Tròn 30 ngày đối đầu đợt dịch thứ 4: Hơn 3.000 ca nhiễm, ổ dịch Bắc Giang thêm phức tạp, 10 bệnh nhân Covid-19 tử vong
Một tháng kể từ khi làn sóng Covid-19 thứ 4 "tấn công", cả nước ghi nhận 3.027 ca bệnh. Dịch lan ra 30 tỉnh/thành phố, diễn biến hết sức phức tạp.
Ngày 27/4, một nam nhân viên tại khách sạn Như Nguyệt, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái - nơi cách ly tập trung của đoàn chuyên gia Ấn Độ - được xác định dương tính SARS-CoV-2. Đây là ngày "mở màn" cho làn sóng Covid-19 thứ 4 tại nước ta.
Sau một tháng, số ca nhiễm vượt mốc 3.000, dịch "tấn công" 30 tỉnh/thành phố và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". Ba địa phương nhiều ca nhiễm nhất tính đến 18h tối 26/5 là Bắc Giang (1520), Bắc Ninh (624) và Hà Nội (246, tính cả Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K).
Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn được đánh giá là tâm điểm "nóng", đặc biệt là Bắc Giang. Trong khi đó, Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây. TP.HCM có 7 ca mắc, tại 2 ổ dịch mang chủng Ấn Độ và Anh, trong tối 26/5 ghi nhận thêm 3 ca nghi nhiễm mới, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ.
7 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam và Quảng Trị đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Đà Nẵng 8 ngày liên tiếp không có ca Covid-19 trong cộng đồng, 57 bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2.
Kết quả giải trình tự gene các ca bệnh xác định chủng virus của Anh và Ấn Độ, với tốc độ lây lan nhanh. Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành F0; lây mạnh trong môi trường kín như khu công nghiệp, quán bar, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường…
Các nhân viên y tế tuyến đầu tham gia "chiến đấu" chống lại Covid-19 tại Bắc Giang (Ảnh: Bộ Y tế)
Kỷ lục 444 ca mắc trong một ngày, Bắc Giang 375 công nhân thành F0
Trong ngày 25/5, cả nước ghi nhận 444 ca mắc Covid-19 trong nước. Con số kỷ lục kể từ khi đại dịch xuất hiện tại Việt Nam. Riêng tỉnh Bắc Giang 375 ca, được phát hiện nhờ tổng lực thần tốc xét nghiệm trong 3 ngày.
Covid-19 lần này "đánh" vào các nhà máy, khu công nghiệp lớn tại Bắc Giang với mật độ đông, môi trường khép kín, dùng chung khu ăn uống,... Điển hình khu công nghiệp Vân Trung (liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) với hơn 300 F0. "Ổ dịch" tại khu công nghiệp Quang Châu gần 1.000 ca nhiễm, đặc biệt công ty Hosiden chiếm số lượng nhiều nhất, 55% F1 thành F0.
Bộ Y tế yêu cầu ngay lập tức "đóng băng" tất cả các khu nhà ở của công nhân; Đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng nơi có đông công nhân sinh sống; Áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này - coi như là nơi cách ly tập trung. Tuyệt đối không cho người ở ra khỏi nhà, phòng ở và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục làm sạch những khu vực có công nhân lưu trú.
Dự báo trong những ngày tới, số lượng ca F0 tại Bắc Giang vẫn tăng nhưng không đột biến do các đối tượng nguy cơ cao đã được lấy mẫu xét nghiệm. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng chủ yếu trong các khu vực đã cách ly và giãn cách xã hội.
200 y bác sĩ Quảng Ninh chi viện khẩn cấp cho Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm trong các nhà máy, khu công nghiệp (Ảnh: Phương Thảo)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đợt dịch này có nguy cơ kéo dài hơn các lần trước, không có xu hướng giảm sớm như Đà Nẵng hay Hải Dương. Tốc độ lây lan nhanh, do SARS-CoV-2 mang biến chủng Ấn Độ, lây lan gấp 1,7 lần so với các biến chủng khác.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, thông thường nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sau 3 - 4 ngày virus mới mọc. Nhưng lần này ngày thứ 2 virus đã mọc rất nhiều, phát tán mầm bệnh rất nhanh. Chủng virus lần này nếu xử lý chậm là muộn.
Bộ trưởng cho biết sẽ hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang, huy động mọi nguồn lực, bởi "trận Đà Nẵng đánh 1 thì trận này phải nhanh 10 thì mới thắng được". Bộ sẽ điều BV Chợ Rẫy, BV Phổi, BV Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội hỗ trợ về công tác hồi sức, điều trị. Địa phương này phải bắt tay xây dựng kịch bản cao hơn 5.000 người nhiễm Covid-19, đề phòng tình huống xấu hơn.
