lu bù loa làm ồn cả xóm lên. Bố dặn anh sang đây lánh nạn cùng em”.
Cá tánh của Ngọc chưa bao giờ làm tôi hết kinh ngạc. Tôi bức xúc: “Bố mẹ và anh còn phải bó tay với cô ấy thì em biết làm thế nào đây? Chúng ta có thể lánh nạn ở nhà bố mẹ em vài ngày nhưng không thể trốn cô ấy cả đời được”.
Anh vò đầu, bứt tai, không biết nói gì. Tôi chợt nhớ lại những gì bạn bè từng tra khảo trước khi kết hôn và tự thấy mình quá chủ quan. Tôi nghĩ, có lẽ mình nên nhờ họ chia sẻ chút kinh nghiệm đối phó với Ngọc để có thể chung sống lâu dài ở nhà chồng.