Trục xuất người di cư trái phép - Trận chiến pháp lý mới bắt đầu
Tình trạng vượt biên trái phép là vấn nạn toàn cầu cho cả những nước là đích đến cũng như những nước nơi người di cư xuất phát.
Gạt sang bên câu chuyện về mục đích khiến những người di cư muốn nhập cư bất hợp pháp vào một nước, thì câu chuyện về những hiểm nguy trên đường đi của họ mà chúng ta thường nghe thấy khiến bất cứ ai cũng mong muốn ngăn chặn những chuyện như vậy xảy ra, nhưng ngăn chặn bằng cách nào, vô vàn giải pháp đã được chính phủ các nước triển khai. Mới đây nhất, giải pháp do Chính phủ Anh đưa ra đã thu hút sự chú ý bởi tính chất khác thường của giải pháp này.
Đó là Chính phủ Anh sẽ đưa người vượt biên trái phép sang Rwanda, một quốc gia ở Đông Phi, với hy vọng sẽ ngăn chặn được những người vượt biên chỉ để vào Anh, đồng thời làm mất cơ hội của những băng đảng buôn người bóc lột và đẩy người di cư vào hiểm nguy. Những người vượt biên trái phép nằm trong diện được xem xét đưa sang Rwanda là những người nhập cư vào Anh bất hợp pháp từ ngày 1/1 năm nay. Để hỗ trợ Rwanda tạo điều kiện sinh sống cho những người được đưa sang từ Anh, nước Anh trả ngay cho Rwanda 120 triệu bảng (tức gần 3.400 tỷ VNĐ) và sẽ trả thêm dựa theo số người được đưa sang sau này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: "Những người di cư vì mục đích kinh tế muốn lợi dụng hệ thống tị nạn sẽ không được ở lại Anh, nhưng những người thực sự có nhu cầu sẽ được bảo vệ, bao gồm việc được tiếp cận các dịch vụ pháp lý khi đến Rwanda".
Liều mạng vì giấc mơ đổi đời
28 thi thể người di cư đã trôi dạt vào bờ biển Libya hôm 25/12/2021, sau khi thuyền chở họ trên đường đến châu Âu bị chìm ở ngoài khơi. Trước đó chỉ vài ngày, 160 người di cư đã bị đuối nước trong các vụ chìm tàu tương tự, nâng tổng số người di cư thiệt mạng trên tuyến đường biển Địa Trung Hải trong năm 2021 lên 1.500 người.
Ông Osama Al-Saket - Giám đốc Bệnh viện Khoms, Libya cho biết: "Chúng tôi đến nơi và thấy những thi thể có lẽ đã trôi dạt được 1 ngày. Địa điểm đó có 14 thi thể, trong đó có 1 em bé còn rất nhỏ".
Vụ 27 người di cư chết đuối do lật xuồng trong khi vượt Eo biển Manche từ Pháp sang Anh hôm 24/11/2021- đã gây sốc cho cả hai quốc gia này. Đây được xem là vụ đắm tàu khiến người di cư thiệt mạng nhiều nhất từ trước đến nay tại eo biển này. Những người nhập cư dùng xuồng cao su - tận dụng thời điểm biển lặng - để vượt qua khúc hẹp 34km của eo biển Manche, nhưng nơi đây đã trở thành nghĩa địa tử thần.
Và có lẽ chúng ta không thể quên vụ việc 39 người Việt tử vong trong xe container ở Anh ngày 23/10/2019. Bi kịch là hậu quả của nạn buôn người và vận chuyển người trái phép qua biên giới. Thủ tướng Anh Boris Johnson tin rằng chương trình đưa người xin tị nạn sang Rwanda sẽ phá vỡ chính mô hình kinh doanh này của những băng đảng buôn người.
