Trong trái tim mỗi đứa con, họ luôn là người hùng theo cách chân thật và kì diệu nhất!

Theo Kenh14/Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Một người cha suốt 27 năm cùng con đến trường và giúp con chiến thắng hội chứng Down; một người mẹ đã sinh ra "chú lính chì" Thiện Nhân bằng trái tim đầy yêu thương; một người mẹ khác là hành trình bền bỉ để hiểu và sát cánh bên 3 người con LGBT của mình.

Đi hết 1/3 đời người, có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ cảm nhận được bên mình luôn có một thứ tình yêu vô điều kiện, không đòi hỏi, không so đo, không phân biệt sang hèn, không trông mong đáp trả. Đó là tình yêu từ những người cha, người mẹ vĩ đại trong cuộc đời bạn.

Những người mà cho dù bạn có xấu hay đẹp, có tài giỏi hay yếu kém, dù bạn có phạm lỗi lầm nghiêm trọng đến đâu, họ cũng sẽ là những người đầu tiên tha thứ cho bạn. Vì gia đình luôn có một cánh cửa không bao giờ đóng lại để bạn biết rằng dù thế nào cũng sẽ còn một nơi để quay về, mặc cho cả thế giới đã quay lưng với mình đi chăng nữa.

Trong những dịp tình cờ được gặp gỡ và lắng nghe hành trình đầy tình yêu của của những ông bố, bà mẹ mà tôi từng biết đến, tôi sẽ không bao giờ quên ba câu chuyện phi thường của chị Mai Anh, cô Minh Nguyệt và bác Mạc Văn Mỹ. Ba người ở ba nơi chốn khác nhau, có những người con mang những hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung giống nhau: sự hy sinh không mỏi mệt và tình yêu thương con mình vượt xa mọi giới hạn.

Chuyện về một người cha 27 năm đứng ngoài cửa lớp

Mạc Đăng Mừng, chàng trai mắc hội chứng Down bẩm sinh nhưng đã trở thành sinh viên giỏi toàn năng khi anh biết đàn, biết võ Akido, hiểu cơ bản vài từ tiếng Anh và có chứng chỉ tin học của trường Đại học Văn Lang. Cùng đồng hành với Mừng trong suốt từng ấy năm, là sự hy sinh thầm lặng của người cha già Mạc Văn Mỹ, 66 tuổi.

 - Ảnh 1.

Câu chuyện của ông Mỹ và anh Mừng đã từng được kể đi kể lại rất nhiều lần trên báo đài, mãi đến một ngày đầu tháng 10, chúng tôi mới có dip ghé đến căn nhà trọ nơi gia đình ba người đã sống cùng nhau gần 30 năm qua. Đó là một ngôi nhà nhỏ bình yên nằm cạnh Nhà thờ Xóm Chiếu, quận 4. Khi chúng tôi đến, bà An đang cặm cụi nấu ăn dưới bếp trong khi ông Mỹ đứng bên cạnh nhìn anh Mừng cần mẫn ngồi trước màn hình máy tính để luyện các bài tập đồ họa.

 - Ảnh 2.

Mắc hội chứng Down bẩm sinh nhưng Mừng luôn nỗ lực mỗi ngày và rất siêng năng học tập.

Ở giải thể thao dành cho người khuyết tật TPHCM năm 2014, Mừng đạt huy chương vàng cá nhân, huy chương đồng tập thể môn bóng gỗ và huy chương bạc đồng đội môn bóng đá kết hợp dành cho người thiểu năng trí tuệ và người không bị thiểu năng trí tuệ. Trong ngôi nhà nhỏ treo rất nhiều huy chương thể dục thể thao mà Mừng đạt được, ít ai nghĩ rằng đây là một chàng trai mà 7 tuổi mới biết nói, 9 tuổi mới biết đi.

 - Ảnh 3.
Một ngày của hai cha con bắt đầu từ sớm. Lịch học của Mừng như thế nào, ông Mỹ đều nhớ rất rõ.

 - Ảnh 4.
Chở con đến lớp, khoác áo, mang giày, động viên con... đó là tất cả những gì ông Mỹ đã làm trong suốt từng ấy năm dài ròng rã.

Để Mừng đạt được thành tích như bây giờ, hơn 20 năm qua người cha già Mạc Văn Mỹ luôn theo chân con đến lớp học. Một ngày của hai cha con bắt đầu từ sáng sớm, ông Mỹ thức dậy, chuẩn bị mọi thứ rồi chở con trai đến lớp. Ngày Mừng còn đi học ở trường ĐH Văn Lang, ông Mỹ cũng dự thính bên cạnh con mình, ghi chép cẩn thận để có thể truyền đạt khi con cần. Những môn học như tiếng Anh, thể thao, võ Akido... thì ông luôn đứng bên ngoài dõi theo từng bước đi của con, chưa một lần rời mắt. 

Biết mình đã già, không thể theo con đến lớp cả đời, nên thỉnh thoảng trong lúc chở con đi học, ông Mỹ nhỏ nhẹ nói với anh Mừng: "Nếu sau này, ba không còn đi với con được nữa, con phải mạnh mẽ lên, đừng buồn, con phải tự mình phấn đấu...".