"Chúng ta khống chế dịch tại Bắc Giang thành công, thì sẽ khống chế dịch tại Bắc Ninh và các tỉnh thành khác. Tinh thần chung là dồn tổng lực và hỗ trợ tối đa ở mức cao cho Bắc Giang", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bắc Ninh đã có hơn 600 ca Covid-19. Bà Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh uỷ, trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ ngày 26/5, cho biết công tác phòng chống dịch của tỉnh này tập trung vào 4 mũi trọng yếu. Tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành (nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên ngày 5/5); các khu công nghiệp; các khu cách ly, cơ sở y tế; khoảng 30.000 người Bắc Giang làm việc tại Bắc Ninh và khoảng 3.600 người Bắc Ninh làm việc tại Bắc Giang.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bắc Ninh phải dập dịch bằng được trong cộng đồng, bảo vệ cộng đồng sạch để ngăn việc lây nhiễm vào các khu công nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất hiện nay là tập trung đẩy lùi dịch bệnh ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Bộ Y tế kêu gọi cả nước hướng về 2 tỉnh để đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất có thể trong những ngày tới. Đặt sức khỏe của cộng đồng, của người dân hai tỉnh trong lúc này là trên hết, trước hết; bảo đảm sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong các khu công nghiệp.
Tình hình đợt dịch này được dự báo kéo dài hơn so với 3 lần trước, do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh (Ảnh: Phương Thảo)
Hà Nội xuất hiện chùm ca bệnh mới phức tạp, chưa rõ nguồn lây
Làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Hà Nội ghi nhận 149 ca mắc Covid-19, tính từ ngày 29/4 đến chiều 26/5. Diễn biến vẫn còn phức tạp, khi 8 chùm ca bệnh trong cộng đồng phân bổ tại 20 quận/huyện. Nhiều địa điểm, trong đó có chung cư, cà phê, nhà hàng,... bị phong toả tạm thời.
Chùm ca bệnh mới phát sinh tại khu đô thị Times City và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T hiện có 38 ca, tại Ba Đình (1), Bắc Từ Liêm (1), Cầu Giấy (2), Đống Đa (4), Gia Lâm (1), Hà Đông (1), Hai Bà Trưng (3), Hoàng Mai (14), Long Biên (5), Thanh Trì (1) và Thanh Xuân (5).
Trước đó, chiều 22/5, nam sinh N.V.C., 11 tuổi, lớp 5A16, Trường Tiểu học Vinschool, Times City, sống tại Park 11, Park Hill được mẹ là chị Đ.B.L., 36 tuổi đưa đến Bệnh viện Vinmec xét nghiệm Covid-19 tự nguyện.
Rạng sáng 23/5, bệnh viện trả kết quả em C. dương tính với SARS-CoV-2. Đến chiều cùng ngày, 3 thành viên khác trong gia đình gồm bố, mẹ và em trai của C. cũng nhận kết quả dương tính.
Khu đô thị Times City và Công ty T&T ghi nhận chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây (Ảnh: Minh Nhân)
Từ ca bệnh chỉ điểm, Hà Nội thần tốc truy vết và phát hiện tại Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T nơi chị Đ.B.L. làm việc, có 29 ca mắc mới. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, qua đánh giá sơ bộ từ các đơn vị chuyên môn, trước mắt có thể nhận định ổ dịch lây từ chính tập đoàn T&T chứ không phải từ gia đình ở Park 11, Times City.
Đây là "ổ dịch" hết sức phức tạp và chưa rõ nguồn lây, liên quan tới các địa điểm có rất nhiều người làm việc, sinh sống. Việc quản lý các chung cư cao tầng, các tổ hợp văn phòng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ.
Sở Y tế Hà Nội nhận định thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng vì thời gian các ca bệnh ở ngoài cộng đồng dài, đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu từ 12h ngày 25/5 tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới của thành phố. Cụ thể, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.
Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Ngoài ra, chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận 17 ca mắc, từ ngày 15/5 đến nay không có ca mắc mới. Ngày 26/5, bệnh viện kết thúc cách ly y tế 21 ngày theo quyết định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân, đồng thời nhằm hạn chế tối đa sự lây lan Covid-19 từ cộng đồng, bệnh viện quyết định cách ly y tế thêm 14 ngày, từ 8h ngày 26/5 đến 8h ngày 9/6.
Chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều phát hiện ngoài cộng đồng có 13 F0. Theo đánh giá, tình hình dịch bệnh tại đây vẫn có nguy cơ cao.
TP.HCM: 7 ca mắc, 2 ổ dịch liên quan chủng Ấn Độ và Anh
Tính đến chiều 26/5, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 7 ca Covid-19. Chuỗi lây nhiễm tại quận 3 có 5 trường hợp nhiễm gồm 3 người sống chung nhà (BN 4780, BN 4781, BN 4782), 2 trường hợp F1 sống riêng chỉ tới thăm BN 4780 là con và cháu ngoại đã có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi đã được cách ly. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết chuỗi lây nhiễm này nhiễm biến chủng Anh.