Giải pháp trục xuất người di cư gây tranh cãi
Quan điểm của Chính phủ Anh trong việc ngăn chặn hoạt động vượt biên trái phép thì như vậy, thế nhưng chuyến bay đầu tiên chở những người tị nạn từ Anh đến Rwanda đã bị hủy hôm qua, ngay trước giờ cất cánh, sau khi có sự can thiệp của Tòa án Nhân quyền châu Âu. Tòa án này cho rằng không một ai nên bị ép lên máy bay cho đến khi chính sách mới của Chính phủ Anh được xem xét kỹ lưỡng trong một phiên điều trần vào tháng sau.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn thể hiện quan điểm rõ ràng rằng, thỏa thuận chuyển người di cư từ Anh sang Rwanda là hoàn toàn sai. Bất chấp thực tế rằng Rwanda đã xử lý khá hiệu quả vấn đề người di cư trong những năm qua.
Ông Filippo Grandi - Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn nói: "Tôi tin rằng thỏa thuận này là hoàn toàn sai trái. Chúng ta đang nói về một quốc gia xuất khẩu trách nhiệm của mình sang một quốc gia khác. Về cơ bản, Rwanda được yêu cầu xác định tình trạng người tị nạn thay cho Vương quốc Anh, Rwanda không có thẩm quyền để thực hiện công việc đó".
Kế hoạch của Chính phủ Anh cũng vấp phải sự phản đối từ hơn 160 tổ chức từ thiện và nhóm vận động xã hội. Các luật sư phản đối cho rằng thỏa thuận không an toàn cho người di cư và có thể gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với cuộc sống của họ.
Ông Daniel Sohege - Giám đốc tổ chức Stand For All: "Đó là một chính sách không có tình người, tốn kém và không thể thực hiện được. Họ đang nói về việc gửi người ta đến Rwanda, chờ đợi yêu cầu của họ được xử lý ở Rwanda, cách nơi đây đến 4.000 dặm".
Trong khi đó, Chính phủ Anh bảo vệ quan điểm rằng chính sách này sẽ giáng một đòn mạnh vào hoạt động di cư bất hợp pháp, khiến người di cư chùn bước và qua đó hạn chế cơ hội trục lợi của các nhóm buôn người.
Hôm thứ ba tuần này, Thủ tướng Anh vẫn khẳng định thủ đoạn kinh doanh theo kiểu bán giấc mơ hão huyền cho người di cư của các băng đảng buôn người từ giờ sẽ bị đổ bể. "Chúng tôi sẽ không nản chí chỉ vì một số lời chỉ trích nhằm vào chính sách này. Chúng tôi sẽ cố gắng để phân biệt rõ ràng, công bằng và hợp lý giữa việc di cư hợp pháp đến đất nước này và cách di cư nguy hiểm và trái phép qua eo biển".
Bà Priti Patel - Bộ trưởng Nội vụ Anh nói: "Đội ngũ pháp lý của chúng tôi đang xem xét mọi quyết định được đưa ra về chuyến bay này và việc chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo bắt đầu ngay bây giờ".
Bình luận của hãng truyền thông Anh BBC cũng cho rằng, kế hoạch đưa những người di cư đến Rwanda sẽ không sụp đổ nhanh như một ngôi nhà xây bằng những lá bài. Trận chiến pháp lý giữa một bên là Chính phủ Anh và phía còn lại là Tòa án Nhân quyền châu Âu và các nhóm xã hội bảo vệ quyền của người tị nạn giờ mới bắt đầu.
Chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, hơn 10 nghìn di cư đã vượt eo biển Manche để tìm đường vào nước Anh. Hàng chục người chen nhau trên những con thuyền nhỏ bấp bênh, nguy hiểm. Trong khi đó, có tới 2 triệu người di cư trái phép tìm cách vào nước Mỹ qua đường biên giới phía Nam với Mexico trong năm 2021. Dự báo con số năm 2022 cũng không ít hơn.
Trong bối cảnh phát sinh điểm nóng xung đột, có thêm hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, thì thế giới sẽ còn tiếp tục đau đầu tìm lời giải đồng thuận cho bài toán di cư.