 - Ảnh 6.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của ông Mỹ là được nhìn con mình hòa nhập với cộng đồng, xã hội như một người bình thường.

Ông nói vậy, chứ ông đâu muốn, và ông thật sự rất sợ nếu một ngày nào đó phải bỏ Mừng lại cuộc đời này một mình. Vì vậy ông luôn dạy con phải cố gắng học tập để kiếm được cái nghề, cố gắng rèn luyện thân thể để bảo vệ chính mình.

"Tôi thật sự không biết mình đã làm những gì, cho đến khi thấy mình xuất hiện trên vài trang báo cùng tiêu đề như "Người cha gần 30 năm đồng hành cùng con trai bệnh Down, tôi mới giật mình cảm nhận thì ra mình và con đã cùng nhau đi một quãng đường dài đến thế. Nhiều bậc phụ huynh có con khuyết tật hoặc bị Down cũng đến nhà vợ chồng tôi nhờ tư vấn vì họ suy sụp và bế tắc. Chúng tôi chả biết khuyên răn thế nào, cũng có bí kíp gì cho cam, chỉ biết vì tình yêu và vì bổn phận của người làm cha, làm mẹ mà hãy dành tất cả những gì tốt đẹp cho con mình dù đó là đứa trẻ không lành lặn chăng nữa. Mình yêu con mình, thì mình biết sẽ làm gì để cho nó cuộc sống tốt nhất", ông Mỹ chia sẻ.

 - Ảnh 7.

Người mẹ vượt qua trầm cảm để chắp cánh tình yêu cho những người con LGBT

Nhân một lần về Nha Trang, tôi có cơ hội ghé quán cafe của cô Cao Thị Minh Nguyệt, 55 tuổi, người mà những người trẻ trong cộng đồng LGBT thường gọi bằng cái tên thân thuộc: Mẹ Nguyệt!

"Mẹ Nguyệt" của họ, vốn không phải là một tổng đài viên tư vấn giới tính cho bất kỳ ai, nhưng trong cộng đồng những người đồng tính, song tính và chuyển giới, thì cô là một người mẹ chung cho tất cả. Một người luôn lắng nghe người trẻ, chia sẻ, động viên, thậm chí sẵn sàng can thiệp khi thấy các gia đình có dấu hiệu bạo hành những người con mà họ cho rằng đã “mắc bệnh” đồng tính.

Cô Nguyệt đã từng đến nhà những cô cậu bé chẳng máu mủ ruột rà gì với mình, chỉ để xin ba mẹ các em mở trái tim và học cách hiểu những gì đang diễn ra với con mình. Với những phụ huynh hà khắc không muốn hiểu chuyện, cô Nguyệt bị xem là “bà khùng”, “dở hơi”, nhưng với cộng đồng LGBT, cô Nguyệt đơn giản là một người mẹ.


Mẹ của 3 người con LGBT - Cô Cao Thị Minh Nguyệt

 - Ảnh 9.
Mẹ Nguyệt - người mẹ chung cho những người con LGBT.

Cô Nguyệt có 3 người con thì 2 trong số đó đã là người LGBT. Cô con gái đầu tên Vy Vy, 30 tuổi, là người dị tính và đã về nhà chồng. Người con giữa tên Nguyễn Trúc Vy, 27 tuổi, là người chuyển giới nam. Và người con trai út tên Minh Nhật, 20 tuổi, là người đồng tính nam. Cô sống cùng 3 người con tại một ngôi nhà được tận dụng làm quán café sân vườn ở huyện Cam Lâm, Nha Trang.

 - Ảnh 10.
Cô Nguyệt - con dâu Bích Hà - con gái giữa (chuyển giới nam) Trúc Vy - và con trai út (đồng tính nam) Minh Nhật.

Ngôi nhà thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người đàn ông do chồng cô đã đi thêm bước nữa. Mọi việc trong nhà, mọi nỗi đau, bao lâu nay chỉ một mình cô gánh chịu. Trong ngôi nhà đó, cô Nguyệt vừa làm mẹ, cũng vừa làm cha. Cả một khoảng thời gian dài dõi theo từng đứa con cho đến khi phát hiện cả hai đứa đều là người LGBT, chỉ một mình cô tự nhủ lòng mình phải vượt qua, chấp nhận và đi tìm hạnh phúc cho con mình.

 - Ảnh 11.
Cô Nguyệt vừa là một người mẹ, cũng vừa là một người cha.

“Tôi rất đau đớn và đã có một thời gian bị trầm cảm, luôn luôn tự trách mình rằng tại sao lại sinh ra những đứa con như thế để rồi tương lai sau này của chúng nó sẽ đi về đâu? Tôi tự nhủ lòng mình hãy cố làm thật nhiều để bù đắp cho các con. Là một người mẹ đã theo con mình gần nửa cuộc đời, trải qua quá nhiều sự kì thị và khó khăn, tôi nghĩ, hạnh phúc của con quan trọng hơn rất nhiều so với cái được gọi là chuẩn mực của xã hội. Phải, tôi từng rất sốc nhưng chưa bao giờ nỡ làm tổn thương các con và cũng không muốn làm điều đó”, cô nói.

