Triết lý hạnh phúc của anh rể
Chị hai tôi là người phụ nữ đảm đang, vén khéo, chiều chồng... Vậy mà đùng một cái anh rể đòi ly hôn với chị.
Anh bảo tôi: “Chị của em không có gì xấu nhưng sống với cô ấy anh bị áp lực rất lớn. Lúc còn nghèo không nói làm gì, bây giờ nhà có của ăn của để mà lúc nào cô ấy cũng nhịn, không dám ăn không dám xài. Chiếc xe “tã” hết chỗ nói, điện thoại đập nước đá được, quần áo thì... miễn bàn. Xót vợ, anh sắm sửa cho cô ấy, dắt đi chơi, thuê người làm... Nhưng không những không thay đổi được vợ mà còn bị cô ấy trách móc.
Sao cô ấy phải khổ thế? Cô ấy cứ tưởng chồng con sẽ hạnh phúc và cảm kích sự hi sinh của cô ấy, thật sai lầm. Anh ra ngoài muốn ăn một miếng ngon cũng ngại, nghĩ tới vợ ở nhà kham khổ làm sao nuốt trôi. Người ngoài không hiểu thì cười chê anh làm chồng sao đó nên vợ mới vậy. Dễ tự ái lắm. Lúc nào cô ấy cũng chăm bẵm chồng như chăm con, còn bản thân thì tự đày đọa không khác gì ôsin trong nhà. Vợ chồng là phải bình đẳng với nhau, đừng đặt chồng cao quá rồi tự dìm mình xuống. Khập khiễng như vậy làm sao có hạnh phúc”.
Triết lý của anh rể được má tôi cho là bậy bạ, nhưng chị tôi lại bật khóc ân hận. Nhìn chị gầy gò hom hem, tôi thấu hiểu nỗi đau của chị nhưng cũng cảm thông với sự bất mãn của anh rể.
Đàn ông thời nay giao tiếp rộng nên có điều kiện để nhìn ngắm, so sánh, đánh giá. Phụ nữ chớ nên xem nhẹ nhu cầu của bản thân. Đừng cái gì cũng nhịn, cũng hi sinh, vô tình làm cho mình mau cũ, mau già, rồi ngạc nhiên không hiểu sao bỗng dưng lại mất chồng. Đàn ông kỵ phụ nữ chưng diện quá đáng, tiêu xài hoang phí nhưng cũng ngại phụ nữ đơn giản quá, thắt chặt quá...