Ngoài ra, 2 đồng nghiệp làm việc cùng công ty ở quận 3 (gồm nam bệnh nhân trú tại TP. Thủ Đức và người phụ nữ ở quận 7) cũng được xác định mắc Covid-19 và nhiễm biến chủng Ấn Độ. Cơ quan chức năng nhận định, nữ bệnh nhân ở quận 7 là nguồn lây. Người này từng đến Hải Phòng trong vòng 12 ngày dịp lễ 30/4 và 1/5.
TP.HCM thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cư dân sau khi chủ quán ăn ở quận 3 có kết quả khẳng định dương tính (Ảnh: Văn Tiên)
Đáng chú ý, trong tối 26/5, TP.HCM ghi nhận liên tiếp 3 ca nghi nhiễm Covid-19. Một người trú tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn đi khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định với triệu chứng đau họng, sốt và mất khứu giác ngày 26/5.
Ngoài ra, cặp vợ chồng khác trú tại phường Thạnh Lộc, quận 12 sinh hoạt chung tại Giáo phái truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp cùng với ca nghi nhiễm cư trú tại huyện Hóc Môn. Cả 2 cũng đi khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định do có triệu chứng viêm hô hấp cho kết quả nghi ngờ.
10 bệnh nhân Covid-19 tử vong, trong đó có người còn trẻ, không có bệnh nền
Đến chiều 26/5, Việt Nam có 10 bệnh nhân Covid-19 tử vong, chủ yếu đều lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền nặng. 2 bệnh nhân trẻ tử vong gồm một nam, 34 tuổi và một nữ, 38 tuổi. Đặc biệt, bệnh nhân nữ không có bệnh nền, diễn biến bệnh tăng nhanh chỉ sau mấy ngày nhập viện.
BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi nhiễm Covid-19, bất kỳ ai hay lứa tuổi nào đều có khả năng diễn biến nặng và tử vong.
Nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là cơ địa, tuổi tác, các bệnh lý kèm theo và khả năng miễn dịch giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật. Sau nữa là diễn biến và độc lực của từng chủng virus. Nó cũng phụ thuộc nhiều vào khả năng chẩn đoán, điều trị của các thầy thuốc, khả năng cung cấp về giường bệnh, nhân lực, oxy, thuốc men và trang bị hồi sức cấp cứu của hệ thống y tế.
Y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 nặng (Ảnh: BVCC)
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế ngày 25/5 cho hay, trong đợt dịch này, thống kê từ Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho thấy khoảng 80% người mắc Covid-19 tại Việt Nam ít có triệu chứng, như sốt không cao, ít mệt mỏi, viêm phổi chưa biểu hiện.
Khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong đó, 10% dễ chuyển từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu. Còn lại, họ có nguy cơ cao chuyển sang nặng (5%) hoặc rất nặng (5%).
Các nhân viên y tế tuyến đầu kiệt sức, ngã quỵ giữa trưa hè nắng nóng
Đợt dịch bùng phát giữa thời điểm mùa hè nắng nóng, mặc bộ đồ bảo hộ suốt nhiều tiếng, khiến nhiều nhân viên y tế kiệt sức, ngã quỵ.
Tại Điện Biên, ngày 18/5, 2 nhân viên y tế tham gia dập dịch tại huyện Nậm Pồ, nằm ngủ tạm bợ trên vỉa hè, bên cạnh là chiếc xe cứu thương. Công việc của 2 anh mỗi ngày là vận chuyển những F0, F1 đến các khu cách ly tập trung, khu điều trị. 2 ngày đầu tiên tham gia chống dịch, các anh em đều phải thức trắng đêm, không được ngủ.
Còn tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, 2 nhân viên y tế kiệt sức, ngã quỵ khi cùng đồng đội thần tốc lấy hơn 28.000 mẫu xét nghiệm. Đại diện TTYT huyện cho biết, để hạn chế những tác dụng phụ có hại của đồ bảo hộ, nhân viên y tế tại đây đã chia ca làm việc. Hoặc làm sớm, nghỉ sớm; hoặc làm tối, thức muộn, thời gian mặc đồ bảo hộ cố gắng chỉ 3 - 4 tiếng. Tuy nhiên, tiết trời nắng nóng đã "đánh gục" nhiều nhân viên y tế.
Ngày 26/5, một nam sinh viên tình nguyện của Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương ngất xỉu khi đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Do lượng mẫu đông, phải làm việc liên tục trong điều kiện bảo hộ nghiêm ngặt, nóng bức nên nam sinh bị sốc nhiệt và ngất.
Hình ảnh các nhân viên y tế tại Bắc Giang, Điện Biên và Bắc Ninh kiệt sức giữa trời hè nóng nực (Ảnh: Facebook)