Trốn chồng
Chuyện hôn nhân thực tế tạm lùi vào dĩ vãng thì hiện tượng “ly hôn… thực tế” lại nổi lên…
Tự xử
Ba tháng qua, chị Nguyễn Hiền Lan (ở Phước Long, Bình Phước) đã chạy khắp nơi kêu cứu, vì chuyện nợ nần của chồng: “Tôi và ông ấy (anh Nguyễn Cửu Hào) đã thôi nhau từ chín năm rồi, nay ông ấy mang giấy tờ nhà cầm cố, vay ngân hàng để rượu chè, cờ bạc, cá độ… Nhà bị xiết, nợ ngân hàng gần 200 triệu. Giờ tòa án mời tôi lên giải quyết việc phát mãi nhà, bắt phải trả nợ của ông chồng vô trách nhiệm này. Tôi phải làm sao?”.
Hóa ra chuyện “thôi” nhau của chị và anh Hào ly kỳ cứ như trong tiểu thuyết: hai người tự xé giấy đăng ký kết hôn trước họ tộc hai bên. Chị Lan kể: “Sống với nhau chín năm, không biết bao nhiêu lần tôi phải bán tài sản để trả nợ cho thói mê cờ bạc của chồng. Năm 2001, khi con trai bị sốt xuất huyết cấp tính, phải chuyển viện lên thành phố, ông ấy đi suốt mấy hôm không về, nhà không còn đồng bạc, tôi phải chạy về mẹ tôi vay bốn chỉ vàng bán để đưa con đi bệnh viện. Không ngờ cũng trong đêm đó, ông ấy thua bài đến hơn bốn triệu, chạy về vét sạch tiền mang trả vì sợ người ta đánh. Sáng hôm sau, tôi đưa con lên thành phố mà trong túi không có đến 100.000đ. Cuối cùng, vì đến bệnh viện trễ, con tôi mất. Hận chồng, tôi quyết định chia tay. Tôi mời gia đình hai bên đến để thông tin, rồi tự tay xé giấy kết hôn. Từ đó, tôi ẵm con gái nhỏ về bên ngoại ở, cứ tưởng đã rảnh nợ…”.
Lấy chồng sau hai năm yêu thương, ai cũng tưởng chị Hoàng Thị Mai (ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) sẽ rất hạnh phúc. Anh Nguyễn Minh - chồng chị, là chủ một tiệm gò hàn lớn ở huyện, từng chơi “ngông” khi mua hết hoa hồng ở chợ để tặng chị ngày sinh nhật. Thế nhưng, họ chỉ hạnh phúc được một thời gian. Hai năm sau, khi chị sinh con gái đầu lòng, hàng xóm bắt đầu chứng kiến cảnh Minh hành hạ vợ. 4g sáng chị đi lấy rau ra chợ bán, trưa tất tả về nhà lo cơm nước, vịt, gà. Hình ảnh cô Mai xinh tươi, duyên dáng ngày nào mất hẳn, thay vào đó là một chị Mai già cỗi, ốm nhom, áo nhăn nheo, quần ống cao ống thấp… Minh ngày càng uống rượu nhiều hơn, lại ghen tuông vô cớ. Cứ thấy Mai chào ai, cười với ai, dù người đó đáng hàng cha chú, dù câu chuyện chỉ là những lời hỏi thăm bình thường, anh ta cũng đánh vợ. Mỗi lần nhậu vào Minh càng đánh vợ nhiều hơn, thậm chí có lần lấy dao đòi cứa cổ vợ… Hoảng sợ, tháng 12/2007, chị đã bế con trốn về tận Hải Dương. Trốn đi, chị cứ tưởng đã “dứt nợ trần ai”, nhưng dù có trốn xa cả ngàn km, trên giấy tờ, anh Minh vẫn còn là chồng hợp pháp của chị.
Mượn cớ tìm vợ, Minh mang hình chị photo cùng chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn lén đi dán khắp nơi trong xã. Trên thông báo, anh ta còn ghi: “Vợ tôi, Hoàng Thị Mai bỏ nhà theo trai từ ngày 18/12/2007 đến nay không tin tức. Khi đi mang theo một chiếc Spacy biển số… và mấy cây vàng. Ai thấy ở đâu, vui lòng gọi về số điện thoại 091… Xin cảm ơn và hậu tạ”. Người thân bảo chị hãy gửi đơn ly hôn ở tòa, đòi lại tài sản cho con, rồi tìm đường về với cha mẹ… nhưng sợ đối mặt với Minh, chị càng trốn biệt, cha mất vào cuối năm 2009, chị cũng chẳng dám về. Chị Mai khóc: “Anh ta như con thú dữ, tôi sợ khi trở về, tài sản không được chia mà tính mạng của con, của bản thân còn bị nguy hiểm”. Mai hy vọng đến một lúc mỏi mòn hay gặp người đàn bà khác hợp lòng, Minh sẽ nguôi ngoai và tự ly hôn… Hiện Mai không dám quay về quê cũ dù đang lo lắng, còn hai năm nữa, con gái sẽ đủ tuổi vào lớp 1, nhưng mọi giấy tờ đều ở tận Long Thành, chưa biết phải tính sao!
Làm theo luật
Luật sư Nguyễn Quốc Dũng, Công ty luật Thiện Việt cho biết: “Theo điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình, ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do tòa án công nhận, hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc của hai vợ chồng. Việc hai vợ chồng xé tờ đăng ký kết hôn hoặc một người bồng con bỏ đi thì dù bao lâu cũng không làm thay đổi tình trạng hôn nhân đối với pháp luật. Nghĩa là, hai người vẫn còn là vợ chồng, dù thực tế đã không còn chung sống với nhau.
Ở trường hợp của chị Lan, theo Điều 25, vợ hoặc chồng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện (ở đây là khoản nợ do chồng chị Lan vay). Tuy nhiêu, Điều luật này cũng nói rõ: người còn lại chỉ chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp khoản vay nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho gia đình. Nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho gia đình là các khoản chi tiêu phục vụ chung cho cả gia đình như: chi trả tiền sinh hoạt phí (cơm, áo, gạo, chợ…), các khoản chi chung cho gia đình (xây sửa nhà cửa, học phí cho con đi học…). Do đó, chị Lan cần xem lại các giấy tờ vay nợ được ghi như thế nào thì mới có thể khẳng định trách nhiệm một cách chính xác. Muốn bảo vệ quyền lợi của mình, chị cần chứng minh được các khoản vay của chồng chị không được dùng vào mục đích đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho gia đình. Theo tôi, việc này là không khó vì suốt thời gian anh Hào vay nợ, chị đã đi khỏi địa phương, con gái cũng theo sống cùng mẹ, căn nhà chung không được xây sửa gì…”.
Riêng với chị Mai và những phụ nữ đang phải trốn đi vì chồng côn đồ, bạo hành (những trường hợp này khá nhiều), chúng tôi thành thật khuyên các chị hãy tự làm đơn ly hôn gửi tòa án nhân dân quận, huyện nơi chồng đang cư trú để xin ly hôn một cách hợp pháp, tránh những hệ quả xấu. Luật Hôn nhân gia đình có quy định về việc đơn phương ly hôn, nếu muốn tránh xuất hiện trước chồng, các chị hoàn toàn có thể ủy quyền cho luật sư. Trường hợp bị chồng dùng vũ lực đe dọa phải lẩn trốn, nếu được Hội LHPN hay UBND xã, phường giới thiệu, chứng minh từng bị bạo hành, các chị sẽ thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí, và được luật sư đại diện trước tòa.