Trò lừa gạt của Dương Mịch, Triệu Lộ Tư
Các ngôi sao Dương Mịch, Triệu Lộ Tư muốn dùng mánh khóe qua mắt khán giả nhưng không thành công.
Theo 163, thời gian gần đây có nhiều bộ phim điện ảnh lên sóng, các ngôi sao trẻ đã hóa trang rất khác lạ, xây dựng hình tượng hy sinh nhan sắc, lăn xả vì diễn xuất như Vương Tuấn Khải trong Nhím Gai, Justin Hoàng Minh Hạo trong Mặc Sát, Phạm Thừa Thừa trong Màn Đêm Xuất Chúng hay xa hơn nữa là Dương Mịch trong Bảo Bối Nhi, Triệu Lộ Tư trong Ngõ Nhỏ... Thế nhưng, tất cả những màn hóa thân này đều bị đánh giá là "trò lừa gạt" để che đậy diễn xuất yếu kém.
Nguồn tin bình luận việc các ngôi sao lưu lượng có ngoại hình trẻ trung xinh đẹp đột ngột thay đổi hình ảnh trở nên xấu xí luôn gây tò mò với công chúng. Tuy nhiên, hiệu ứng bất ngờ này chỉ gây ấn tượng được trong một hai lần xuất hiện, khi bước vào bộ phim, điều quyết định sự thành bại của tác phẩm vẫn là diễn xuất, chứ không phải ngoại hình diễn viên trông như thế nào.
Bộ phim điện ảnh Nhím Gai, đạo diễn lớn Cố Trường Vệ thậm chí mời đại thần, diễn viên quốc dân Cát Ưu xuất hiện để hỗ trợ Vương Tuấn Khải nhưng vẫn thất bại. Doanh thu của phim thảm hại, còn màn thể hiện của Vương Tuấn Khải bị chê khắp mạng xã hội.
Theo 163, Vương Tuấn Khải thể hiện một thanh niên mặc bệnh nói lắp, sau đó trở nên tự ti ngại giao tiếp. Vương Tuấn Khải không thể hiện được chiều sâu tâm lý nhân vật. Ngôi sao sinh năm 1999 chỉ bôi đen mặt, ăn mặc xuề xòa và tự biến mình thành "thằng ngốc" trên màn ảnh.
Rơi vào trường hợp tương tự là Phạm Thừa Thừa trong Màn Đêm Xuất Chúng. Phạm Thừa Thừa tuyên bố tăng 15kg, để râu để ra dáng một ông chú trung niên trong phim, nhưng khán giả vẫn nhận ra đó chỉ là những thay đổi về ngoại hình đã có tính toán từ trước. Còn diễn xuất của em trai Phạm Băng Băng vẫn rất kịch, không tự nhiên, chẳng hề tiến bộ từ biểu cảm tới đài từ.
Hoàng Minh Hạo còn là điểm yếu về diễn xuất trong phim Mặc Sát. Nam diễn viên trẻ như lạc quẻ hoàn toàn với dàn sao thực lực gồm Vương Truyền Nhất, Trương Quân Ninh, Vương Thánh Địch.
Theo 163, mánh khóe dùng ngoại hình xấu xí để che đi diễn xuất kém cỏi đã được đàn chị Dương Mịch sử dụng trong phim Bảo Bối Nhi. Nữ diễn viên đóng vai một nhân viên vệ sinh muốn bắt có một đứa trẻ tại bệnh viện để mang về nuôi. Cô bôi đen da mặt, đầu tóc bù xù để ra dáng người dân lao động, nhưng khi đi đổ rác, Dương Mịch theo thói quen cong ngón tay vì sợ bẩn, chính hành động nhỏ này đã vạch trần diễn xuất giả tạo của nữ diễn viên. Chưa kể đến Dương Mịch bị chê diễn xuất theo khuôn mẫu, nông cạn và không tạo được sự đồng cảm với khán giả.
Địch Lệ Nhiệt Ba luôn nằm trong danh sách mỹ nhân vạn người mê, vì vậy khi cô hóa trang xấu khán giả cũng rất tò mò, ví dụ như cô biến thành cô nàng béo trong Kiêu Hãnh Và Định Kiến (2017) hay cô gái xấu xí trong Lý Huệ Trân Xinh Đẹp. Tuy nhiên, theo 163, dù Địch Lệ Nhiệt Ba có hy sinh nhan sắc, diễn xuất của cô vẫn dậm chân tại chỗ, chính vì vậy mà các tác phẩm đều không có điểm chất lượng cao. Thậm chí, phim Lý Huệ Trân Xinh Đẹp vì lùm xùm mua giải Kim Ưng mà nhận được số điểm cực thấp 2/10 điểm chất lượng trên Douban.
Một người đẹp khác cũng bị vạch trần chiêu trò "bôi cho xấu để diễn như điên" là Triệu Lộ Tư với phim Ngõ Nhỏ. Lần đầu Triệu Lộ Tư đảm nhận vai chính trong một dự án chính kịch, cô không tiếc bôi đen da mặt, mặc đồ quê mùa. Nhưng diễn xuất quá lố, ngũ quan bay tán loạn, thường xuyên trợn mắt của Triệu Lộ Tư khiến khán giả ngán ngẩm. Cô biến nhân vật của mình trở nên ngốc nghếch, thiếu chiều sâu.
So với các ngôi sao trên, Lý Thấm được đánh giá cao hơn về diễn xuất, song vẫn chưa đủ để trở thành Thị hậu của giải thưởng uy tín nào bởi Lý Thấm thường bị chê là diễn công thức máy móc, thiếu cảm xúc.
Ví dụ vai Lý Xảo Trân trong Đường Đời không tạo được nhiều dấu ấn cho khán giả. Trong phim, cô xuất hiện với tạo hình thắt bím hai bên, khuôn mặt gầy gò và biểu cảm đôi lúc hơi quá đà. Lý Thấm bôi da mặt cực xấu để vào vai thôn nữ, tuy nhiên lại bị đánh giá không phù hợp với bối cảnh nhân vật vì Lý Xảo Trân là hoa khôi của làng. Rõ ràng, nữ diễn viên đã áp dụng máy móc công thức "nông dân là phải đen - bẩn - xấu" vào tạo hình phim mà không tìm hiểu xuất thân cụ thể của vai diễn.