 - Ảnh 12.

Cô Nguyệt nói, cô không thích ai goi mình là “người mẹ vĩ đại”, vì cô thấy mình chẳng làm gì để gọi là vĩ đại cả. "Tôi chỉ làm theo bản năng của một người mẹ, đó là bảo vệ và đem đến cho các con một cuộc sống hạnh phúc, còn hạnh phúc thế nào là do con mình lựa chọn".

Người mẹ viết nên câu chuyện cổ tích cho đứa trẻ được sinh ra từ trái tim

Giữa tháng 7/2006, người dân khu vực Núi Thành (Quảng Nam) phát hiện một bé trai bị thú hoang cắn mất một chân và bộ phận sinh dục. Dù 3 ngày không ăn uống và cơ thể bị hương tổn nặng, nhưng bé vẫn chiến thắng được tử thần và đã hồi tỉnh. Bé được mọi người đặt tên là Thiện Nhân với mong muốn điều thiện, lòng nhân sẽ theo bé mãi mãi.

Đến năm Nhân 2 tuổi, chị Trần Mai Anh, một người phụ nữ đã có chồng và hai cậu con trai sống trên phố Hàng Bạc (Hà Nội) đã quyết định nhận bé Nhân về nuôi. Sau đó, chị Mai Anh và ông Greig Craft, Giám đốc Quỹ phòng chống thương vong châu Á đã đưa Nhân ra nước ngoài và bác sĩ Roberto De Castro của Bệnh viện Bologna (Italia) đã phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục thành công cho Thiện Nhân. Cậu bé kháu khỉnh đáng yêu ngày nào nay đã 9 tuổi, thông minh, hiếu động và được mọi người gọi với tên thân mật là "chú lính chì" Thiện Nhân.

 - Ảnh 13.
Bé Thiện Nhân và người mẹ nuôi đã viết nên kỳ tích cho cuộc đời em - chị Trần Mai Anh.

Thiện Nhân được sinh ra từ trái tim người mẹ, điều này ai cũng biết, và Nhân cũng biết. Nhân biết do một lần em hỏi và được mẹ Mai Anh giải thích rằng do mẹ sinh hai anh của Nhân từ bụng nên hai anh không… thơm tho như Nhân.

“Lúc Nhân nghe như vậy thì Nhân sướng lắm, vì con thấy mình may mắn hơn hai anh trai. Nhân mừng rỡ hôn hít mẹ xong thì lại nghĩ một lúc rồi bảo thôi mẹ ơi, tội nghiệp hai anh, mẹ cũng sinh hai anh ra từ tim đi. Một chuyện nhạy cảm và tưởng như phức tạp nhưng chỉ nói như thế thôi là đã giải quyết được tất cả rồi. Đến giờ Nhân vẫn rất tự hào vì được sinh ra từ trái tim của mẹ”, chị Mai Anh cười, chia sẻ.


Clip: Chú lính chì Thiện Nhân - đứa trẻ lớn lên từ trái tim người mẹ

 - Ảnh 15.
"Thiện Nhân được sinh ra từ trong trái tim tôi".

Ít ai biết rằng, cậu bé lành lặn của ngày hôm nay từng được mẹ Mai Anh ví tựa như cục đá, cục sỏi vì chẳng biết gì, thậm chí không thích ăn gì ngoài chuối. Chị Mai Anh còn phải đối mặt với bao nhiêu triệu chứng kỳ lạ của Thiện Nhân, đó là chứng cuồng ăn, sợ người, chứng ghẻ triền miên không biết bao nhiêu tháng, Nhân còn gặp vấn đề về tiêu hóa, bài tiết…

Những câu chuyện trên mặt báo ấy trước đây vốn chỉ là một phần nhỏ so với những gì Thiện Nhân đã trải qua, so với hành trình ngoài sức tưởng tượng của hai mẹ con.

Ông bố Mạc Văn Mỹ, người mẹ Cao Thị Minh Nguyệt và Trần Mai Anh là ba trong 20 đề cử của hạng mục Top 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2015.

Cổng bình chọn của WeChoice Awards 2015 đã chính thức được mở vào hôm nay, ngày 8/1 để độc giả tham gia vote cho những đề cử của mình tại tất cả các hạng mục trong khuôn khổ giải thưởng năm nay.

Ở giải thưởng WeChoice mùa 2, độc giả chỉ có thể bình chọn cho các đề cử qua app WeChoice Awards được tích hợp trong ỨNG DỤNG ĐỌC TIN KENH14. Mọi thông tin về các đề cử, số phiếu bình chọn, cũng như những tin tức về lễ vinh danh cuối cùng sẽ được cập nhật tại đó.

Vào ngày 26/1, cổng bình chọn sẽ được đóng. Sau đó, BTC sẽ công bố những cái tên được vinh danh nằm trong các hạng mục giải thưởng của WeChoice Awards 2015 thông qua lễ trao giải được tổ chức tại Tp.HCM.

Chia sẻ